1. Căn cứ pháp lý
– Bộ Luật dân sự năm 2015;
– Luật Doanh nghiệp năm 2020;
– Luật Công chứng 2014;
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
– Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định và hướng dẫn chi tiết về việc thi hành một số điều của Luật Công chứng.
2. Những quy định về người thừa kế cổ phần công ty
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020:
“3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.”
Như vậy, số cổ phần trong công ty của cá nhân đã chết sẽ được phân chia theo di chúc của người đó, hoặc chia theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp chia theo di chúc, người thừa kế theo di chúc sẽ tiến hành khai nhận di sản được thừa kế và trở thành cổ đông trong doanh nghiệp.
- Trong trường hợp chia di sản theo pháp luật:
Căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, những người có quyền thừa kế theo pháp luật bao gồm:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Tuy vậy, việc khai nhận di sản thừa kế theo quy định chỉ xảy ra trong 2 trường hợp, theo quy định tại Điều 58 của Luật Công chứng:
- Người duy nhất được thừa kế di sản theo pháp luật
- Những người cùng được thừa kế di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia số di sản đó.
3. Quy trình thủ tục khai nhận thừa kế cổ phần công ty
Nếu bạn đang thắc mắc không biết thủ tục thừa kế cổ phần công ty diễn ra như thế nào thì dưới đây là quy trình cụ thể tại Apolat Legal:
Quy trình thủ tục khai nhận thừa kế cổ phần công ty
3.1 Hồ sơ khai nhận thừa kế cổ phần
- Di chúc hợp pháp của người đã mất để lại (trong trường hợp thừa kế theo di chúc)
- Giấy chứng tử của người đã mất và để lại di sản thừa kế.
- Giấy tờ, căn cứ chứng minh mối quan hệ huyết thống, gia đình.
- Tài liệu, hồ sơ chứng minh di sản là có thật và thuộc quyền sở hữu của người đã mật (Nếu người chết để lại di sản là cổ phần trong công ty thì cần có những tài liệu chứng minh bao gồm giấy chứng nhận góp vốn do doanh nghiệp cấp cho cổ đông khi cổ đông tiến hành góp vốn, sổ đăng ký cổ đông).
3.2 Thủ tục khai nhận thừa kế cổ phần
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ
Những loại hồ sơ, giấy tờ yêu cầu bản sao thì trước khi nhận văn bản khai nhận di sản đã được công chứng, bắt buộc phải mang theo bản gốc để đối chiếu.
Bước 2: Tiến hành công chứng văn bản khai nhận di sản
Sau khi đã nộp đủ hồ sơ và giấy tờ cần thiết, Công chứng viên sẽ tiến hành xem xét và thẩm định:
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: Công chứng viên sẽ tiếp nhận và ghi vào sổ công chứng.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ: Công chứng viên sẽ hướng dẫn người làm đơn bổ sung và chỉnh sửa.
- Trường hợp không có cơ sở để giải quyết: Công chứng viên sẽ giải thích lý do cho người làm đơn và từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản
Nếu hồ sơ được công chứng viên tiếp nhận, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở của UBND xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản đã mất. Trong trường hợp không xác định được địa chỉ thường trú cuối cùng thì niêm yết tại địa chỉ tạm trú cuối cùng của người đó. Thời gian thực hiện niêm yết là 15 ngày làm việc.
Bước 4: Sau khi khai nhận di sản thừa kế
Người thừa kế cổ phần của cổ đông đã mất phải tiến hành thông báo cho doanh nghiệp về việc thừa hưởng cổ phần của cổ đông.
Bước 5: Thông báo thay đổi thông tin
Doanh nghiệp sau đó phải thực hiện thủ tục Thay đổi thông tin tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính.
Căn cứ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020:
- Nếu là công ty cổ phần thì không cần phải thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi cổ đông thay đổi do khai nhận thừa kế, trừ trường hợp người nhận thừa kế mang quốc tịch nước ngoài.
- Nếu là công ty TNHH thì cần thực hiện thủ tục thay đổi thành viên góp vốn do khai nhận thừa kế trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi hoàn tất thủ tục khai nhận thừa kế vốn góp.
4. Những câu hỏi thường gặp
Khi nào được bán cổ phần được nhận do thừa kế?
Căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, Quyền định đoạt được hiểu là quyền chuyển giao sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Chủ sở hữu là đối tượng có quyền bán, trao đổi, tặng cho, để làm tài sản thừa kế, cho vay, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy, hoặc thực hiện các hành vi định đoạt khác, miễn là phù hợp với quy định của pháp luật về tài sản. Đối tượng không phải chủ sở hữu của tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản khi được chủ sở hữu ủy quyền hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người thừa kế di sản là cổ phần công ty chỉ được phép bán khi xác lập quyền sở hữu đối với tài sản này. Nghĩa là sau khi hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thông báo với doanh nghiệp, được doanh nghiệp cập nhật thông tin trong sổ đăng ký cổ đông.
Nhận thừa kế cổ phần có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC về các khoản thu nhập chịu thuế như sau:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
9 Thu nhập từ nhận thừa kế
Thu nhập từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế, cụ thể như sau:
a) Đối với nhận thừa kế là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; cổ phần của cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
b) Đối với nhận thừa kế là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh bao gồm: vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh; vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân; vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.
c) Đối với nhận thừa kế là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ thừa kế là bất động sản theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
d) Đối với nhận thừa kế là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.”
Theo quy định trên, thu nhập phát sinh từ quyền thừa kế cổ phần của cá nhân trong công ty cổ phần, theo quy định của Luật Doanh nghiệp là khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Do đó, người nhận thừa kế cổ phần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, Apolat Legal đã cung cấp cho bạn quy trình thực hiện thủ tục thừa kế cổ phần đầy đủ. Trong trường hợp còn bất cứ thắc mắc gì, hoặc muốn liên hệ trực tiếp với luật sư để được tư vấn đầy đủ, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua thông tin bên dưới, hoặc để lại thông tin cá nhân để Apolat Legal có thể chủ động hỗ trợ cho bạn.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Phone: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com
Tham khảo các bài viết liên quan đến thủ tục thừa kế cổ phần
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế
-
Quy định hàng thừa kế theo pháp luật Việt Nam hiện nay
-
Thủ tục khai di sản thừa kế nhanh và chuẩn nhất hiện nay
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo ý kiến về dịch vụ của chúng tôi để giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com .