Một số vấn đề pháp lý cơ bản về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

Đối với chế độ tài sản của vợ chồng, phần lớn các quốc gia trên thế giới hiện nay đều áp dụng đồng thời hai chế độ tài sản chung của vợ chồng là theo pháp luật (luật định) và theo thỏa thuận (ước định). Mặc dù vậy, chế độ tài sản theo thỏa thuận tại một số quốc gia không được pháp điển hóa cùng thời điểm với chế độ tài sản theo luật định mà có thể ra đời muộn hơn khi các điều kiện kinh tế xã hội và quan điểm về hôn nhân dần có sự thay đổi, theo đó cho phép vợ chồng trước khi kết hôn có thể thỏa thuận về chế độ tài sản của hai bên trong cuộc sống hôn nhân tương lai. Tại Việt Nam, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận lần đầu tiên được ghi nhận khi Luật Hôn nhân và gia đình 2014 ra đời, cho phép các bên trước khi kết hôn có thể lập thỏa thuận về chế độ tài sản sau khi kết hôn. Bài viết sau đây trình bày một số nội dung cơ bản của chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

1. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận 

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, pháp luật cho phép vợ chồng được quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện tại không chính thức đưa ra khái niệm cụ thể về từng chế độ tài sản mà sẽ làm rõ chúng thông qua các quy định pháp luật. Đối với chế độ tài sản theo thỏa thuận, có thể tham khảo một số khái niệm được đưa ra bởi một số tác giả như chế độ tài sản thỏa thuận (hay còn gọi là chế độ tài sản ước định) là tập hợp các quy tắc do chính vợ, chồng xây dựng nên một cách hệ thống trên cơ sở sự cho phép của pháp luật để thay thế cho chế độ tài sản luật định nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng.1 Hay chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận có thể được hiểu là thoả thuận giữa vợ và chồng nhằm điều chỉnh quan hệ sở hữu về tài sản giữa vợ chồng bao gồm việc xác lập, các căn cứ phân chia tài sản giữa vợ chồng, quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ và chồng và giữa vợ chồng với bên thứ ba.2 

Với nguyên tắc tự do cam kết, thỏa thuận trong các quan hệ dân sự, pháp luật cho phép vợ chồng ưu tiên áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận so với chế độ tài sản theo luật định. Do đó, chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc có thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng thỏa thuận này bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình.3 

Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Phân tích quy định này, có thể thấy điều kiện để xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được quy định như sau: 

Thứ nhất, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi kết hôn. Với mục đích xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, pháp luật quy định vợ chồng muốn thỏa thuận về chế độ tài sản thì phải lập thỏa thuận trước khi kết hôn, tức trước khi họ chính thức trở thành vợ chồng. Nếu vợ chồng đã kết hôn thì sẽ không có cơ sở để lập thỏa thuận này vì lúc này họ đang áp dụng chế độ tài sản theo luật định như đã trình bày. 

Thứ hai, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tài sản của các bên trong thời kỳ hôn nhân nên có thể dễ xảy ra tranh chấp giữa các bên và bên thứ ba thực hiện các giao dịch liên quan tài sản của chung hay riêng của vợ chồng. Do đó, việc bắt buộc thỏa thuận phải được lập bằng hình thức văn bản được công chứng hoặc chứng thực giúp các bên đảm bảo việc thực thi thỏa thuận và hạn chế những tranh chấp. 

Thứ ba, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Với mục đích xác định tài sản của các bên trong thời kỳ hôn nhân, do đó, chế độ tài sản của vợ chồng chỉ phát sinh hiệu lực và thật sự có ý nghĩa khi các bên đăng ký kết hôn. Do đó, những trường hợp kết hôn trái pháp luật, những trường hợp đăng ký kết hôn tại cơ quan không đúng thẩm quyền, về nguyên tắc sẽ không thể xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận, dù đã xác lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước đó.4 

Cần phải làm rõ thêm rằng thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không đồng nhất với hợp đồng tiền hôn nhân, một khái niệm khá quen thuộc tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng chưa được quy định cụ thể tại Việt Nam. Hợp đồng tiền hôn nhân (prenuptial agreements hay antenuptial agreements hay premarital agreements) được hiểu là thỏa thuận giữa các bên dự định kết hôn nhằm thay đổi hoặc xác nhận các quyền và nghĩa vụ pháp lý phát sinh theo pháp luật về hôn nhân và chấm dứt khi các bên ly hôn hoặc chết.5 Nội dung của hợp đồng tiền hôn nhân thường bao gồm các thỏa thuận về phân chia tài sản, cấp dưỡng cho vợ/chồng và con cái cũng như quyền giám hộ con cái trong trường hợp ly hôn.6 Do đó, hợp đồng tiền hôn nhân là một loại thỏa thuận rộng hơn thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam khi chỉ cho phép vợ chồng được quyền thỏa thuận các vấn đề liên quan tài sản. 

2. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng 

Theo quy định tại Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thỏa thuận thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm các nội dung cơ bản sau: 

Thứ nhất, tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng. Đây là nội dung được đề cập đầu tiên và cũng là nội dung quan trọng nhất của thỏa thuận nhằm thực hiện mục đích xác lập sự thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Theo đó, vợ chồng có thể thỏa thuận xác định tài sản theo một trong các hình thức sau đây: (i) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng; (ii) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung; (iii) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó; (iv) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.7 

Thứ hai, quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình. Sau khi đã thỏa thuận để xác định được đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng của vợ chồng thì vợ chồng cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với các tài sản này để thuận tiện và không tạo ra vướng mắc khi thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, việc yêu cầu các bên thỏa thuận phần tài sản để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình là tránh trường hợp các bên đùn đẩy trách nhiệm đối với gia đình, đặc biệt là con cái khi các bên thỏa thuận không có tài sản chung mà chỉ có tài sản riêng. 

Thứ ba, điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản. Để hạn chế việc các bên xảy ra tranh chấp khi chế độ tài sản chấm dứt, pháp luật yêu cầu vợ chồng khi thỏa thuận về chế độ tài sản phải thỏa thuận rõ về điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản. Về nguyên tắc, tài sản có thể chia theo cách thức chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hoặc theo nguyên tắc phân chia khác do hai vợ chồng tự thỏa thuận thống nhất với nhau. Khi có tranh chấp xảy ra, việc giải quyết tranh chấp được ưu tiên áp dụng theo thỏa thuận của vợ chồng.8  

Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên, pháp luật quy định các bên có thể thỏa thuận những nội dung khác có liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng phù hợp với mong muốn của các bên và quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, vợ chồng được quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận sẽ tuân thủ quy định áp dụng cho việc xác lập thỏa thuận được quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Mặc dù hiện nay có nhiều ý kiến đề xuất cần đặt ra giới hạn hay sự kiểm soát đối với việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận để bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba, pháp luật hiện nay vẫn đang cho phép các bên tự do sửa đổi, bổ sung thỏa thuận.9 

Tóm lại, mặc dù chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận còn khá mới mẻ đối với một bộ phận người Việt Nam và quy định pháp luật điều chỉnh chế độ tài sản này chưa được hoàn thiện, việc quy định chế độ tài sản này trong văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho các bên thực hiện việc thỏa thuận về chế độ tài sản theo nhu cầu và mong muốn của các bên. 

(1) Nguyễn Ngọc Điện, Đoàn Thị Phương Diệp (2016), Chế độ tài sản thỏa thuận trong pháp luật một số nước và đề xuất cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 15 (319).  

(2) Nguyễn Thị Lan (2023), Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội. 

(3) Điều 7 Nghị định 126/2014/NĐ-CP. 

(4) Nguyễn Thị Thu Hoài (2020), Pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật, Tạp Chí Công Thương.  

(5) Dẫn từ Gary A. Debele and Susan C. Rhode (2006), Prenuptial Agreements in the United States, International Academy of Family Lawyers.  

(6) Ramalinggam Rajamanickam, Kevin Brendan Kung, Ahmad Azam Mohd. Shariff, Muhamad Helmi Md. Said, Nur Khalidah Dahlan (2019), Prenuptial Agreement: Legal Position in Malaysia, Academic Journal of Interdisciplinary Studies, Vol 8 No 4, p.98. 

(7) Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.  

(8) Đoàn Thị Ngọc Hải (2019), Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong hệ thống pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Tư Pháp.  

(9) Xem Nguyễn Ngọc Điện, Đoàn Thị Phương Diệp (2016), tlđd; Nguyễn Thị Lan (2023), tlđd; Nguyễn Thị Thu Hoài (2020), tlđd. 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải Quyết Tranh Chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.