1. Trường hợp nào cần phải điều chỉnh giấy phép xây dựng?
Căn cứ khoản 1 Điều 98 Luật Xây dựng 2014, trong quá trình xây dựng, trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung dưới đây thì chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng:
– Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
– Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính;
– Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
2. Hồ sơ cần chuẩn bị khi tiến hành điều chỉnh giấy phép xây dựng
Căn cứ khoản 2 Điều 51 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng bao gồm:
– Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng theo Mẫu số 02 Phụ lục II Nghị định này;
– Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp;
– 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng điều chỉnh triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng tương ứng theo quy định tại Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 46 hoặc Điều 47 Nghị định này;
– Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế xây dựng điều chỉnh (trừ nhà ở riêng lẻ) của chủ đầu tư, trong đó phải có nội dung về bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
3. Quy trình điều chỉnh giấy phép xây dựng
– Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ như đã đề cập.
– Bước 2. Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, cụ thể:
- Bộ phận một cửa cấp huyện đối với công trình, nhà ở riêng lẻ mà giấy phép xây dựng UBND cấp huyện cấp.
- Bộ phận một cửa cấp tỉnh (trung tâm hành chính công) đối với công trình mà giấy phép xây dựng do UBND cấp tỉnh cấp.
Lưu ý: Nếu địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ thì nộp trực tiếp tại cơ quan trước đây đã cấp giấy phép xây dựng.
– Bước 3. Tiếp nhận hồ sơ
- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa.
- Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
- Thời gian giải quyết: Trong thời gian 20 ngày đối với công trình, trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Bước 4. Trả kết quả
Xem thêm: Giá trị của chế tài bồi thường thiệt hại ấn định trước trong hợp đồng xây dựng tại đây.
4. Ai có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng
Tuỳ thuộc vào từng loại công trình mà thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng có sự khác biệt. Căn cứ khoản 4 Điều 103 Luật Xây dựng 2014, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng do mình cấp. Theo đó:
– Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp I, cấp II; công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử – văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng được xếp hạng; công trình trên các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp cho Sở Xây dựng, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cấp giấy phép xây dựng thuộc phạm vi quản lý, chức năng của các cơ quan này.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa thuộc địa bàn do mình quản lý, trừ các công trình xây dựng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Như vậy, các cơ quan nêu trên là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng do mình cấp.
Trong tình hình thay đổi không ngừng của xã hội và môi trường, việc điều chỉnh giấy phép xây dựng trở thành một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phù hợp và bền vững của các công trình xây dựng. Sự linh hoạt và khả năng thích ứng của quy trình này cho phép chúng ta điều chỉnh theo nhu cầu thực tế, đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Chính sự tôn trọng quy định pháp luật và trách nhiệm xã hội sẽ giúp chúng ta xây dựng một cộng đồng và một đô thị phát triển bền vững và hấp dẫn.
Trên hết, việc điều chỉnh giấy phép xây dựng là một quá trình không chỉ đơn thuần là sự thay đổi trên giấy tờ, mà còn là một sự thể hiện của sự tiến bộ và sự phát triển của xã hội. Chúng ta cần nhìn nhận và đối mặt với những thay đổi, và thông qua việc điều chỉnh giấy phép xây dựng, chúng ta có thể tạo ra một môi trường sống tốt hơn, một tương lai tươi sáng hơn cho chúng ta và các thế hệ sắp tới.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Xây dựng & cơ sở hạ tầng. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.