Thừa kế thế vị có được áp dụng trong trường hợp con của người để lại di sản thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản? - Apolat Legal

Thừa kế thế vị có được áp dụng trong trường hợp con của người để lại di sản thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản?

Thừa kế là việc dịch chuyển tài sản từ người chết sang những người còn sống theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Thừa kế thế vị là một trong những trường hợp thừa kế đặc biệt phát sinh từ hình thức thừa kế theo pháp luật. Trên thực tế, các vấn đề liên quan thừa kế thế vị tương đối phức tạp và có tranh chấp giữa các bên. Hiện tại, một vấn đề liên quan thừa kế thế vị đang có quan điểm tranh cãi là việc xác định thừa kế thế vị có được áp dụng trong trường hợp con của người để lại di sản thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản hay không? 

1. Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế thế vị 

Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau: 

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.” 

Theo quy định này, thừa kế thế vị được hiểu là việc con (cháu, chắt) được thay thế vào vị trí của cha hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ) để lại nếu cha hoặc mẹ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà cha mẹ mình (ông hoặc bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống. Khái quát hơn, thừa kế thế vị có thể được hiểu là một trường hợp thừa kế đặc biệt, phát sinh trong trường hợp người ở hàng thừa kế sau (người thừa kế thế vị) thay thế vị trí của người ở hàng thừa kế trước (người được thế vị) hưởng phần di sản mà người được thế vị được hưởng trong khối di sản của người để lại thừa kế nếu còn sống.1  

Thừa kế thế vị phát sinh trên trên cơ sở thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh trên cơ sở thừa kế theo di chúc. Bởi lẽ theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc không có hiệu lực trong trường hợp người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc. Do đó, Điểm c, Khoản 1, Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc. 

Về đối tượng được thừa kế thế vị, theo quy định tại Điều 653 và 654 Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế thế vị còn được áp dụng đối với trường hợp giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi; con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. 

Về điều kiện được thừa kế thế vị, căn cứ quy định tại Điều 652 và các quy định về thừa kế của Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế thế vị được áp dụng nếu khi đáp ứng ứng đầy đủ các điều kiện sau: 

  • Thứ nhất, con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (đối với trường hợp cháu được thừa kế thế vị); cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (đối với trường hợp chắt được thừa kế thế vị). 
  • Thứ hai, cha hoặc mẹ của người được thừa kế thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người để lại di sản nếu còn sống. 
  • Thứ ba, người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. 
  • Cuối cùng, người thừa kế thế vị không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015. 

 

2. Thừa kế thế vị có được áp dụng trong trường hợp con của người để lại di sản thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản hay không? 

Trên thực tế, có xảy ra trường hợp con của người để lại di sản vi phạm các quy định tại Khoản 1, Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 (những trường hợp không được quyền hưởng di sản) nhưng người con này lại chết trước hoặc chết cùng người để lại di sản thì con của người này có được hưởng thừa kế thế vị đối với phần di sản do ông bà để lại khi người con này đã đáp ứng các điều kiện để được hưởng thừa kế thế vị khác hay không? 

Trên thực tế, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 (tiểu mục 4, Mục II) để giải đáp trường hợp này. Theo đó, Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng không phải cứ con chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng di sản. Thừa kế thế vị là hưởng thay và đối tượng hưởng thay đã được quy định rõ là “phần di sản của cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống”. Trường hợp một người đã không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật Dân sự năm 2015, như bị kết án về hành vi ngược đãi nghiêm trọng người cha thì họ sẽ không được hưởng di sản của người cha. Do vậy, nếu họ còn sống khi cha chết thì họ cũng không được hưởng di sản thừa kế nên không có “phần được hưởng nếu còn sống” để cho người khác hưởng thế vị. 

Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng quan điểm trên là không hợp lý vì cháu, chắt (người thừa kế thế vị) không có lỗi trong việc cha, mẹ mình (người được thế vị) vi phạm nghĩa vụ theo Khoản 1, Điều 621, Bộ luật Dân sự năm 2015.2 Người nào có hành vi trái pháp luật thì người đó phải gánh chịu trách nhiệm do pháp luật quy định về hành vi đó, nên cháu hoặc chắt của người để lại di sản không thể phải gánh chịu trách nhiệm do hành vi của cha, mẹ mình gây ra và quyền thừa kế thế vị của các cháu hoặc các chắt nội, ngoại không thể bị pháp luật tước bỏ khi mà giữa cha, mẹ với các con trách nhiệm hoàn toàn độc lập nhau về hành vi của mình.3 Quan điểm này được cho là phù hợp với thuần phong mỹ tục trong truyền thống của dân tộc ta và thông lệ quốc tế bởi một số nước trên thế giới như Pháp, Thái Lan, Nhật Bản,… cho phép cháu, chắt hưởng di sản thừa kế thế vị của ông, bà hoặc các cụ kể cả trong trường hợp cha mẹ của họ không được hưởng thừa kế. 

Tóm lại, thừa kế thế vị là một trong những chế định thừa kế đặc biệt nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người thân thích nhất của người để lại di sản là cháu và chắt trong trường hợp cha hoặc mẹ họ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản. Việc xem xét có cho phép cháu, chắt hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp con của người để lại di sản nếu còn sống thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản quy định tại Khoản 1, Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể sẽ được các nhà làm luật xem xét trong thời gian tới. Tuy nhiên, với quy định pháp luật hiện hành, quan điểm cháu hoặc chắt không được hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp này đã và đang được áp dụng trên thực tiễn. 

(1) Nguyễn Viết Giang, Bàn về đối tượng được thừa kế thế vị theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Tòa án nhân dân tối caohttps://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietnghiencuu?dDocName=TAND198946.

(2) Nguyễn Viết Giang (2017), Thừa kế thế vị theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Nghề Luật số 5, 2017; Lê Văn Thanh (2023), Thừa kế thế vị theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí điện tử Luật Sư Việt Nam, https://lsvn.vn/thua-ke-the-vi-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-nam-2015-1674493623.html; Phạm Nguyễn Kim Long (2020), Thừa kế thế vị trong pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 

(3) Nguyễn Viết Giang (2017), Thừa kế thế vị theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Nghề Luật số 5, 2017. 

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.