Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.(1)Tuy nhiên, hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức xem nhẹ việc góp vốn và chỉ đăng ký mức vốn tương trưng nhưng chỉ góp khi có nhu cầu sử dụng cho hoạt động công ty. Điều này dẫn đến nhiều hệ quả phát sinh. Bài viết này sẽ giúp các chủ doanh nghiệp, thành viên góp vốn, cổ đông thấy được tầm quan trọng của việc góp vốn đúng hạn cũng như giá trị pháp lý của việc góp vốn.
1. Ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông công ty
1.1 Đối với loại hình Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Trong trường hợp các thành viên góp vốn không góp hoặc góp không đủ số vốn đã cam kết thì sẽ bị xử lý như sau:(2)
- Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
- Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
- Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
Như vậy, nếu các thành viên không góp đủ vốn thì quyền hạn của thành viên sẽ bị thay đổi dựa trên số vốn thực góp của các thành viên. Trong trường hợp thành viên đăng ký với mức vốn cao, sở hữu trên 65% vốn điều lệ, có quyền biểu quyết đa số các vấn đề của Công ty. Tuy nhiên vì việc không góp đủ vốn đúng hạn dẫn đến số vốn đăng ký bị điều chỉnh tương ứng với số vốn thực góp làm thay đổi tỷ lệ vốn của các thành viên.
Để tránh xảy ra tình trạng này, các thành viên nên cân nhắc mức vốn phù hợp với năng lực tài chính để có thể đăng ký mức vốn phù hợp và đảm bảo góp đúng hạn như đã cam kết.
1.2 Đối với loại hình Công ty TNHH 1 thành viên
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ đã cam kết, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.(3)
Tuy nhiên, pháp luật không tước quyền chủ sở hữu trong trường hợp không góp vốn hoặc không góp đủ vốn mà chỉ quy định Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.(4)
Theo đó có thể thấy rằng, trường hợp chủ sở hữu không góp vốn hoặc không góp đủ vốn thì không ảnh hưởng đến quyền và Nghĩa vụ của chủ sở hữu. Chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm nếu có xảy ra thiệt hại hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ tài chính của công ty.
1.3 Đối với loại hình Công ty cổ phần
Trong trường hợp các cổ đông không góp hoặc góp không đủ số vốn đã cam kết thì sẽ bị xử lý như sau:(5)
- Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
- Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
- Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
Tương tự như đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, đối với công ty cổ phần, cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn quy định thì tỷ lệ vốn sẽ bị điều chỉnh tương ứng sau khi công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn và ảnh hưởng đến quyền của cổ đông nếu cổ đông không góp đủ vốn.
2. Xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp không điều chỉnh vốn điều lệ theo số vốn thực góp
Đối với các hành vi góp không đủ vốn nhưng không điều chỉnh vốn theo quy định của Luật Doanh Nghiệp hoặc chưa góp vốn nhưng thực hiện tăng vốn thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt đối với các hành vi sau:
- Vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp: trong trường hợp công ty chậm trễ trong việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ do các thành viên/chủ sở hữu/cổ đông không góp đủ vốn thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 VNĐ đến 30.000.000 VNĐ(6)
- Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn: mức phạt tiền từ 30.000.000 VNĐ đến 50.000.000 VNĐ và bị buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập.(7)
- Vi phạm về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: mức phạt tiền từ 20.000.000 VNĐ đến 30.000.000 VNĐ8. Hành vi này thường sẽ bị áp dụng xử phạt nếu trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp như thay đổi trụ sở, ngành nghề, đại diện pháp luật và ghi nhận trong Biên bản họp HĐTV, ĐHĐCĐ về việc đã góp đủ vốn nhưng trên thực tế chưa góp đủ thì sẽ bị áp dụng hành vi xử phạt này.
Có thể thấy rằng, mức phạt tối đa cho các hành vi góp không đủ vốn và không thực hiện việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ là 100.000.000 VNĐ. Đây không phải là mức phạt quá lớn và thường doanh nghiệp chỉ bị phạt khi tự nguyện thông báo đến cơ quan đăng ký doanh nghiệp hoặc bị thanh tra, kiểm tra. Điều này dẫn đến các chủ doanh nghiệp, thành viên, cổ đông xem nhẹ việc tuân thủ quy định pháp luật và chỉ khi có vấn đề nội bộ xảy ra thì sẽ tiến hành thực hiện thông báo điều chỉnh và nộp phạt vi phạm hành chính.
3. Tranh chấp nội bộ
Trường hợp, các thành viên, cổ đông không góp đủ vốn nhưng không tiến hành điều chỉnh mức vốn theo thực góp sẽ dễ dẫn đến tranh chấp nội bộ. Ví dụ 1 số thành viên/cổ đông không góp vốn, hoặc góp 1 phần nhỏ những vẫn tham gia vào quản lý công ty, vẫn muốn chia lợi nhuận theo đúng tỷ lệ vốn đã đăng ký, vẫn muốn tham gia cuộc dẫn đến các thành viên/cổ đông khác đã góp đủ hoặc góp nhiều hơn không hài lòng và dẫn đến tranh chấp.
Việc xảy ra tranh chấp nội bộ sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty, và tình huống xấu nhất phải khởi kiện để giải quyết hoặc tạm ngưng hoạt động công ty vì không thể giải quyết mâu thuẫn nội bộ.
Có thể thấy, việc không góp vốn hoặc không góp đủ vốn ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên, cổ đông đặc biệt có thể dẫn đến tranh chấp nội bộ.
Hiện tại, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về việc góp không đủ vốn hoặc không góp vốn nhưng vẫn không thực hiện thay đổi mức vốn. Do đó, các thành viên/ cổ đông, chủ sở hữu nên tuân thủ về thời hạn góp vốn để quá trình hoạt đông của công ty được ổn định và hạn chế những hậu quả phát sinh từ việc không góp đủ vốn.
(1) Điều 4.34 Luật Doanh Nghiệp 2020
(2) Điều 47.3 Luật Doanh Nghiệp 2020
(3) Điều 75.3 Luật Doanh Nghiệp 2020
(4) Điều 75.4 Luật Doanh Nghiệp 2020
(5) Điều 113.3 Luật Doanh Nghiệp 2020
(6) Điều 44 Nghị định 122/2021/NĐ-CP
(7) Điều 46.3 Nghị định 122/2021/NĐ-CP
(8) Điều 43 Nghị định 122/2021/NĐ-CP
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.