04 Lý do dẫn đến đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) bị từ chối bảo hộ

Việc đăng ký nhãn hiệu là một bước quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này không phải lúc nào cũng đơn giản và có nhiều rủi ro mà người nộp đơn thường gặp phải, dẫn đến đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) bị từ chối. Một số sai sót có thể khắc phục dễ dàng, trong khi một số khác lại không thể khắc phục và có thể khiến bạn phải bắt đầu lại quy trình đăng ký từ đầu. Hiểu rõ những sai lầm phổ biến này và biết cách tránh chúng là rất quan trọng để có một quá trình đăng ký nhãn hiệu thành công. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào một số sai lầm thường gặp mà người nộp đơn thường gặp phải trong quá trình đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) cũng như cung cấp cho bạn những lưu ý để tăng cơ hội thành công trong việc đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ).  

1. Hiểu cơ bản về nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) 

Nhãn hiệu nói chung là những từ, cụm từ, biểu trưng, biểu tượng được người sản xuất sử dụng để xác định hàng hóa của mình. Tuy nhiên, hình dạng, âm thanh, mùi thơm và màu sắc cũng có thể được đăng ký làm nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ). Trong những năm gần đây, luật nhãn hiệu tại Hoa Kỳ đã được mở rộng để bao gồm bảo vệ hình ảnh thương mại tổng thể và vấn đề chống pha loãng nhãn hiệu (antidilution protection). Hầu hết mọi từ, tên, ký hiệu hoặc thiết bị có khả năng phân biệt nguồn gốc hàng hóa đều có thể được sử dụng làm nhãn hiệu với điều kiện đáp ứng một số quy định về học thuyết chức năng của nhãn hiệu được liệt kê trong 15 U.S.C. § 1052 Luật Nhãn hiệu Mỹ (Lanham Act). 

04 lý do dẫn đến đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) bị từ chối bảo hộ
04 lý do dẫn đến đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) bị từ chối bảo hộ

Xem thêm: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ)

2. Các lý do phổ biến dẫn đến đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) bị từ chối bảo hộ 

Có 4 lý do phổ biển dẫn đến đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ bị từ chối bảo hộ:

2.1 Xác định sai hàng hóa hoặc dịch vụ đăng ký  

Một trong những sai lầm thường gặp và dẫn đến việc đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) bị từ chối là xác định sai danh mục hàng hóa và dịch vụ đăng ký. Khi bạn đăng ký nhãn hiệu, bạn cần xác định rõ ràng và chi tiết danh mục các sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn muốn bảo vệ dưới nhãn hiệu của mình. Theo pháp luật Mỹ, danh mục hàng hóa và dịch vụ cần được phân loại theo hệ thống của Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) ban hành. Hệ thống này sử dụng các bảng phân loại chính xác để tách biệt và xác định rõ ràng từng loại hàng hóa và dịch vụ. Mỗi danh mục có mã số tương ứng và mô tả chi tiết về phạm vi của nó. 

Việc xác định sai danh mục hàng hóa, dịch vụ đăng ký có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như bỏ sót những sản phẩm hoặc dịch vụ quan trọng, có thể dẫn đến việc bạn không thể bảo vệ nhãn hiệu trong các lĩnh vực mà bạn thực sự có hoạt động kinh doanh. Điều này có thể mở ra cơ hội cho người khác sử dụng nhãn hiệu của người nộp đơn trong những lĩnh vực mà chủ đơn đã bỏ sót. Hơn nữa, việc xác định sai danh mục hàng hóa, dịch vụ đăng ký cũng có thể dẫn đến việc đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) bị từ chối hoặc yêu cầu sửa đổi, kéo dài quá trình xử lý đơn đăng ký.  

2.2 Nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký trước  

Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) sẽ thực hiện thẩm định mọi đơn đăng ký nhãn hiệu để đảm bảo tuân thủ pháp luật liên bang và Quy tắc Thẩm Định Nhãn hiệu. Một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến việc từ chối đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) là “khả năng gây nhầm lẫn” giữa nhãn hiệu trong đơn đăng ký và một nhãn hiệu khác đã đăng ký trước đó hoặc đơn đăng ký đang chờ thẩm định có ngày nộp đơn trước. 

Khả năng gây nhầm lẫn tồn tại giữa các nhãn hiệu khi những nhãn hiệu đó tương tự nhau cho các hàng hóa và/hoặc dịch vụ liên quan dẫn đến người tiêu dùng có thể nhầm lẫn nguồn gốc các nhãn hiệu. Các nhãn hiệu không nhất thiết phải giống hệt nhau mới gây nhầm lẫn. Chúng có thể giống nhau về mặt hình ảnh hoặc có ý nghĩa tương tự nhau. Chúng cũng không nhất thiết phải được sử dụng với hàng hóa hoặc dịch vụ giống hệt nhau mà có thể chỉ là các hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến nhau. 

Khi các nhãn hiệu phát âm tương tự nhau, có tương đồng về mặt hình thức, và/hoặc tạo ra cùng một ấn tượng thị giác chung trong tâm trí của công chúng, những nhãn hiệu này có thể được xem là tương tự gây nhầm lẫn. Sự tương tự về âm thanh, hình thức và/hoặc ý nghĩa có thể đủ để xác định khả năng gây nhầm lẫn, tùy thuộc vào mối liên quan của hàng hóa và/hoặc dịch vụ đăng ký theo nhãn hiệu. Dưới đây là các ví dụ về nhãn hiệu sẽ được xem là tương tự nhau. 

Ví dụ về nhãn hiệu tương tự có thể bị từ chối đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ).   Nguồn: USTPO 

Xem thêm: Tổng quan đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài  

2.3 Nhãn hiệu là từ ngữ chung chung hoặc từ phổ biến  

Nếu toàn bộ nhãn hiệu của bạn là chung chung, điều đó có nghĩa đó là một tên gọi phổ biến cho hàng hóa hoặc dịch vụ đăng ký. Ví dụ: Mobile App Store, Computer hoặc 100% Cotton Tee không thể được đăng ký làm nhãn hiệu cho các ứng dụng di động, máy tính hoặc áo phông 100% cotton vì mọi doanh nghiệp khác đều có quyền sử dụng các thuật ngữ hàng ngày này để chỉ những sản phẩm họ kinh doanh thực sự. 

Nhãn hiệu đăng ký tại Mỹ (Hoa Kỳ) cũng có khả năng bị từ chối nếu đó là một cụm từ hoặc khẩu hiệu được sử dụng trong lời nói hàng ngày để diễn đạt một khái niệm thông thường. Một cụm từ thông thường như vậy sẽ không chỉ rõ nguồn gốc của sản phẩm, do vậy, không thể được đăng ký như một nhãn hiệu. 

Ví dụ: các cụm từ sau đây không cho người tiêu dùng biết nguồn gốc của hàng hóa hoặc dịch vụ, vì vậy chúng không phải là nhãn hiệu:  

  • Lái xe an toàn  
  • Mãi mãi là doanh nhân 
  • Tình yêu Việt Nam 

2.4 Nhãn hiệu mang tính mô tả 

Nếu nhãn hiệu chỉ mô tả một số khía cạnh của hàng hóa hoặc dịch vụ đăng ký, đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) đó có thể sẽ bị USPTO từ chối.  

Ví dụ: 

  • Từ “Lạnh” cho kem 
  • Từ “Sạch” cho rau, củ, quả 
  • Từ “An Toàn” cho áo bảo hộ. 

Những nhãn hiệu này chỉ mang tính mô tả cho sản phẩm mà nó đăng ký. Những từ này sẽ không được bảo hộ trừ khi nó đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng.   

Nếu nhãn hiệu bao gồm tên, ảnh chân dung hoặc chữ ký của một cá nhân và bạn không có sự đồng ý bằng văn bản của họ để sử dụng và đăng ký nhãn hiệu đó, thì việc đăng ký nhãn hiệu của bạn sẽ bị từ chối. Bạn phải cung cấp sự đồng ý bằng văn bản của cá nhân đó trong đơn đăng ký.  

Xem thêm: Đăng ký nhãn hiệu quốc tế là gì? Hình thức, hồ sơ, thủ tục và lưu ý 

Kết luận  

Trong bài viết này, chúng ta đã xem xét một số lý do phổ biến dẫn đến việc đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ (Hoa Kỳ) bị từ chối. Từ việc xác định sai danh mục hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho đến sự tương tự gây nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu đã đăng ký trước đó, những thách thức này đã đòi hỏi sự cẩn thận và kiến thức pháp lý để tránh. Việc hiểu rõ các yêu cầu và tiêu chí của pháp luật Mỹ về nhãn hiệu, cùng với việc tham khảo các quy định cụ thể và quy trình thẩm định là rất quan trọng để tạo nền tảng vững chắc cho việc đạt được bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ.  

Việc xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu là một quá trình phức tạp. Bằng cách tránh những sai lầm phổ biến, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa cơ hội bảo vệ nhãn hiệu của mình. Quá trình này có thể đầy thách thức, nhưng đồng thời cũng đem lại giá trị to lớn và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong thời đại toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt. 

 Xem thêm bài viết: Làm thế nào để đăng ký nhãn hiệu?

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.