Quy định về các khoản bảo hiểm xã hội tính đóng cho người lao động

Bảo hiểm xã hội tuy không phải là một chủ đề mới nhưng những vấn đề liên quan xoay quanh vẫn luôn “nóng bỏng” vì có sự ảnh hưởng trực tiếp đến việc cân đối chi trả tiền lương cho người lao động và tuân thủ các quy định pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nói riêng và trong khuôn khổ pháp luật lao động nói chung đối với người sử dụng lao động. Đối với người lao động, sự ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập khi khoản tiền thực nhận sau khi đã khấu trừ các khoản tiền nộp bảo hiểm xã hội và/hoặc thuế thu nhập cá nhân. Một số câu hỏi phổ biến và thường gặp khi gắn với từ khóa “bảo hiểm xã hội” có thể kể đến như khoản tiền nào cần tính đóng và không cần tính đóng bảo hiểm xã hội đang được quy định như thế nào, hay có đóng bảo hiểm xã hội đối với các khoản tiền thưởng hoặc khoản tiền chi trả cho đạt chỉ tiêu/doanh số (hay còn được gọi là KPI Key Performance Indicator”) có thuộc đối tượng tính đóng bảo hiểm xã hội không; hay rủi ro/trách nhiệm pháp lý trong trường hợp các khoản KPI, thưởng bị thanh tra lao động loại khỏi khoản không tính đóng BHXH và truy thu là gì;…Bài viết này sẽ tập trung giải đáp các vấn đề cũ nhưng chưa có dấu hiệu hết sự “nóng bỏng” nêu trên để người lao động và người sử dụng lao động có thể hiểu và tuân thủ quy định pháp luật.  

Các khoản bảo hiểm xã hội tính đóng cho người lao động
Các khoản bảo hiểm xã hội tính đóng cho người lao động

1. Các khoản cần tính đóng và không cần tính đóng bảo hiểm xã hội (gọi tắt là “BHXH”) cho Người lao động (gọi tắt là “NLĐ”) theo quy định pháp luật

1.1 Các khoản cần tính đóng BHXH cho NLĐ theo quy định pháp luật 

Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động (gọi tắt là “NSDLĐ”) quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động (gọi tắt là “HĐLĐ”). Trong đó: 

+ Mức lương: là mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán. 

+ Phụ cấp lương:

  • Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
  • Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. 

+ Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:

  • Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
  • Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động;
  • Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động. 

Trường hợp tiền lương tháng cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.

1.2 Các khoản không cần đóng BHXH  

Theo quy định tại Điều 30.3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và sửa đổi bổ sung bởi Điều 1.26 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, có quy định Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như

+ Thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động: 

Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.”

+ Tiền thưởng sáng kiến;  

+ Tiền ăn giữa ca;  

+ Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;  

+ Khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; và 

+ Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH. 

2. Quy định liên quan đến tính đóng BHXH đối với các khoản KPI, Thưởng và quy chế liên quan đến khoản KPI và Thưởng

Xét trong một khía cạnh thì không thể không thừa nhận rằng cách gọi tên các khoản tiền được chi trả cho người lao động rất quan trọng vì sẽ là cơ sở để nhận định rằng khoản tiền đó sẽ được xác định là khoản cần tính đóng hay không cần tính đóng BHXH.

Theo đó, các khoản tiền đạt chỉ tiêu/doanh số, khoản thưởng, xét về bản chất thì đây là một khoản tiền có mục đích là nhằm khuyến khích NLĐ làm việc năng suất và hiệu quả hơn. Theo đó, khoản tiền này sẽ được chi trả cho NLĐ khi NLĐ đạt được các chỉ tiêu mà người sử dụng lao động yêu cầu. Đây không là khoản tiền cố định, mà sẽ phụ thuộc vào hiệu suất làm việc và khả năng của NLĐ. Theo Điều 104 Bộ luật lao động 2019, các khoản thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ như quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 thuộc trường hợp không tính đóng BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định rõ Quy chế thưởng sẽ do NSDLĐ quyết định nhưng phải công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Do đó, đối với các khoản thưởng liên quan đến KPI, Thưởng như trên, trường hợp đã xây dựng Quy chế thưởng và ban hành công khai để áp dụng thì sẽ không tính đóng BHXH đối với các khoản này. 

Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý, các khoản tiền thưởng phải trong quy chế tài chính hoặc khen thưởng chính thức được coi là hợp lệ và đưa đưa vào các khoản chi được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 6.2 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều thông tư 96/2015/TT-BTC.  

3. Rủi ro trong trường hợp các khoản KPI, Thưởng bị loại khỏi khoản không tính đóng BHXH và truy thu 

Truy thu có thể được xem là một cơ chế hoặc biện pháp mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thu các trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định tại Thông tư số 20/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 03/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật BHXH 2014 hướng dẫn bởi Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau:  

+ Các trường hợp truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ, NSDLĐ bao gồm: 

  • Điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng BHXH cho NLĐ;
  • Đóng bù thời gian chưa đóng của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ.

+ Số tiền truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau: 

  • Đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này số tiền truy thu không phải tính lãi chậm đóng. 

Trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH cho NLĐ hoặc chấm dứt HĐLĐ về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm số tiền phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng. 

  • Lãi suất truy thu được lấy bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề của năm tính truy thu. 

NSDLĐ có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. 

+ Truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật BHXH như sau: 

NSDLĐ có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật BHXH 2014 như bên dưới từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội:   

  • Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
  • Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
  • Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 

Mức phạt cụ thể sẽ được xác định dựa trên tính chất, mức độ của hành vi vi phạm trong từng trường hợp cụ thể và sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét.  

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.