1. Căn cứ pháp lý
– Luật Công chứng năm 2014;
– Thông tư số 257/2016/TT-BTC;
2. Khai di sản thừa kế là gì?
Khai di sản thừa kế được định nghĩa là thủ tục nhằm xác lập quyền tài sản đối với di sản được người đã chết để lại cho người còn sống có quyền hưởng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng, thủ tục khai di sản thừa kế chỉ được thực hiện trong 2 trường hợp:
- Cá nhân là người duy nhất được hưởng di sản theo quy định của pháp luật.
- Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng chưa phân chia rõ ràng theo thỏa thuận.
So với việc chia tài sản theo hàng thừa kế trong Điều 651 Bộ Luật Dân sự năm 2015, phần di sản sẽ được chia cụ thể cho từng người thì thủ tục khai di sản thừa kế sẽ thống nhất không chia di sản đó hoặc chỉ có duy nhất một người thừa kế được hưởng.
3. Hồ sơ, thủ tục và thời hạn khai di sản thừa kế
Sau khi đã tìm hiểu một số thông tin cơ bản về việc khai di sản thừa kế, dưới đây là hồ sơ, thời hạn cụ thể và thủ tục thực hiện quy trình này:
3.1. Hồ sơ
- Đơn yêu cầu công chứng.
- Giấy tờ cá nhân như Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người khai di sản thừa kế. Nếu có người thừa kế đã mất thì cần có thêm giấy tờ chứng minh tử vong như giấy chứng tử hay bản án của Tòa án…
- Giấy chứng tử của người để lại di sản đã mất.
- Giấy tờ liên quan đến di sản thừa kế như Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ tiết kiệm, Giấy đăng ký xe, cổ phiếu, cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh quyền sử hữu với những loại tài sản khác (nếu có).
- Di chúc hợp pháp của người đã mất (nếu có).
- Nếu có người thừa kế không thể tham gia giao dịch trực tiếp thì cần chuẩn bị thêm giấy ủy quyền cho người được ủy quyền. Đồng thời, người được ủy quyền cần phải có chứng minh nhân dân và hộ khẩu.
3.2. Thủ tục
Bước 1: Hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ như trên
Trong trường hợp các loại giấy tờ có yêu cầu bản sao, trước khi nhận văn bản khai di sản thừa kế đã được công chứng, cần phải mang theo bản chính để đối chiếu với bản sao.
Bước 2: Công chứng giấy tờ, văn bản khai di sản thừa kế
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và giấy tờ, Công chứng viên sẽ tiến hành xem xét và xác minh:
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ: Công chứng viên sẽ tiếp nhận, thụ lý vụ việc và ghi vào sổ công chứng.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ: Công chứng viên gửi thông báo hướng dẫn và yêu cầu bổ sung.
- Trường hợp hồ sơ không có cơ sở để giải quyết: Công chứng viên gửi thông báo giải thích lý do từ chối tiếp nhận.
Bước 3: Thụ lý văn bản khai nhận di sản thừa kế
Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, quy trình niêm yết sẽ được tổ chức hành nghề công chứng công khai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản thừa kế đã mất.
Nếu không thể xác định được địa chỉ thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú cuối cùng của người đó trong thời hạn 15 ngày.
Nội dung niêm yết cần nêu rõ được những điều như sau:
- Họ tên của người để lại di sản thừa kế.
- Họ tên của những người khai di sản thừa kế.
- Quan hệ của những người khai di sản thừa kế với người để lại di sản.
- Danh mục di sản thừa kế.
Đặc biệt, niêm yết cần phải nêu rõ điều sau đây:
“Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản, bỏ sót người thừa kế, di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó phải gửi cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện niêm yết”
Sau khi niêm yết được 15 ngày, UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận niêm yết. Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP, cần phải chú ý một số điều như sau:
- Trong trường hợp di sản có cả bất động sản và động sản, hoặc chỉ có bất động sản thì phải tiến hành niêm yết tại UBND nơi người để lại di sản thường trú và nơi có đất (nếu nơi có đất khác với địa chỉ thường trú của người đã mất).
- Trong trường hợp di sản chỉ có động sản và nơi thường trú/tạm trú cuối cùng của người để lại di sản không thuộc cùng một tỉnh thì có thể đề nghị UBND cấp xã nơi người để lại di sản thừa kế thường trú/tạm trú tiến hành niêm yết.
Bước 4: Hướng dẫn ký văn bản khai di sản thừa kế
Nếu không có khiếu nại gì về việc niêm yết thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành giải quyết hồ sơ:
- Trường hợp đã có dự thảo văn bản khai nhận: Công chứng viên sẽ tiến hành kiểm tra các nội dung có trong văn bản, để đảm bảo không có điều khoản nào vi phạm pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội…
- Trường hợp chưa có dự thảo văn bản khai nhận: Công chứng viên tiến hành soạn thảo theo đề nghị của người khai di sản thừa kế. Sau khi hoàn thành, người thừa kế sẽ đọc lại nội dung, nếu đồng ý thì sẽ được hướng dẫn ký vào văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Bước 5: Ký chứng nhận và gửi trả kết quả
Công chứng viên sẽ yêu cầu người thừa kế xuất trình đầy đủ bản chính của các loại giấy tờ nêu trên để đối chiếu, trước khi ký xác nhận vào Lời chứng và từng trang của văn bản khai nhận di sản này.
Sau khi ký chứng nhận sẽ tiến hành thu các loại phí như thù lao công chứng và các chi phí khác, đồng thời gửi trả Văn bản khai di sản cho người thừa kế.
3.3. Thời hạn
Thời hạn thực hiện công chứng được tính từ thời điểm nhận yêu cầu và thụ lý hồ sơ cho đến ngày trả kết quả.
Thời hạn này được nêu cụ thể tại khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng là 2 ngày làm việc. Tùy vào tính chất phức tạp của giao dịch và hợp đồng mà thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng sẽ không quá 10 ngày làm việc.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 43 của Luật Công chứng:
“Điều 43. Thời hạn công chứng
Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng. Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng.”
Khoản 3 Điều 57 của bộ luật này lại nêu rõ:
“Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản
Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.”
Như vậy, không tính thời gian niêm yết thì việc công chứng văn bản khai di sản thừa kế sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2 đến 10 ngày. Quy trình niêm yết văn bản tuân thủ theo Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, trong đó nêu rõ:
- Thời hạn niêm yết: 15 ngày.
- Cơ quan niêm yết: Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Nếu không xác định được thì lấy nơi tạm trú cuối cùng của người đó. Đặc biệt, trong trường hợp di sản là bất động sản thì cần phải niêm yết tại Ủy Ban Nhân Dân xã nơi có bất động sản.
- Người niêm yết: Tổ chức hành nghề công chứng.
- Nội dung được niêm yết: Họ tên của người để lại di sản, họ tên người khai di sản thừa kế, quan hệ của người khai di sản và người để lại di sản, danh mục tài sản thừa kế. Đồng thời phải ghi rõ nội dung: “Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.“
Căn cứ theo các quy định nêu trên, thời hạn giải quyết khai di sản thừa kế sẽ dao động trong khoảng từ 17-25 ngày.
4. Thẩm quyền công chứng văn bản khai di sản thừa kế
Căn cứ theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng, người yêu cầu công chứng có thể yêu cầu công chứng văn bản khai di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó, tổ chức hành nghề công chứng theo khoản 5 Điều 2 Luật Công chứng được quy định như sau:
- Phòng công chứng.
- Văn phòng công chứng.
5. Phí và thù lao công chứng văn bản khai di sản thừa kế
Người yêu cầu công chứng sẽ cần đóng hai khoản chi phí khi thực hiện công chứng, đó là phí công chứng và thù lao công chứng.
Phí công chứng sẽ được xác định theo giá trị tài sản, được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, tùy vào giá trị chẳng hạn như dưới 50 triệu đồng thì phí công chứng là 50.000 VNĐ, từ 50-100 triệu đồng thì phí công chứng là 100.000 VNĐ. Cụ thể như sau:
STT | Giá trị tài sản (hoặc giá trị giao dịch, hợp đồng) | Mức thu phí (VNĐ/trường hợp) |
1 | Dưới 50 triệu đồng | 50.000 |
2 | Từ 50 triệu đồng – 100 triệu đồng | 100.000 |
3 | Từ trên 100 triệu đồng – 01 tỷ đồng | 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
4 | Từ trên 01 tỷ đồng – 3 tỷ đồng | 01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng |
5 | Từ trên 03 tỷ đồng – 5 tỷ đồng | 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng |
6 | Từ trên 05 tỷ đồng – 10 tỷ đồng | 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng |
7 | Từ trên 10 tỷ đồng – 100 tỷ đồng | 5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng. |
8 | Trên 100 tỷ đồng | 32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp). |
6. Một số câu hỏi thường gặp
Bên cạnh những thông tin về thủ tục và hồ sơ khai di sản thừa kế nêu trên, dưới đây là một số câu hỏi mà Apolat Legal thường xuyên nhận được:
6.1. Khai di sản thừa kế ở đâu?
Sau khi người để lại di sản mất, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan cần làm thủ tục khai tử tại Uỷ Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người mất và tiến hành mở thừa kế.
Địa điểm mở thừa kế là nơi làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế, nơi Tòa án có thẩm quyền quyết định việc thừa kế theo di chúc hoặc pháp luật, cũng là nơi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các quyền và lợi ích của những người có liên quan. Địa điểm mở thừa kế được quy định tại Khoản 2 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.”
Quy trình khai di sản thừa kế sẽ được thực hiện tại văn phòng công chứng nơi có di sản, căn cứ theo Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Công chứng 2014 như sau:
“Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản
Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.”
6.2. Khi người để lại di sản qua đời sau người thừa kế, thì di sản sẽ được xử lý như thế nào?
Người thừa kế ở đây có thể là người thừa kế theo di chúc của người để lại di sản hoặc người thừa kế theo quy định của pháp luật.
Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế là các cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế, hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản mất. Nếu người thừa kế theo di chúc không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thời điểm và địa điểm mở thừa kế như sau:
Thời điểm mở thừa kế là khi người để lại di sản chết. Nếu Tòa án tuyên bố một người đã chết thì thời điểm mở thừa kế được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Dân sự. Địa điểm mở thừa kế được quy định là nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Trường hợp không xác định được địa chỉ thường trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế sẽ là nơi có toàn bộ di sản hoặc có phần lớn di sản.
Từ quy định trên, ta có thể hiểu người thừa kế nếu chết sau người để lại di sản, nhưng vẫn còn sống tại thời điểm mở thừa kế thì việc người thừa kế chết sau người để lại di sản sẽ không ảnh hưởng đến quyền thừa kế của họ (miễn là những người này không từ chối nhận di sản, hoặc nằm trong những trường hợp không được hưởng di sản thừa kế).
6.3. Đơn vị tư vấn khai di sản thừa kế
Quy trình khai di sản thừa kế tuy không quá phức tạp nhưng cũng bao hàm nhiều quy định liên quan đến pháp luật, yêu cầu bạn phải hiểu rõ để tránh các sai sót và rủi ro. Nếu không có đủ kiến thức chuyên ngành hoặc không có nhiều thời gian, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các công ty tư vấn khai di sản thừa kế để quy trình diễn ra nhanh chóng, đơn giản. Đừng quên lựa chọn những công ty uy tín, chất lượng như Apolat Legal để đảm bảo quy trình thực hiện chuyên nghiệp, tận tâm. Đến với Apolat Legal, bạn còn được đảm bảo những quyền lợi như sau:
- Được hỗ trợ nhanh chóng và báo phí sớm hơn so với những đơn vị khác trên thị trường.
- Chi phí dịch vụ phù hợp.
- Quy trình làm việc nhanh chóng và rõ ràng, tránh gây nhầm lẫn.
- Hỗ trợ khách hàng nhanh chóng trong quy trình sử dụng dịch vụ.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến thủ tục khai di sản thừa kế. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc gì, hoặc muốn liên hệ với luật sư để tư vấn quy trình khai nhận di sản thừa kế, đừng quên liên hệ ngay với Apolat Legal để được giải đáp thắc mắc đầy đủ và bận tâm.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Phone: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com