Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trên mạng xã hội, xử lí ra sao?

2020 là một năm đầy biến động, đại dịch SARS-CoV-2 khởi nguồn vào khoảng tháng 11 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc với sự lây lan nhanh chóng của nó đã làm biến đổi hoàn toàn cách thức tương tác của cộng đồng, từ trực tiếp thành trực tuyến, từ kết nối cộng đồng thành giãn cách xã hội… Tuy nhiên, đại dịch cũng tạo nên cơ hội cho bước chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp, áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh thương mại, biến môi trường số trở thành công cụ kinh doanh, sinh lợi. Các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… dần trở thành phương tiện giao tiếp, cung cấp thông tin chính giữa các cá nhân và cũng là một trong những công cụ không thể bỏ qua trong hoạt động kinh doanh của thương nhân.

Với việc lan truyền, phát tán thông tin nhanh chóng, dễ dàng, việc tiếp cận và quảng bá sản phẩm/dịch vụ trên diện rộng, các hoạt động kinh doanh online và qua mạng xã hội đang dần trở nên quen thuộc hơn với cả chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng. Các mạng xã hội, vì đó, cũng dẫn trở thành một thị trường béo bở cho những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng không phải doanh nghiệp, thương nhân nào cũng hiểu rõ những biện pháp để tự bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình khi thực hiện kinh doanh online, hay khi bị xâm phạm, cạnh tranh không lành mạnh bởi các chủ thể khác trên các trang mạng xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đưa ra các phân tích, đánh giá phương án xử lý một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh phổ biến trên mạng xã hội đối với các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh thương mại trên cơ sở của pháp luật Việt Nam.

Tung thông tin “bẩn”, không chính xác về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Với số lượng người dùng rất lớn, khả năng truyền tin nhanh, và người dùng thường không kiểm chứng  được tính chính xác của thông tin, mạng xã hội trở thành nơi  thông tin “bẩn”, không chính xác thường được đăng tại tải.  Câu chuyện về chất lượng nguồn nguyên liệu sữa của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) không rõ ràng vào khoảng cuối năm 2019 là một trong những ví dụ điển hình về sức ảnh hưởng của những thông tin “bẩn” đối với các doanh nghiệp. Các đối thủ cạnh tranh chỉ cần đưa ra các thông tin mập mờ về chất lượng nguồn nguyên liệu hay những thông tin thiếu căn cứ về thành phần sản phẩm, dựa vào tốc độ chia sẽ và truyền thông tin nhanh đến chóng mặt và phạm vi truy cập rộng khắp của môi trường số, Vinamilk đã phải đối mặt với nguy cơ mất hàng tỷ đồng vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Hay như thông tin lan truyền trên mạng xã hội về những vạch màu tại phần đuôi kem đánh răng thể hiện thành phần có trong loại kem đánh răng đó là có nguồn gốc tự nhiên hay hóa học cũng gây hoang mang dư luận và tâm lý người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các hãng sản xuất kem đánh răng như P/S, Colgate trong một thời gian. 

Hiện nay, việc xử lý hành vi đăng tải thông tin không chính xác trên các trang mạng xã hội đã được Chính Phủ Việt Nam quy định cụ thể tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó:

Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để:

  • Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
  • Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, hoặc tùy vào mức độ và hành vi đăng thông tin sai sự thật, các tổ chức/cá nhân đăng tin có thể bị xử lý về hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác theo quy định tại Khoản 1,2 Điều 18 Nghị định 75/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng. Tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, có thể yêu cầu cơ quan công an hoặc ủy ban nhân dân xử lý các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật nêu trên.

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trên mạng xã hội

Bên cạnh hành vi tung tin giả gây ảnh hưởng đến hoat động kinh doanh của doanh nghiệp, viêc lập những trang mạng xã hội với các dấu hiệu, biểu tượng trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu, tên thương mại, dấu hiệu nhận diện của các doanh nghiệp khác để kinh doanh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu của các nhãn hiệu, tên thương mại, dấu hiệu đó cũng là một trong những hành vi vi phạm phổ biến hiện nay.

Các hành vi này có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ nếu các nhãn hiệu, tên thương mại, dấu hiệu nhận diện đó đã được doanh nghiệp đăng ký bảo hộ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm:

Điều 130. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

1. Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;

….

2. Chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá. 

3. Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại đó.”

Khi gặp phải các hành vi xâm phạm đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của mình trên các trang mạng xã hội, doanh nghiệp có thể thực hiện việc báo cáo hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức/ cá nhân nêu trên với các đơn vị quản lý mạng xã hội để yêu cầu xóa bỏ nội dung vi phạm hoặc khóa tài sản vi phạm. Bên cạnh đó, tổ chức/ cá nhân bị vi phạm cũng có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như công an, ủy ban nhân dân tiếp nhận và tiến hành xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và/hoặc vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật, với mức yêu cầu xử phạt có thể lên đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Nghị Định 99/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Các hành vi nêu trên đây mới chỉ là hai trong số rất rất nhiều phương thức cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện trên thực tế, và mỗi hành vi, tùy vào đối tượng bị xâm phạm cũng như cách thức thực hiện, sẽ có thể bị xử lý theo các quy định khác nhau. Trong kinh doanh, cạnh tranh là điều không thể tránh, tuy nhiên thương nhân cần nhận biết được hành vi nào là cạnh tranh không lành mạnh để tránh, cũng như cách thức để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm giảm thiểu thiệt hại của mình.

 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.