1. Tên thương mại là gì?
Trước khi trả lời cho câu hỏi “Chuyển nhượng sử dụng sử dụng tên thương mại được không?”, ta cần biết thế nào là tên thương mại. Căn cứ khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) quy định “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong các lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng”.
Như vậy, tên thương mại có thể hiểu là tên hiệu hoặc tên thương hiệu, là một tên gọi đặc biệt được sử dụng để xác định và định danh cho một doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ hoặc tổ chức. Nó thường là một từ, cụm từ hoặc biểu tượng độc đáo và khác biệt, được sử dụng để nhận dạng và phân biệt một thương hiệu hoặc doanh nghiệp khỏi các đối thủ cạnh tranh.
Tên thương mại có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhận diện thương hiệu và tạo sự nhận biết từ phía khách hàng. Nó không chỉ đơn thuần là một cái tên mà còn chứa đựng giá trị và hình ảnh của thương hiệu, nét độc đáo và sự đặc trưng của doanh nghiệp. Tên thương mại được sử dụng trong các hoạt động quảng cáo, marketing và truyền thông để thu hút sự chú ý và xây dựng lòng tin từ khách hàng.
2. Quy định về việc sử dụng tên thương mại như thế nào?
Quy định về việc sử dụng tên thương mại được đề cập trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005, đây cũng là vấn đề quan trọng cần nắm bắt bên cạnh chuyển nhượng sử dụng tên thương mại. Theo khoản 6 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quy định về việc sử dụng tên thương mại là việc thực hiện hành nhằm mục đích thương mại bằng cách:
– Dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh;
– Thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biểu hiện, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.
Đồng thời, khoản 2 Điều 16 Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định phạm vi quyền đối với tên thương mại được xác định theo phạm vi bảo hộ tên thương mại, gồm tên thương mại, lĩnh vực kinh doanh và lãnh thổ kinh doanh trong đó tên thương mại được chủ thể mang tên thương mại sử dụng một cách hợp pháp.
Việc đăng ký tên gọi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thủ tục kinh doanh không được coi là sử dụng tên gọi đó mà chỉ là một điều kiện để việc sử dụng tên gọi đó được coi là hợp pháp.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
3. Điều kiện bảo hộ tên thương mại
Điều kiện bảo hộ tên thương mại là một trong những nội dung cốt lõi của bảo hộ tên thương mại, bên cạnh các câu hỏi thường gặp khác nhau khái niệm, chuyển nhượng sử dụng tên thương mại trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Căn cứ khoản 76 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ như sau: “Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.
Ngoài ra, Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về khả năng phân biệt tên thương hiệu như sau:
“Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng”.
Đồng thời, Điều 77 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại bao gồm:
– Tên cơ quan nhà nước;
– Tổ chức chính trị;
– Tổ chức chính trị – xã hội;
– Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp;
– Tổ chức xã hội;
– Tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
– Chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.
Lưu ý: Tên thương mại mặc dù là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nhưng không được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng. Tên thương mại không cần phải tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ mà được công nhận thông qua việc sử dụng trong hoạt động kinh doanh.
4. Chuyển nhượng quyền sử dụng tên thương mại có được không?
Căn cứ khoản 3 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, “Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó”.
Như vậy, chỉ có thể được chuyển nhượng sử dụng tên thương mại khi chuyển nhượng đồng thời cùng với (1) Việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và (2) Hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Bất kỳ hành vi chuyển nhượng khác đều sẽ không được thực hiện.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Nhượng quyền thương mại. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.