Quy trình nhập khẩu mật ong từ New Zealand

Theo Nguyên tắc của WTO – tổ chức thương mại thế giới, nơi Việt Nam và New Zealand đều là thành viên, các biện pháp hạn chế số lượng xuất khẩu – nhập khẩu bị cấm hoàn toàn trừ một số ít các trường hợp ngoại lệ với các điều kiện và thủ tục nhất định như cấm hay hạn chế tạm xuất, nhập khẩu tạm thời nhằm ngăn ngừa hay khắc phục sự khan hiếm về lương thực, để áp dụng các tiêu chuẩn hay quy chế về phân phối, tiếp thụ sản phẩm trên thị trường quốc tế, …1.  

Như vậy, doanh nghiệp có thể nhập khẩu mật ong từ New Zealand mà không bị ngăn cấm hoặc hạn chế nào. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về nhập khẩu mật ong theo quy định của pháp luật Việt Nam như bên dưới:  

1. Điều kiện nhập khẩu sản phẩm mật ong 

Tại Khoản 4, Điều 38 Nghị định 15/2018 và Phụ lục III kèm theo nghị định quy định “Mật ong và các sản phẩm từ mật ong” là nhóm sản phẩm thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mật ong và các sản phẩm từ mật ong bao gồm:  

  • Mật ong nguyên chất, cô đặc, pha loãng;  
  • Sáp ong, phấn hoa, sữa ong chúa có lẫn hoặc không có mật ong;  
  • Các sản phẩm có chứa mật ong, sáp ong, phấn hoa, sữa ong chúa, trừ bánh, mứt, kẹo, đồ uống có mật ong làm nước giải khát do Bộ Công Thương quản lý. Trừ thực phẩm chức năng, dược phẩm do Bộ Y tế quản lý; 

Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT và Mục 15, Phần II, Phụ lục I kèm theo thông tư thì “Mật ong, sữa ong chúa, sáp ong” là nhóm sản phẩm thuộc diện phải kiểm dịch sản phẩm động vật theo quy định.  

Do đó, trước khi nhập khẩu các sản phẩm mật ong về Việt Nam, doanh nghiệp cần xin giấy phép kiểm dịch sản phẩm động vật.  

2. Quy trình xin giấy phép kiểm dịch sản phẩm động vật và nhập khẩu sản phẩm từ mật ong

Bước 1: Trước khi nhập khẩu sản phẩm động vật, đơn vị có hàng hóa cần nhập khẩu gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch tới Cục Thú y. Thành phần hồ sơ đăng ký kiểm dịch gồm:  

(i) Văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu của tổ chức, cá nhân (Mẫu 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT);  

(ii) Đối với động vật, sản phẩm động vật thuộc đối tượng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan khác, phải nộp văn bản hoặc giấy phép theo quy định, ví dụ Health Certificate của nước xuất khẩu, …. 

Có 02 hình thức gửi hồ sơ: qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc gửi trực tiếp. 

Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y gửi văn bản đồng ý và hướng dẫn kiểm dịch cho đơn vị có hàng hóa cần nhập khẩu, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu qua thư điện tử (trường hợp chủ hàng đăng ký kiểm dịch qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax hoặc gửi trực tiếp) hoặc gửi trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (trường hợp chủ hàng đăng ký kiểm dịch trên Cổng thông tin một cửa quốc gia).  

Bước 3: Khai báo kiểm dịch 
 
Sau khi Cục Thú y có văn bản đồng ý và hướng dẫn kiểm dịch, trước khi hàng đến cửa khẩu nhập, đơn vị có hàng hóa cần nhập khẩu gửi 01 bộ hồ sơ khai báo kiểm dịch tới cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu theo một trong các hình thức: qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc gửi trực tiếp. 
 
Hồ sơ khai báo kiểm dịch bao gồm:   

(i) Đơn khai báo kiểm dịch (Mẫu 3 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT)

(ii) Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu. 

Bước 4: Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ khai báo kiểm dịch sản phẩm động vật hợp lệ, Cục Thú y quyết định và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm dịch về địa điểm, thời gian để tiến hành kiểm dịch. 

Đối với sản phẩm động vật nhập khẩu, Cục Thú y thực hiện kiểm dịch như sau: 

(i) Kiểm tra hồ sơ khai báo kiểm dịch, thực trạng hàng hóa, nếu đạt yêu cầu thì lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo quy định; 

(ii) Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y và thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi đến

(iii) Hướng dẫn chủ hàng thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. 

Sau khi việc kiểm dịch sản phẩm động vật hoàn tất, đơn vị có hàng nhập khẩu được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y

Bước 5: Mở tờ khai hải quan 

Việc mở tờ khai hải quan có thể thực hiện song song với Bước 3, sau khi đơn vị có hàng nhập khẩu được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y thì hàng hóa được thông quan.  

Trên đây là điều kiện và thủ tục nhập khẩu sản phẩm từ mật ong từ New Zealand vào Việt Nam. Các ý kiến trên đây được dựa vào quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, không bao gồm các thủ tục hải quan chi tiết. Do đó, quá trình thực hiện các thủ tục tại Cơ quan hải quan, doanh nghiệp nên kiểm tra và thực hiện thêm các quy định cụ thể của cơ quan này. Đồng thời, liên hệ đến chúng tôi để được cập nhật các quy định liên quan tại thời điểm cần thực hiện. 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.