Tổng quan đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài

Nhiều doanh nghiệp vẫn luôn khao khát và có hoài bão đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài dù vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Người tiêu dùng thông qua nhãn hiệu để nhận diện, mua, tạo lập và duy trì thói quen sử dụng sản phẩm. Việc đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài là quan trọng hơn bao giờ hết. Việc đăng ký bảo hộ tại nước ngoài nhằm trước hết nhằm bảo vệ chủ sở hữu nhãn hiệu. Đồng thời, tạo cơ sở xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, hạn chế bị sao chép hoặc khi đàm phán hợp đồng li-xăng, hợp đồng nhượng quyền thương mại hoặc một loại hợp đồng khác, doanh nghiệp không sợ bị mất quyền sở hữu trí tuệ sẽ rơi vào tay của đối tượng khác. Theo đó, bài viết này sẽ trình bày một số vấn đề cơ bản để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài.

1. Có bao nhiêu cách thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài?

Hiện nay, có 03 cách thức chính để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài, bao gồm:

1.1 Đăng ký theo đường quốc gia

Hình thức đăng ký theo đường quốc gia là hình thức đăng ký bảo hộ trực tiếp đến cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp hoặc cơ quan sở hữu trí tuệ của quốc gia đó (sau đây gọi là “Quốc Gia Chỉ Định”).

Đối với hình thức đăng ký này, chủ sở hữu nhãn hiệu phải hiểu quy định về sở hữu trí tuệ tại Quốc Gia Chỉ Định để nộp đơn đăng ký. Cụ thể là điều kiện để một nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ, tài liệu cần chuẩn bị để nộp đơn đăng ký, quy trình đăng ký và xử lý đơn,… Riêng đối với ngôn ngữ đăng ký, chủ sở hữu có thể sẽ cần phải dịch đơn đăng ký sang một ngôn ngữ nhất định, thông thường là ngôn ngữ chính thức của quốc gia chỉ định. Khoản chi phí cũng cần được nộp theo mức phí đã được Quốc Gia Chỉ Định ấn định. Bên cạnh đó, tại một số quốc gia sẽ yêu cầu chủ sở hữu sử dụng một đại diện sở hữu trí tuệ để làm việc với cơ quan sở hữu trí tuệ tại Quốc Gia Chỉ Định.

Hình thức đăng ký này sẽ không phù hợp đối với chủ sở hữu nhãn hiệu đang dự định đăng ký bảo hộ tại nhiều quốc gia khác nhau bởi chủ sở hữu nhãn hiệu cần đáp ứng tất cả các điều kiện đối với từng Quốc Gia Chỉ Định tương ứng. Thêm vào đó, nếu chủ sở hữu đang trong giai đoạn tìm kiếm thị trường xuất khẩu, hoặc một đối tác li-xăng tiềm năng, hình thức đăng ký trực tiếp sẽ tốn kém (mặt chi phí) và phức tạp khi thực hiện.

1.2 Đăng ký theo đường khu vực

Đăng ký theo đường khu vực là hình thức nộp một đơn đăng ký bảo hộ duy nhất tại một quốc gia nhưng phạm vi bảo hộ sẽ bao gồm toàn bộ lãnh thổ khu vực (áp dụng đối với một số quốc gia tại một số vùng lãnh thổ đã có thiết lập thỏa thuận khu vực liên quan đến đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ). Hiện nay, có một số cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực là Tổ chức Sở hữu công nghiệp khu vực châu Phi (ARIPO) là cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực dành cho các nước Châu Phi nói tiếng Anh, bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) là cơ quan sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, trao cho chủ sở hữu quyền thống nhất có hiệu lực ở tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu thông qua một thủ tục duy nhất.

1.3 Đăng ký theo đường quốc tế

Hệ thống Madrid là một hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu do Văn phòng quốc tế thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nhãn hiệu cùng một lúc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống đăng ký và nộp đơn quốc tế do WIPO quản lý đơn giản hóa đáng kể thủ tục trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đồng thời ở nhiều quốc gia. Thay vì nộp nhiều đơn quốc gia bằng nhiều ngôn ngữ, hệ thống đăng ký và nộp đơn quốc tế cho phép người nộp đơn nộp một đơn duy nhất, bằng một ngôn ngữ và thanh toán bằng một loại tiền tệ nhất định.

Hệ thống Madrid được điều chỉnh bởi hai văn bản pháp lý chính: Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid. Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, có hiệu lực từ năm 1891 và Nghị định thư liên quan đến Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, được thông qua tại Madrid ngày 27 tháng 6 năm 1989. Việc chủ sở hữu nhãn hiệu lựa chọn đăng ký theo Thỏa ước Madrid hay Nghị định thư mà sẽ có một số sự khác biệt trong quy trình đăng ký. Việt Nam đã tham gia Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể nộp đơn vào các quốc gia là thành viên của cả hai văn kiện trên.

2. Một số lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài

2.1 Nên đánh giá khả năng bảo hộ và tiến hành tra cứu khả năng bảo hộ nhãn hiệu

Việc đánh giá khả năng bảo hộ và tiến hành tra cứu khả năng bảo hộ nhãn hiệu là yếu tố rất quan trọng. Bởi nhiều lý do khách quan mà nhãn hiệu dự định đăng ký có thể bị từ chối bảo hộ do nhãn hiệu dự định đăng ký thuộc trường hợp trùng, tương tự/gây nhẫm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Việc đánh giá và tra cứu sơ bộ khả năng bảo hộ giúp hạn chế xảy ra trường hợp đăng ký nhãn hiệu trùng. Trường hợp, nhãn hiệu dự định đăng ký bị xem là tương tự, gây nhầm lẫn, từ đó dẫn đến khả năng bảo hộ không cao thì chủ sở hữu nhãn hiệu có thể cân nhắc đến phương án điều chỉnh nhãn hiệu hoặc thay đổi một mẫu nhãn mới.

Mặc dù khả năng đánh giá và công cụ tra cứu có thể bị hạn chế bởi nhiều lý do khách quan khác nhau, nhưng việc tra cứu khả năng bảo hộ là một phương án hiệu quả giúp chủ sở hữu nhãn hiệu quyết định có nên đầu tư thời gian, tiền bạc để đăng ký nhãn hiệu hay không.    

2.2 Thời hạn nộp các khoản phí theo yêu cầu

Tùy vào từng hình thức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mà hình thức đóng phí và khoản phí sẽ có sự khác nhau. Điển hình như đăng ký trực tiếp tại quốc gia chỉ định, thời hạn nộp nộp và khoản phí nộp đơn sẽ được mặc nhiên áp dụng theo quy định của quốc gia đó. Trong khi, nếu nộp đơn qua Hệ thống Madird, một số khoản phí có thể sẽ phải nộp đó là phí cơ bản là 653 Franc Thụy Sỹ (hoặc 903 Franc Thụy Sỹ, nếu nhãn hiệu có màu); hoặc phí chỉ định tiêu chuẩn là 73 Franc Thụy Sỹ,…

Trên đây là tổng quan các phương thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài. Sẽ không có một nguyên tắc hay bắt buộc chung rằng chỉ nên đăng ký theo một phương thức, mà thay vào đó phương thức sẽ được lựa chọn tùy thuộc tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể. Việc tìm hiểu tổng quan đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài tạo cơ hội cho doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương thức đăng ký phù hợp.

 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.