Chế định giám hộ theo pháp luật Việt Nam

Pháp luật trao cho cá nhân được quyền tự mình thực hiện các hành vi và giao dịch để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ tồn tại một nhóm người không đủ khả năng quản lý tài sản, xác lập và thực hiện hành vi pháp lý, thậm chí là tự chăm sóc bản thân. Pháp luật dân sự gọi cơ chế pháp lý bảo trợ cho nhóm người này là giám hộ.1

1. Khái niệm giám hộ 

Giám hộ được cho là một chế định xuất phát từ việc bảo vệ và chăm sóc người chưa thành niên.2 Dần dần, phạm vi của đối tượng được bảo vệ bởi chế định giám hộ được mở rộng sang những người đã thành niên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.  

Về khái niệm, Viện Thông tin pháp lý của Trường Luật Cornell, Hoa Kỳ (LII) diễn giải giám hộ là việc trao quyền cho một người thực hiện và quản lý hoạt động, tài sản của một người khác (có thể là trẻ em không có cha mẹ phù hợp hoặc người lớn có khuyết tật khiến họ không thể tự mình đưa ra quyết định hoặc nếu người đó trở nên liều lĩnh quá mức hoặc gây tổn hại đến lợi ích của họ) khi họ không thể tự mình thực hiện điều đó một cách hợp lý.3 Đối với người giám hộ, Black’s Law Dictionary giải thích họ là người được trao quyền một cách hợp pháp và tương ứng là có nghĩa vụ chăm sóc và quản lý tài sản cũng như các quyền của những người không có khả năng quản lý và thực hiện các công việc này do một số đặc điểm về thể trạng, hoặc khiếm khuyết về tuổi tác, hiểu biết hoặc kiểm soát bản thân. Có thể thấy rằng, giám hộ là một chế định được thiết kế để bảo vệ lợi ích cá nhân và tài sản của một nhóm người được xem là đang ở trong tình trạng yếu thế.  

Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam đưa ra một quy phạm định nghĩa về giám hộ như sau: Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ). Thông qua quy định của Bộ luật Dân sự, có thể thấy rằng người giám hộ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ cho những người yếu thế về mặt năng lực hành vi dân sự thông qua các căn cứ xác lập là giám hộ đương nhiên hoặc được Ủy ban nhân dân cấp xã cử hay được Tòa án chỉ định hoặc được lựa chọn bởi người được giám hộ trước khi họ rơi vào tình trạng cần được giám hộ (giám hộ ủy quyền/lựa chọn). 

2. Phân loại giám hộ

Giám hộ có thể được phân loại dựa trên các tiêu chí về người giám hộ, người được giám hộ hay căn cứ xác lập giám hộ. Tuy nhiên, dưới góc độ tiếp cận chế định giám hộ để áp dụng trên thực tế, tác giả phân tích việc phân loại giám hộ dựa trên căn cứ xác lập giám hộ hay hình thức giám hộ theo luật định là giám hộ đương nhiên và giám hộ cử, chỉ định. 

2.1 Giám hộ đương nhiên 

Giám hộ đương nhiên được chia thành hai trường hợp là giám hộ đương nhiên đối với người chưa thành niên và giám hộ đương niên đối với người đã thành niên.  

Đối với người chưa thành niên, không phải tất cả người chưa thành niên đều có thể rơi vào trường hợp được giám hộ. Khoản 1, Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chỉ có người chưa thành niên thuộc hai trường hợp sau đây được giám hộ: (i) không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; (ii) có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ. 

Theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên thuộc trường hợp được giám hộ nêu trên được xác định theo thứ tự sau đây: (i) Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ; (ii) Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ; (iii) bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ. Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015 không liệt kê cha, mẹ là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên bởi lẽ theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015, cha mẹ đã là đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Trong khi đó, đại diện được hiểu là việc người đại diện nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.4 Do đó, quy định của Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015 có sự hợp lý khi không liệt kê cha, mẹ vào nhóm người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên. 

Đối với người thành niên, Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người giám hộ đương nhiên của người thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự như sau: Vợ hoặc chồng là người giám hộ của người còn lại nếu người đó mất năng lực hành vi dân sự. Nếu cả hai đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ. Cần phải làm rõ thêm rằng Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định người giám hộ đương nhiên của người thành niên mất năng lực hành vi dân sự. Đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, giám hộ sẽ thuộc hình thức giám hộ chỉ định như phân tích ở mục sau.  

2.2 Giám hộ cử, chỉ định 

Đối với việc cử giám hộ, theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ và phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.  

Đối với việc chỉ định giám hộ, cơ quan chỉ định người giám hộ là Tòa án. Việc chỉ định người giám hộ được áp dụng trong trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật Dân sự 2015 về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ. Ngoài ra, đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, khoản 4, Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người giám hộ sẽ do Tòa án chỉ định trong số những người giám hộ quy định tại Điều 53 của Bộ luật này. Trường hợp không có người giám hộ theo quy định của Điều này, Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.  

Cần phải một lần nữa nhấn mạnh rằng, việc phân tích việc phân loại nêu trên chỉ đối với giám hộ theo luật định (giám hộ pháp định), không bao gồm việc giám hộ ủy quyền/lựa chọn. Đối với giám hộ ủy quyền/lựa chọn sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền lựa chọn người giám hộ cho mình và việc lựa chọn người giám hộ được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Khi người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý.  

Tóm lại, chế định giám hộ được xây dựng và áp dụng nhằm mục đích bảo vệ nhóm người yếu thế không đủ khả năng quản lý tài sản, xác lập và thực hiện hành vi pháp lý, cũng như việc tự chăm sóc bản thân. Do đó, những người giám hộ, dù là đương nhiên, ủy quyền, cử hay chỉ định đều cần phải thực hiện tốt vai trò người giám hộ của mình đối với người được giám hộ. 

(1) Ngô Huy Cương, Nguyễn Thị Phương Châm, Trần Kiên (đồng chủ biên) (2023), Giáo trình Luật Dân sự 1: Phần chung, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 96. 

(2) Lê Quang Vy (2021), Giám hộ và giám sát giám hộ, Thời báo kinh tế Sài Gòn, tr. 36.  

(3) https://www.law.cornell.edu/wex/guardianship. 

(4) Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015. 

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Tư vấn thường xuyên. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.