Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại - Apolat Legal

Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Ngày 08 tháng 7 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 55/2021/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại (sau đây gọi là “Thông tư 55/2021”) với một số nội dung đáng chú ý như sau: 

a. Nguyên tắc quản lý chi phí cưỡng chế 

Pháp nhân thương mại bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế và có trách nhiệm nộp toàn bộ chi phí cưỡng chế cho cơ quan ra quyết định cưỡng chế. 

b. Nội dung chi phí cưỡng chế 

  • Các chi phí cưỡng chế được căn cứ vào hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản bàn giao tài sản kê biên (đối với chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên), hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt; 
  • Chi phí bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thì mức chi cho người chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế thuộc cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế là 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế; mức chi cho người được huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế là 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế; 
    • Việc cấp phát chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. 

c. Quy định về quyết toán và hoàn trả tạm ứng chi phí cưỡng chế 

Khi kết thúc việc thi hành quyết định cưỡng chế, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt quyết toán chi phí cưỡng chế. Cơ quan ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt cho đối tượng bị cưỡng chế (trường hợp đối tượng bị cưỡng chế đã nộp chi phí cưỡng chế). Theo đó, hướng dẫn thi hành đối với một số trường hợp cụ thể như sau:

  • Trường hợp đã thực hiện tạm ứng chi phí cưỡng chế theo quy định, căn cứ quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan ra quyết định cưỡng chế có thông báo bằng văn bản về quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt gửi cho đối tượng bị cưỡng chế để nộp chi phí cưỡng chế (trong đó văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số tiền phải thanh toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu thanh toán bằng chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác); 
  • Trường hợp thu được tiền chi phí cưỡng chế từ tiền bán đấu giá tài sản theo quy định thì sau khi đã khấu trừ chi phí bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thực hiện hoàn trả chi phí cưỡng chế. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế đã thực hiện nộp chi phí cưỡng chế thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế trả lại số tiền chi phí cưỡng chế từ khoản thu bán đấu giá tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế; 
  • Trường hợp không có khả năng thu hồi chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế bị phá sản, giải thể mà không còn tiền, tài sản để nộp chi phí cưỡng chế thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế báo cáo người ra quyết định cưỡng chế.

Thông tư 55/2021 có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2021.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.