Điều kiện cần tuân thủ khi thực hiện hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam

Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của thị trường quảng cáo và tiếp thị, hoạt động quảng cáo xuyên biên giới trở thành một lĩnh vực sôi động, mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp với mục tiêu mở rộng phạm vi quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo việc hoạt động quảng cáo là hợp pháp, các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo cần phải hiểu rõ và tuân thủ các quy định được đề ra trong pháp luật về quảng cáo của Việt Nam. Bài viết này sẽ phân tích chi tiết những điều kiện và quy định quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần chú ý khi tham gia vào hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. 

Điều kiện cần tuân thủ khi thực hiện hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
Điều kiện cần tuân thủ khi thực hiện hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam

1. Định nghĩa về hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam 

Khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo quy định: “Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.” Từ định nghĩa trên, có thể hiểu hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam thực chất là việc bên cung cấp dịch vụ quảng cáo cho người sử dụng quảng cáo sử dụng các trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo mà các thiết bị cung cấp cho các trang này nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. 

Ngoài ra, trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới theo Nghị định này là hệ thống thông tin sử dụng một hoặc nhiều trang thông tin điện tử dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác nhằm cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, trao đổi thông tin, chia sẻ âm thanh, hình ảnh, tạo diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến để cung cấp dịch vụ quảng cáo. 

2. Các nghĩa vụ cần tuân thủ khi tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam 

Cả người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước khi tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP. 

  • Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, tổ chức, cá nhân đó phải tuân thủ các nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo theo khoản 2 Điều 13 Luật Quảng cáo 2012. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân còn phải đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP như sau: 
    • Thứ nhất, tổ chức, cá nhân phải thông báo thông tin như tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có); đầu mối liên hệ. Để được bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân phải đảm bảo phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua gửi trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính, hoặc qua phương tiện điện tử đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử); 
    • Thứ hai, tổ chức, cá nhân không được đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ; 
    • Thứ ba, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải cung cấp thông tin vi phạm đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu. 

 

  • Đối với tổ chức, cá nhân là người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (bao gồm tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới), tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ: 
    • Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ; 
    • Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ. 

Ngoài ra tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam có nghĩa vụ phải thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm (vào trước ngày 31 tháng 12) hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử). Báo cáo trên phải được thực hiện theo Mẫu 01 ban hành kèm Nghị định 70/2021/NĐ-CP và được gửi trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử.  

Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chính yếu thực hiện trách nhiệm quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP. 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.