1. Đất rừng phòng hộ là gì? Phân loại
1.1 Đất rừng phòng hộ là gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, “Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hoá, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:
a) Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;
b) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển”.
Như vậy, hiện tại chưa có định nghĩa về “đất rừng phòng hộ”. Tuy nhiên, từ quy định trên có thể hiểu đất rừng phòng hộ là các khu vực rừng được quy hoạch và quản lý đặc biệt nhằm bảo vệ và duy trì sự tồn tại của các hệ sinh thái rừng quan trọng. Đây là những khu vực có giá trị đặc biệt về môi trường và có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì nguồn nước và kiềm chế hiện tượng xói mòn đất.
Đất rừng phòng hộ thường được coi là vùng đất quan trọng với mục tiêu bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên. Các hoạt động như khai thác gỗ, xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ, hay sử dụng đất không đúng mục đích trong khu vực này đều bị coi là vi phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc bảo vệ đất rừng phòng hộ có tầm quan trọng lớn trong việc duy trì cân bằng môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững.
1.2 Phân loại đất rừng phòng hộ
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, rừng phòng hộ được phân loại theo mức độ xung yếu, gồm 02 nhóm sau:
– Nhóm 1:
- Rừng phòng hộ đầu nguồn;
- Rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư;
- Rừng phòng hộ biên giới;
– Nhóm 2:
- Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay;
- Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.
2. Quy định về việc sử dụng đất rừng phòng hộ
Căn cứ Điều 136 Luật Đất đai 2013, quy định về việc sử dụng đất rừng phòng hộ như sau:
Thứ nhất, Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ hai, tổ chức quản lý rừng phòng hộ giao khoán đất rừng phòng hộ cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại đó để bảo vệ, phát triển rừng; Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đó sử dụng.
Thứ ba, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
Thứ năm, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng phòng hộ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng thì được giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng; có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ
3.1 Hình thức và mức xử phạt vi phạm
Thứ nhất, đối với hành vi lấn, chiếm đất
Căn cứ khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, đối với hành vi lấn, chiếm đất rừng phòng hộ, tuỳ vào diện tích đất lấn, chiếm thì có thể xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
“Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên”.
Thứ hai, đối với hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, tuỳ vào diện tích đất chuyển đổi trái phép, mà người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ trái phép trong trường hợp chủ sở hữu rừng là hành vi tự ý chuyển mục đích trái phép đất rừng thành đất phi nông nghiệp được quy định như sau:
“2. Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta;
g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên.”
3.2 Biện pháp khắc phục hậu quả
Thứ nhất, đối với hành vi lấn, chiếm đất
Căn cứ điểm a, d khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, đối với hành vi lấn, chiếm đất rừng phòng hộ thì biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
“a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
…
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này”.
Thứ hai, đối với hành vi xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ trái phép
Căn cứ khoản 4 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP, đối với hành vi xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ trái phép trên đất rừng thì biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
“a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này”.
Trên hết, việc xử phạt vi phạm hành vi xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ không chỉ là một biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường và duy trì sự tồn tại của các khu vực rừng quan trọng, mà còn là một tín hiệu quan trọng về sự nghiêm túc và quyết tâm của chính phủ và cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá. Để đạt được sự phát triển bền vững, chúng ta cần tôn trọng và bảo vệ các hệ sinh thái rừng phòng hộ, đảm bảo rằng những hành vi vi phạm sẽ không được khoanh vùng và bước vào quyền sở hữu công cộng. Qua việc xử phạt nghiêm khắc, người dân sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và đất rừng phòng hộ, từ đó đóng góp vào việc xây dựng một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau.
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Pháp luật về xây dựng & cơ sở hạ tầng. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.