Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thực hiện thanh toán hoặc nhận thanh toán Giá Chuyển Nhượng cổ phần/phần vốn góp của một công ty ở Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của pháp lệnh ngoại hồi và một số thủ tục tại ngân hàng thương mại nơi mở tải khoản nhận thanh toán. Sau đây là một số lưu ý liên quan đến việc thanh toán Giá Chuyển Nhượng trong giao dịch M&A có sự tham gia của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài:
1. Tài Khoản Vốn Đầu Tư dùng để thanh toán giá chuyển nhượng cổ phần/phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài
Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài và Công Ty cần phải xác định rõ Tài Khoản Vốn Đầu Tư nào sẽ được sử dụng để thanh toán hoặc nhận thanh toán Giá Chuyển Nhượng cổ phần/phần vốn góp.
1.1. Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp (“DICA”)
Là tài khoản của Công Ty Vốn Đầu Tư Nước Ngoài mở tại một ngân hàng được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam. DICA để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Mỗi Công Ty Vốn Đầu Tư Nước Ngoài chỉ được mở một (01) Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Bằng Ngoại Tệ (“DICA-FC”) và một (01) Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Bằng Đồng Việt Nam (“DICA-VN”) tại cùng một ngân hàng được phép.
Việc thành lập hoặc mua cổ phần/phần vốn góp của Công Ty Có Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài tại Việt Nam được xem là đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Công Ty Có Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài bao gồm:
(a) Công ty được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
(b) Công ty không thuộc trường hợp quy định tại điểm (a) ở trên có Nhà Đầu Tư Nước Ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của công ty, bao gồm:
(i) Công ty có Nhà Đầu Tư Nước Ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với Nhà Đầu Tư Nước Ngoài) dẫn đến Nhà Đầu Tư Nước Ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của Công ty;
(ii) Công ty được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến Nhà Đầu Tư Nước Ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của Công ty;
(c) Công ty dự án do Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.
1.2. Tài Khoản Vốn Đầu Tư Gián Tiếp (“IICA”)
Là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam do Nhà Đầu Tư Nước Ngoài mở tại ngân hàng được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam. IICA để thực hiện các giao dịch thu chi được phép liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài bao gồm các hình thức sau đây:
(a) Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài vào công ty không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán (các trường hợp được liệt kê ở mục 1.1 phía trên);
(b) Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài vào công ty có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán;
(c) Mua, bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam;
(d) Mua bán các giấy tờ có giá khác bằng đồng Việt Nam do người cư trú là tổ chức được phép phát hành trên lãnh thổ Việt Nam;
(e) Ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo các quy định của pháp luật về chứng khoán; ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
(f) Góp vốn, chuyển nhượng vốn góp của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài trong các quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
2. Phương thức thanh toán thông qua từng loại Tài Khoản Vốn Đầu Tư
2.1. DICA:
Việc thanh toán thông qua DICA được thực hiện theo quy định của Thông Tư 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Theo đó, DICA sẽ là tài khoản trung gian để nhận tiền thanh toán Giá Chuyển Nhượng từ Bên Mua và chuyển số tiền này cho Bên Bán. Một số vấn đề cần lưu ý như sau:
(a) Việc thanh toán Giá Chuyển Nhượng cổ phần/phần vốn góp tại Công Ty Có Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài được thực hiện như sau:
(i) Giữa các Nhà Đầu Tư là Người Không Cư Trú hoặc giữa các Nhà Đầu Tư là Người Cư Trú không thực hiện thông qua Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp;
(ii) Giữa Nhà Đầu Tư là Người Không Cư Trú và Nhà Đầu Tư là Người Cư Trú phải thực hiện thông qua Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp.
(b) Đồng tiền định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam:
(i) Việc định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư giữa hai người không cư trú được phép thực hiện bằng ngoại tệ;
(ii) Việc định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư giữa người cư trú và người không cư trú, giữa người cư trú với nhau phải thực hiện bằng đồng Việt Nam.
2.2. IICA:
Việc thanh toán thông qua IICA được thực hiện theo quy định của Thông Tư 05/2014/TT-NHNN ngày 12/3/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài sẽ sử dụng tài khoản IICA để nhận tiền thanh toán Giá Chuyển Nhượng từ Bên Mua hoặc thanh toán Giá Chuyển Nhượng cho Bên Bán.
3. Tham khảo ý kiến của Ngân hàng:
Trước khi thực hiện thanh toán Giá Chuyển Nhượng, các bên nên tham khảo ý kiến của Ngân Hàng Thương Mại nơi mở tài khoản DICA hoặc IICA để làm rõ phương thức thanh toán phù hợp với giao dịch chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp. Tránh trường hợp việc thanh toán Giá Chuyển Nhượng bị gián đoạn do quan điểm của Ngân Hàng Thương Mại khác với quan điểm của các bên về phương thức thanh toán. Một số vấn đề cần xác định rõ với Ngân Hàng Thương Mại như sau:
(a) Tài khoản sử dụng để thanh toán khi thực hiện giao dịch M&A (DICA-FC, DICA-VN, IICA hoặc không thanh toán thông qua Tài Khoản Vốn Đầu Tư);
(b) Đồng tiền thanh toán là Việt Nam Đồng hay ngoại tệ khác;
(c) Tài liệu cần cung cấp cho Ngân Hàng Thương Mại của mỗi đợt thanh toán;
(d) Nội dung điều khoản thanh toán (nếu cần).
Xem thêm bài viết: Nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến IPO & Huy Động Vốn. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi IPO Huy Động Vốn và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.