Điều Kiện Kinh Doanh Dịch Vụ Cầm Đồ Và Một Số Vấn Đề Thực Tiễn

1. Điều kiện an ninh, trật tự kinh doanh dịch vụ cầm đồ 

Kinh doanh dịch vụ cầm đồ gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố. Việc kinh doanh cơ sở dịch vụ cầm đồ không yêu cầu giấy phép hoạt động riêng biệt, tuy nhiên cần phải xin Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.  

Việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cần phải đáp ứng các yêu cầu luật định như sau: 

1.1 Cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định Pháp luật Việt Nam 

1.2 Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của tiệm cầm đồ không thuộc các đối tương sau đây: 

  • Đối với người Việt Nam:  
    • Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. 
    • Đã bị tạm giữ tiền án tiền sự tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc cố ý phạm tội có mức phạt tù từ 03 năm trở lên mà chưa được xóa án tích; hoặc được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; hoặc đang phục vụ cải tạo không giam giữ; hoặc đang bị quản lý, cấm cư trú, cấm giữ chức vụ, kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án;  
    • Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc tại cộng đồng; đang chờ quyết định xử phạt hành chính; nghiện ma túy; bị đình chỉ chấp hành quyết định chấp hành án tại cơ sở cải huấn, cơ sở cai nghiện; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa đủ thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; 
  • Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài: chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp phép cư trú  

1.3 Cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng đủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo pháp luật Việt Nam; 

2. Trình tự, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự 

2.1 Trình tự  

Cơ sở kinh doanh nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền. Tại một địa điểm kinh doanh có nhiều ngành, nghề khác nhau thuộc một cơ sở kinh doanh nhưng thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của nhiều cấp Công an thì nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền cao nhất.

Hồ sơ có thể nộp theo các hình thức sau đây (1) Nộp trực tiếp cho cơ quan Công an có thẩm quyền (2) Nộp qua dịch vụ bưu chính công ích (3) Nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (trừ các văn bản, giấy tờ không được phép đăng tải qua hệ thống mạng theo quy định của pháp luật). 

2.2 Hồ sơ

STT  TÊN VĂN BẢN 
Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh 
Bản sao một trong các tài liệu sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp có thu. 

Bản sao hợp lệ các giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa, gồm: 

  • Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
  • Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền trong quản lý về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh không thuộc quy định tại điểm a khoản 3 Điều này nhưng thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.  

Bản khai lý lịch kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh: 

  • Đối với người Việt Nam ở trong nước là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải có Bản khai lý lịch; Phiếu lý lịch tư pháp (trừ những người đang thuộc biên chế của lực lượng vũ trang).
  • Bản khai lý lịch của những người quy định tại điểm này nếu đang thuộc biên chế của lực lượng vũ trang thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quản lý (trừ cơ sở kinh doanh). 
  • Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài phải có Bản khai nhân sự kèm theo bản sao hợp lệ Hộ chiếu, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Thị thực còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam.
  • Đối với trường hợp một cơ sở kinh doanh có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Bản khai lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự trong hồ sơ áp dụng đối với người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. 

2.3 Thẩm quyền 

Công an cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

3. Các trách nhiệm mà cơ sở cầm đồ phải tuân thủ trong quá trình vận hành cơ sở cầm đồ: 

3.1 Kiểm tra giấy tờ tùy thân của người cầm đồ tại tiệm cầm đồ gồm: CMND hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân khác có ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp và còn giá trị sử dụng và lưu giữ một bản sao của nó ở hiệu cầm đồ. 

3.2 Lập hợp đồng cầm cố tài sản. 

3.3 Đối với tài sản cầm cố mà pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cầm đồ chỉ nhận tài sản đó nếu có giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp và bản gốc tài sản đó được lưu giữ tại tiệm cầm đồ trong thời gian tài sản được cầm cố.  

3.4 Trường hợp tài sản cầm cố thuộc quyền sở hữu của người thứ ba thì phải có văn bản ủy quyền hợp pháp của chủ sở hữu tài sản đó. 

3.5 Tài sản không rõ nguồn gốc hoặc có được từ hành vi trái pháp luật không được chấp nhận cầm cố. 

3.6 Lãi suất cho vay khi nhận tài sản cầm cố không vượt quá mức lãi suất quy định tại Bộ luật Dân sự. 

3.7 Có kho đủ điều kiện để bảo quản tài sản cầm cố. 

4. Thực tiễn  

4.1 Điều kiện về phòng cháy chữa cháy

Như đã nêu ra tại mục 2.2, các dự án, công trình thuộc danh mục Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP cần phải xin Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; còn cơ sở kinh doanh thuộc danh mục Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP cần phải xin Biên bản kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy tại cơ quan có thẩm quyền trong quản lý về phòng cháy và chữa cháy. 

Điều đáng nói là, cả Phụ lục V và Phụ lục I Nghị định 136/2020/NĐ-CP đều đang không ghi nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, điều này dẫn đến lúng túng trong việc xác định cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần xin Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy hay Biên bản kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy. Và dù là văn bản nào, thủ tục và trình tự xin cũng khá nhiêu khê và phúc tạp, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ.  

4.2 Nhập nhằng bản chất của cầm đồ 

Như định nghĩa về hoạt động kinh doanh của cơ sở cầm đồ, kinh doanh dịch vụ thực tế là hoạt động cầm cố tài sản để cho vay. Cầm cố, theo định nghĩa tại Bộ Luật Dân sự 2015, theo đó Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Điều này có nghĩa khách hàng cần phải mang tài sản đến để cơ sở cầm đồ kiểm tra và cho vay, tuy nhiên trên thực tế, luật lại không yêu cầu rằng người có tài sản cần phải mang tài sản đến để được vay tiền, cụ thể tại Điều 29 về trách nhiệm của cơ sở cầm đồ, thì không yêu cầu cơ sở đó phải cầm, giữ tài sản của khách hàng mà chỉ cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của người có tài sản mang đến cầm cố và kiểm tra giấy tờ hợp lệ của tài sản trong trường hợp tài sản có yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở cầm đồ chỉ cầm giữ giấy tờ của các tài sản mà không thực tế cầm giữ tài sản đó, chẳng hạn như Giấy chứng nhận đăng kiểm ô tô, Giấy đăng kiểm xe máy mà không thực tế giữ chiếc xe máy, xe ô tô đó. Điều này không thõa mãn bản chất của cầm cố, nhưng làm thuận tiện hơn rất nhiều quá trình kinh doanh của các cơ sở kinh doanh, làm hạn chế việc lưu kho và xảy ra các vấn đề trộm cắp, cháy nổ do lưu giữ hàng hóa.  

Apolat Legal tự hào là đơn vị cung cấp dịch vụ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự để đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ uy tín và chất lượng. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn đang có sự quan tâm, Apolat Legal rất vinh dự được tư vấn và đại diện cho khách hàng thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xin các giấy phép và giấy chứng nhận hỗ trợ hoạt động kinh doanh của quý doanh nghiệp. 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp & Đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.