Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi các hiệp định thương mại tự do lần lượt có hiệu lực thì doanh nghiệp Việt Nam càng có nhiều cơ hội kinh doanh, đầu tư, hợp tác,… Tuy nhiên, bên cạnh ảnh hưởng tích cực là những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hội nhập, một trong số đó là vấn đề về công nghệ. Thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động của mình một cách toàn diện từ hoạt động kinh doanh cho đến hoạt động quản lý, từ hệ thống kỹ thuật cho đến các vấn đề pháp lý,… Theo đó, giao kết hợp đồng điện tử là một bước tiến trong tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cụ thể là Luật Giao dịch điện tử 2005 thì giao kết hợp đồng điện tử được định nghĩa là “việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng”1. Trong đó, cũng theo luật này thông điệp dữ liệu “là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”2.
1. Phương thức giao kết hợp đồng điện tử
Căn cứ Khoản 2 Điều 36 Luật Giao dịch điện tử 2005 thì giao kết hợp đồng điện tử có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng thông điệp điện tử để đề nghị và chấp nhận giao kết hợp đồng. Để đảm bảo cho quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, luật này cũng có quy định thông điệp điện tử có giá trị như văn bản nếu đáp ứng được các điều kiện kĩ thuật nhất định3. Theo đó, trao đổi điện tử có giá trị pháp lý như phương pháp truyền thống4, phổ biến là trao đổi thông tin trực tiếp bằng văn bản giấy.
Quá trình giao kết hợp đồng điện tử hiểu đơn giản bắt đầu bằng việc người gửi khởi tạo thông điệp dữ liệu theo đúng quy định của pháp luật quy định tại Điều 16 Luật Giao dịch điện tử 2005 gửi cho người nhận thông qua phương tiện điện tử mà hai bên thoả thuận (nếu có). Khi nhận được thông điệp dữ liệu, người nhận có thể xác nhận thông qua việc sử dụng chữ ký điện tử đã được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chứng thực5. Trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử, các bên phải tuân thủ quy định của Luật Giao dịch điện tử 2005, pháp luật có liên quan cũng như các điều khoản trong luật hợp đồng.
Một trong những lưu ý quan trọng là việc trao đổi thông tin bằng phương tiện điện tử chỉ được xem là có hiệu lực khi địa chỉ dùng để trao đổi là địa chỉ mà hai bên đã thống nhất với nhau, nếu địa chỉ được sử dụng của một bên khác với địa chỉ thỏa thuận ban đầu nhưng không có sự thông báo đến bên còn lại thì vẫn không được xem là có hiệu lực.
2. Chữ ký điện tử
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 (“BLDS 2015”) thì hợp đồng bao gồm hợp đồng điện tử nên các quy định của BLDS 2015 về hợp đồng vẫn được áp dụng. Theo khoản 4 Điều 400 BLDS 2015 thì “Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản” nên không yêu cầu chữ ký phải là chữ ký sống hay cấm việc sử dụng chữ ký điện tử. Vì vậy, chữ ký điện tử vẫn có hiệu lực pháp luật theo quy định của BLDS 2015 và Luật Giao dịch điện tử 2005. Chữ ký điện tử có 3 loại phổ biến là chữ ký số, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh. Theo quy định pháp luật thì hiện tại chỉ có chữ ký số được quy định rõ tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 130/2018/NĐ-CP là một dạng chữ ký điện tử. Còn đối với chữ ký hình ảnh và chữ ký scan do không được quy định cụ thể trong Luật Giao dịch điện tử 2005, Nghị định 130/2018/NĐ-CP và Nghị định 52/2013/NĐ-CP nên không đương nhiên là chữ ký điện tử, tuy nhiên hợp đồng điện tử được giao kết bằng hai loại chữ ký này không đương nhiên vô hiệu vì vẫn chưa có quy định rõ ràng loại trừ hai loại chữ ký này.
Chính vì chính sách pháp lý chưa rõ ràng trong việc quy định chữ ký điện tử đã dẫn đến nhiều vụ tranh chấp, khi mà hai loại chữ ký chưa được xác định theo quy định của pháp luật Việt Nam có phải là chữ ký điện tử hay không lại được sử dụng trong các giao kết hợp đồng điện tử.
3. Công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử
Theo pháp luật dân sự thì hiện nay hợp đồng điện tử vẫn được xem là một dạng hợp đồng vì vậy việc công chứng, chứng thực vẫn có hiệu lực áp dụng trong trường hợp này. Tuy Điều 63 Nghị định 52/2013/NĐ-CP có quy định về hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử nhưng chỉ mang tính chất chung chung, chưa rõ ràng, chưa kể Luật Công chứng năm 2014 cũng chưa đề cập đến việc công chứng hợp đồng, giao dịch điện tử. Chính vì quy định như vậy nên vấn đề đặt ra là đối với hợp đồng điện tử, các bên tham gia hợp đồng hoàn toàn trao đổi, đàm phán nội dung hợp đồng và ký kết từ xa thông qua phương tiện điện tử, nếu có yêu cầu công chứng thì công chứng viên có công chứng được không và công chứng như thế nào?
Trong thực tế, thì một số văn bản pháp luật vẫn đề cao và xem công chứng, chứng thực như một quy định bắt buộc nên vấn đề công chứng đối với hợp đồng điện tử có thể sẽ gây tranh chấp về hiệu lực hợp đồng, mà cụ thể là không đảm bảo về mặt hình thức.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Rà Soát & Soạn Thảo Hợp Đồng. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.