1. Lưu ý đến quy định xử phạt trong giai đoạn áp dụng biện pháp phòng chống dịch
Trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng với làn sóng dịch bệnh mới ở các quốc gia Châu Á dẫn đến số lượng người nhiễm bệnh và số ca tử vong tăng đột biến. Riêng tại Việt Nam, trong bối cảnh làn sóng dịch thứ ba với số lượng ca nhiễm và phạm vi lây nhiễm đang có xu hướng mở rộng, và phức tạp hơn, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động khắt khe hơn để xử lý hành vi làm lây lan dịch bệnh ra công đồng trên cơ sở Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Bộ Luật Hình Sự 2015 hiện hành, cụ thể như sau:
Đối với xử phạt hành chính:
- Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (điển hình như hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng) bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
- Hành vi che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; Hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đối với xử lý hình sự: tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả mà sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
- Hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm;
- Hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người mà làm chết người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Trường hợp làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
2. Luật cư trú 2020 và những thay đổi đáng kể về việc đăng ký thường trú từ ngày 01/7/2021
Vào ngày 01/07/2021, Luật Cư trú 2020 sẽ có hiệu lực dẫn đến những thay đổi liên quan đến đăng ký thường trú so với Luật cư trú 2006 và Luật Cư trú sửa đổi năm 2013, cụ thể:
- Phải đảm bảo yêu cầu về diện tích nhà ở tối thiểu là 08 m2 sàn/người mới có thể đăng ký thường trú. Diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
- Bổ sung trường hợp bị xóa đăng ký thường trú đối với người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.
- Bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký thường trú dành cho người thuê nhà, bao gồm:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
– Hợp đồng cho thuê hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.
- Quy định 05 địa điểm không được đăng ký thường trú mới:
– Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
– Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.
– Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.
– Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
– Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.