Giá trị của chế tài bồi thường thiệt hại ấn định trước trong hợp đồng xây dựng

Thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước là khái niệm không mới, đang ngày càng phổ biến và được các bên tham gia giao kết hợp đồng thương mại cân nhắc trên bàn đàm phán. Không ngoại lệ, bồi thường thiệt hại ấn định trước cũng được áp dụng thông dụng trong các hợp đồng xây dựng, đặc biệt trong những giao dịch có giá trị lớn và/hoặc thiệt hại của một bên là khó chứng minh thiệt hại thực tế và trực tiếp. Tuy nhiên, hiệu lực của điều khoản này chưa được công nhận cụ thể, rõ ràng trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ điểm qua một số quy định pháp luật đáng chú ý về chế tài bồi thường thiệt hại ấn định trước, thực tiễn áp dụng trong giải quyết tranh chấp tại Việt Nam cũng như giá trị áp dụng của loại chế tài này trong hợp đồng xây dựng nói riêng. 

Một số quy định đáng chú ý về chế tài bồi thường thiệt hại ấn định trước

Về nguyên tắc, bên vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng mà gây ra thiệt hại cho bên không vi phạm sẽ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại. Điều này được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự và có giá trị áp dụng trong hầu hết các quan hệ pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật chuyên ngành có quy định cụ thể. Theo quy định trên, có thể cho rằng các bên trong  quan hệ hợp đồng có quyền thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại. Về bản chất, quy định này có thể được xem như một dạng của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước. Tuy nhiên, các quy định về bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận của các bên như nêu trên không được Bộ luật Dân sự làm rõ. Bên cạnh đó, ngoài Luật thương mại, các luật chuyên ngành khác không quy định về điều kiện áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Vì vậy, các quy định chung tại Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại sẽ được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh các vấn đề liên quan. 

Theo quy định hiện hành, một bên chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên còn lại đối với những thiệt hại phát sinh khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: (i) có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, (ii) có thiệt hại, (iii) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp, có quan hệ nhân quả gây ra thiệt hại, (iv) người vi phạm nghĩa vụ là bên có lỗi, lỗi gây ra không do sự kiện bất khả kháng. Thiệt hại được bồi thường phải là thiệt hại thực tế và trực tiếp, bao gồm các khoản thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Có thể kể đến các thiệt hại vật chất được bồi thường do Bộ luật Dân sự công nhận bao gồm: (1) tổn thất về tài sản, (2) chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại, (3) thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Ngoài ra, trong quan hệ thương mại, Luật Thương mại còn công nhận thêm một số các thiệt hại được bồi thường gồm (4) Khoản lợi ích mà lẽ ra bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại được hưởng do hợp đồng mang lại; (5) Chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại. Dựa trên các quy định được đề cập, có thể thấy khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước không được xem là thiệt hại có thể được bồi thường do không phải là thiệt hại thực tế, phát sinh trực tiếp và có quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. 

Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Việt Nam liên quan đến thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước

Thực tiễn xét xử các tranh chấp tại Việt Nam cho thấy, hiện nay quan điểm xét xử của các cấp Tòa án tại Việt Nam là không đồng nhất. Đơn cử, đối với Quyết định giám đốc thẩm số 15/2016/KHTM-GĐT ngày 07/09/2016 của tòa án nhân dân tối cao về việc “Tranh chấp hợp đồng xây dựng” giữa Công ty cổ phần dịch vụ và kỹ thuật A (“Công ty A”) và Công ty B. Vào ngày 02/05/2007, giữa Công ty A và Công ty B hình thành hợp đồng cung cấp gói thầu 3B “Dịch vụ cơ điện”, trong đó Công ty B làm nhà thầu chính và Công ty A là nhà thầu phụ chịu trách nhiệm thi công. Quá trình thực hiện hợp đồng, , Công ty B cho rằng do Công ty A vi phạm tiến độ nên bị phạt 5% giá trị hợp đồng theo Phụ lục hợp đồng ghi nhận. Ở giai đoạn sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm đồng nhất với Tòa án cấp sơ thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, sau khi Bản án được xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lại cho rằng, điều khoản bồi thường thiệt hại do các bên ấn định trước bằng 5% giá trị hợp đồng có tính chất và được xem như một điều khoản phạt vi phạm. Theo đó, cần phải xác định được giá trị hợp đồng do Công ty A vi phạm để xác định chính xác số tiền phạt vi phạm mà Công ty A phải chi trả

Trong một vụ việc khác, tại Bản án số 22/2019/DS-PT ngày 06/03/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc “Tranh chấp hợp đồng xây dựng” giữa nguyên đơn là ông Cầm Văn Tr, bà Dương Thị D (“Ông Tr, Bà D”) và bị đơn là Công ty cổ phần xây dựng tuổi trẻ ĐV (“Công ty ĐV”). Theo Hợp đồng xây dựng ký ngày 02/10/2015, Công ty ĐV sẽ cung cấp dịch vụ xây dựng nhà ở tư nhân cho Ông Tr, Bà D. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty ĐV vi phạm tiến độ hoàn thành công việc. Do đó, trong nội dung khởi kiện Ông Tr, Bà D đã yêu cầu Tòa án xem xét buộc Công ty ĐV bồi thường thiệt hại do chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng từ ngày 24/01/2016 đến ngày 05/10/2016 là 287 ngày với số tiền là 1.450.000.000 đồng x 0.1 x 287 ngày = 416.000.000 đồng (đã làm tròn). Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Tr, Bà D về việc buộc Công ty ĐV bồi thường thiệt hại hợp đồng xây dựng với số tiền là 416.000.000 đồng. Tuy nhiên, Tòa án cấp Phúc thẩm nhận định rằng Công ty ĐV không những vi phạm tiến độ thực hiện mà còn vi phạm về chất lượng công trình. Do đó, Tòa án cấp Phúc thẩm chấp nhận yêu cầu buộc Công ty ĐV phải bồi thường thiệt hại hợp đồng với số tiền là 416.000.000 đồng cho Ông Tr, Bà D. 

Giá trị áp dụng của loại chế tài này trong hợp đồng xây dựng

Mặc dù các quy định pháp luật và quan điểm giải quyết chưa đồng nhất như nêu trên, thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước hiện nay là xu hướng và thường xuất hiện trong các hợp đồng xây dựng. Đặc biệt, là trong các điều khoản mẫu của hợp đồng xây dựng được soạn thảo bởi tổ chức Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) (sau đây gọi chung là “Hợp Đồng FIDIC”). Và, Hợp Đồng FIDIC cũng được Nhà nước Việt Nam khuyến khích áp dụng để ký kết trong các dự án xây dựng có nguồn vốn đầu tư nhà nước. Thông thường, một số điều khoản có tính chất tương đồng như khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước trong các hợp đồng xây dựng, như: (i) bên nhận thầu phải bồi thường cho chủ đầu tư (hoặc bên giao thầu) một số tiền cố định cho mỗi ngày chậm trễ nhân với tổng thời gian chậm trễ, hoặc (ii) phải bồi thường một số tiền cố định do các bên ấn định trước trong hợp đồng khi vi phạm về chất lượng công trình. 

Về nguyên tắc, một hợp đồng xây dựng có thể được điều chỉnh bởi Luật Xây dựng, Bộ luật Dân sự và kể cả Luật Thương mại do có thể được giao kết bởi các bên là thương nhân trong lĩnh vực xây dựng. Do vậy, các quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại nói chung và bồi thường thiệt hại ấn định trước mói riêng tại hợp đồng xây dựng cũng được điều chỉnh bởi 03 đạo luật trên. Và tất yếu, các quy định pháp luật về chế tài bồi thường thiệt hại ấn định trước và thực tiễn áp dụng trong công tác xét xử tại Việt Nam như trình bày tại các phần trên sẽ không ngoại lệ đối với thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước trong hợp đồng xây dựng. 

Có thể thấy, mặc dù thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước chưa được luật hóa cụ thể. Tuy nhiên, điều khoản này không hẳn là một điều khoản sẽ bị vô hiệu toàn phần theo pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, thỏa thuận này có giá trị như một khoản bảo đảm nghĩa vụ tương đối để các bên nghiêm túc thực hiện và tuân thủ thỏa thuận tại hợp đồng đã giao kết. Trường hợp một bên có hành vi vi phạm, điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước sẽ trở thành cơ sở để yêu cầu ngay lập tức bên vi phạm phải bồ thường. Bên cạnh đó, thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước tạo ra lợi thế về vị thế cho bên bị vi phạm trong việc thương lượng, hoặc là cơ sở để khởi động một vụ kiện tại cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền. Do đó, doanh nghiệp trong quan hệ hợp đồng thương mại, xây dựng hay hợp đồng khác có thể cân nhắc đề xuất điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước trong quá trình đàm phán, giao kết và thực hiện hợp đồng với đối tác. 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.