Thẩm định là một quá trình xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề để đưa ra kết luận về đối tượng được thẩm định. Trong giao dịch M&A, thẩm định là việc xem xét, đánh giá về hoạt động kinh doanh, tài sản, tài chính, lợi thế thương mại, năng lực và hiệu quả hoạt động của công ty mục tiêu trước khi các bên chính thức thực hiện giao dịch M&A, trong đó, một trong những loại quy trình thẩm định không thể thiếu là Thẩm định pháp lý.
Xem thêm: Sự cần thiết của thẩm định pháp lý trong giao dịch M&A.
Thẩm Định Pháp Lý thường được thực hiện bởi một nhóm các luật sư và trợ lý chuyên nghiệp (“Luật Sư Thẩm Định”). Kết quả thẩm định pháp lý là Báo Cáo Thẩm Định Pháp Lý, sẽ đánh giá khách quan sự tuân thủ pháp luật của Công Ty Mục Tiêu trong quá khứ, những rủi ro có thể phát sinh trong tương lai như phạt hành chính, kiện tụng, thu hồi dự án … Kết quả Báo Cáo Thẩm Định Pháp Lý có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của Nhà Đầu Tư. Do đó, không chỉ Nhà Đầu Tư mà cả các Công Ty Mục Tiêu đều cần chuẩn bị một cách kỹ lưỡng trước và trong quá trình thẩm định pháp lý.
1. Tại sao Công Ty Mục Tiêu nên tự thực hiện thẩm định pháp lý?
Xét về khía cạnh của Công ty mục tiêu (bên bán trong giao dịch M&A), việc thực hiện thẩm định nói chung và thẩm định pháp lý nói riêng là hoạt động nên được xem trọng và thực hiện thường xuyên dù bạn đang có dự định bán doanh nghiệp của mình hay không. Với việc đánh giá toàn bộ các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp và đối chiếu với việc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, kết quả của quá trình thẩm định pháp lý buộc các chủ sở hữu doanh nghiệp phải có quan điểm nghiêm túc hơn về doanh nghiệp của mình và hoạt động của nó, thậm chí phải xem xét đến phương án cải thiện hoặc thay đổi hoàn toàn một số khía cạnh trong hoạt động của doanh nghiệp.
Trong hoạt động kinh doanh, để có cơ sở quyết định đầu tư, Nhà Đầu Tư thường tiến hành hàng loạt các thẩm định để xác định tình trạng hoạt động của Công Ty Mục Tiêu. Tuỳ vào hoạt động kinh doanh đặc thù của mỗi Công Ty Mục Tiêu và mục đích đầu tư, Nhà Đầu Tư sẽ quyết định thẩm định những vấn đề cụ thể nào, ví dụ như pháp lý, tài chính, thuế, kỹ thuật …. Sau khi xem xét, đánh giá kết quả các Báo Cáo Thẩm Định, Nhà Đầu Tư mới đưa ra quyết định có đầu tư hay không, xác định giá trị Công Ty Mục Tiêu và lựa chọn phương thức đầu tư cho phù hợp. Do đó, trong trường hợp bạn có dự định bán doanh nghiệp của mình, thẩm định pháp lý lại càng là một hoạt động nên được thực hiện sớm nhất có thể. Hiểu được các giá trị, lợi thế của doanh nghiệp cũng như giải quyết các điểm yếu của công ty và chuẩn bị cho các câu hỏi của người mua tiềm năng, bạn có thể chào bán doanh nghiệp ở tình trạng tốt nhất và có thể đạt được kết quả thương lượng ở mức cao nhất có thể. Việc có thể xác định và sửa chữa các rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giúp quá trình thương lượng diễn ra dễ dàng hơn và kết thúc nhanh hơn.
2. 02 lưu ý cho bên bán khi thẩm định pháp lý trong giao dịch M&A
Xem thêm: M&A: Các lưu ý cho bên bán khi thực hiện thẩm định pháp lý.
Thứ nhất: Trước khi tiến hành giao dịch M&A
Sai lầm nghiêm trọng của Công Ty Mục Tiêu là không thực hiện rà soát lại các tài liệu pháp lý của mình trước khi tham gia giao dịch M&A. Dẫn đến tình trạng nhiều tài liệu không cung cấp được cho Luật Sư Thẩm Định, nhiều sai phạm nghiêm trọng về mặt pháp lý nhưng chưa được khắc phục, hoặc tồn tại những sai sót “ngớ ngẩn” không đáng có. Dẫn đến Báo Cáo Thẩm Định Pháp Lý ghi nhận nhiều nội dung vi phạm pháp luật, gặp rủi ro về mặt pháp lý …. Do đó, Công Ty Mục Tiêu cần phải chủ động rà soát lại toàn bộ vấn đề pháp lý và khắc phục các thiếu sót (nếu có). Công Ty Mục Tiêu cần lưu ý một số vấn đề chính sau:
1. Phần vốn góp/Cổ phần
Công Ty Mục Tiêu cần phải kiểm tra một cách kỹ lưỡng các tài liệu pháp lý thể hiện các Thành Viên Góp Vốn/Cổ Đông là những chủ sở hữu của Công Ty Mục Tiêu, chứng minh được họ đã góp vốn đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật hoặc việc mua bán Phần vốn góp/Cổ phần trước đây được thực hiện một cách hợp pháp. Đây là tài liệu đặc biệt quan trọng để Nhà Đầu Tư xem xét Thành Viên Góp Vốn/Cổ Đông được quyền chuyển nhượng lại Phần vốn góp/Cổ phần hay không, hoặc các Thành Viên Góp Vốn/Cổ Đông có được quyền quyết định tiếp nhận thêm vốn vào Công Ty Mục Tiêu hay không.
2. Ngành nghề kinh doanh
Cần phải xác định Công Ty Mục Tiêu hoạt động ngành nghề kinh doanh nào và những ngành nghề này có thuộc trường hợp ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không. Từ đó xác định Công Ty Mục Tiêu đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hay chưa, đã xin cấp đầy đủ giấy phép/giấy chứng nhận theo luật định để được kinh doanh hợp pháp không.
Bên cạnh đó, trường hợp Bên Bán mong muốn kêu gọi vốn đầu tư từ Nhà Đầu Tư Nước Ngoài, Bên Bán cần xem xét ngành nghề kinh doanh đang hoạt động của Công Ty Mục Tiêu có cho phép Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đầu tư vào hay không? Nếu có hạn chế thì lập trước phương án xử lý hoặc loại bỏ kế hoạch kêu gọi vốn từ Nhà Đầu Tư Nước Ngoài (chỉ kêu gọi vốn từ Nhà Đầu Tư Việt Nam).
3. Tài sản quan trọng
Tuỳ theo hoạt động kinh doanh của Công Ty Mục Tiêu, các tài sản quan trọng có thể được đánh giá dựa theo nhiều tiêu chí khác nhau. Một số tài sản có thể được xem xét quan trọng như:
- Bất động sản: đây là tài sản có giá trị lớn, cần phải thực hiện đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công Ty Mục Tiêu cần phải xem xét Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã được cấp đầy đủ hay chưa, các tài sản gắn liền trên đất như nhà máy, công trình xây dựng khác đã được hoàn công và đăng ký đầy đủ với cơ quan nhà nước hay chưa.
- Quyền sở hữu trí tuệ: Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những quyền tài sản hợp pháp theo quy định của pháp luật. Việc nhận diện các tài sản trí tuệ và biến chúng thành tài sản hợp pháp của doanh nghiệp là một trong những biện pháp làm gia tăng tệp tài sản của Công Ty Mục Tiêu, từ đó giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp. Do đó, Công Ty Mục Tiêu cần rà soát lại các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình và thực hiện đăng ký/áp dụng các biện pháp bảo hộ phù hợp theo quy định của pháp luật để biến các tài sản vô hình thành những quyền tài sản hữu hình và có thể khai thác thương mại.
4. Các vấn đề khác
Tuỳ thuộc vào đặc thù hoạt động, mỗi Công Ty Mục Tiêu cần xem xét và chú trọng đến những vấn đề khác mà mình cho là mấu chốt khi tiến hành giao dịch M&A, từ đó nghiên cứu và hoàn thiện các vấn đề pháp lý.
Thứ hai: Trong quá trình thẩm định pháp lý
Để tiến hành thẩm định pháp lý, Luật Sư Thẩm Định sẽ yêu cầu Công Ty Mục Tiêu cung cấp các tài liệu pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh mình. Dựa trên những tài liệu pháp lý được cung cấp, Luật Sư Thẩm Định sẽ xem xét, đánh giá các tài liệu này để lập ra Báo Cáo Thẩm Định Pháp Lý.
Công Ty Mục Tiêu cần phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng các tài liệu theo yêu cầu cung cấp của Luật Sư Thẩm Định, đảm bảo cung cấp đầy đủ và trung thực các tài liệu này nằm hạn chế rủi ro trong tương lai, bị vi phạm điều khoản cung cấp hồ sơ thiếu hay ko trung thực làm ảnh hưởng đến giao dịch M&A, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng.
Lưu ý chung đối với Công Ty Mục Tiêu: Khi thực hiện thẩm định pháp lý vì bất kỳ mục đích nào, ngoài những vấn đề ở từng giai đoạn như nêu trên, Công Ty Mục Tiêu cần lưu ý những điểm chung sau:
- Thiết lập mục tiêu thẩm định và kết quả mong muốn một cách rõ ràng.
- Đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho các nhà tư vấn.
- Ngoài pháp lý, việc thẩm định cũng nên được thực hiện ở các khía cạnh cắp khác của doanh nghiệp để có được một cái nhìn toàn diện nhất.
- Không nên bỏ qua các khuyến cáo điều chỉnh, hoàn thiện thiếu sót của doanh nghiệp được nêu ra tại báo cáo thẩm định.
Thẩm định đối với Công Ty Mục Tiêu là quá trình xác định và đánh giá giá trị của công ty. Việc thẩm định có thể tiết lộ những điểm mạnh và điểm yếu mà Nhà Đầu Tư cần biết trước khi mua một công ty, nó cũng cho phép Công Ty Mục Tiêu giải quyết các điểm yếu và chuẩn bị cho các câu hỏi của người mua tiềm năng. Nói cách khác, tiến hành thẩm định giúp bên bán đảm bảo rằng doanh nghiệp của mình đã sẵn sàng cho việc được chào bán, và giúp chủ doanh nghiệp chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất và lên phương án dự phòng