Có thể lập sàn giao dịch NFT (non-fungible token) tại Việt Nam?

1. Về quyền tài sản của NFT 

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh đối với NFT và việc mua bán NFT. Căn cứ theo quy định pháp luật chung, Điều 105 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Quyền tài sản theo quy định của Điều 115 BLDS 2015 là “quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. NFT là một mã thông báo (token) được thiết lập và lưu trữ trên nền tảng Blockchain thông qua hợp đồng thông minh (smart contract), mang chức năng xác minh, lưu trữ, ghi nhận sự tồn tại, một hoặc một số quyền của cá nhân đối với hình ảnh, video, âm thanh, văn bản… Căn cứ trên định nghĩa về quyền tài sản, NFT gắn hình ảnh, video, âm thanh, văn bản,… có thể xem là quyền trị giá được bằng tiền nên có thể được xem xét là tài sản về mặt kỹ thuật số và thực hiện mua bán như một tài sản thông thường. 

Hiện tại, hoạt động mua bán tài sản số có gắn NFT không bị cấm theo pháp luật Việt Nam nên về lý thuyết chỉ cần “tài sản số” đủ điều kiện để giao dịch (trong trường hợp này là sản phẩm đã được cấp quyền SHTT) thì “tài sản số có gắn NFT” cũng sẽ đủ điều kiện giao dịch mua bán. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa chính thức công nhận NFT là một loại tài sản cũng như chưa có văn bản hướng dẫn hoạt động mua bán NFT vẫn tồn tại trên thị trường Việt Nam. Vì vậy, việc mua bán NFT mang hình ảnh, video, văn bản,… vẫn có rủi ro về mặt pháp lý.  

Ngoài ra, NFT là mã truy xuất nguồn gốc để chứng minh bản sao tác phẩm đó là bản duy nhất được tạo ra gắn với mã NFT tương ứng. Tuy nhiên, quyền sở hữu tác phẩm số vẫn phải xác định theo nguyên tắc luật dân sự vì chẳng hạn như nếu tác phẩm số đó là bản số hóa của hình ảnh thì chỉ người đó (hoặc đơn vị có quyền sở hữu ảnh gốc do được cấp phép) mới là chủ sở hữu duy nhất của hình ảnh số. Đơn vị phát hành bản sao có gắn NFT nếu chưa được sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm gốc thì cho dù có gắn NFT thì sản phẩm gắn NFT đó vẫn không được xem là sản phẩm hợp pháp và người mua, do đó, sẽ không được công nhận quyền sở hữu. Vì vậy, NFT nên được hiểu là “mã truy xuất nguồn gốc” hơn là “giấy chứng nhận quyền sở hữu”

2. Sàn giao dịch NFT tại Việt Nam  

Sàn giao dịch NFT là một nền tảng trực tuyến hoặc một hệ thống được thiết kế để cho phép người dùng mua, bán và trao đổi các tài sản kỹ thuật số phi tương đồng (non-fungible). Các sàn giao dịch NFT cung cấp một nền tảng để người dùng có thể thực hiện các giao dịch liên quan đến các tài sản kỹ thuật số độc đáo như hình ảnh, video, âm nhạc,…và nhiều hơn nữa. Trên các sàn này, người dùng có thể mua, bán, đấu giá, hoặc thậm chí là tạo ra và phân phối các token NFT để đầu tư, sưu tầm, hoặc trải nghiệm nội dung số. 

Hiện tại ở Việt Nam chưa có sàn giao dịch NFT nào, để giao dịch NFT trên các sàn thì người dùng phải có ví tiền điện tử chứa loại tiền điện tử được sử dụng để thanh toán trên sàn đó. Do đó, việc thành lập một sàn giao dịch NFT khác hoàn toàn với việc thành lập một sàn thương mại điện tử thông thường như Shopee, Lazada, Tiki… Một số vấn đề pháp lý đặt ra đối với sàn giao dịch NFT như sau: 

  • Quy định về tài sản kỹ thuật số: Pháp luật hiện hành ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về NFT và tài sản kỹ thuật số. Do đó, việc cấp phép sàn thương mại điện tử sẽ ngặp trở ngại do thiếu quy định pháp luật điều chỉnh.  
  • Vấn đề về bản quyền và quyền sở hữu: Khi giao dịch NFT các bên liên quan cần xác thực về bản quyền và quyền sở hữu của tác phẩm được NFT hóa. Cần phải đảm bảo rằng các giao dịch NFT được thực hiện hợp pháp và tuân thủ các quy định về bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ. 
  • Quy định về tiền tệ và thuế: Hiện tại NFT được giao dịch bằng ví tiền điện tử, trong khi tiền điện tử không được công nhận ở Việt Nam. Nếu các bên muốn thanh toán bằng ví điện tử đối với đồng tiền Việt Nam thì phải thành lập doanh nghiệp Việt Nam và được cấp phép hoạt động hợp pháp. Ngoài ra, thuế áp dụng cho giao dịch NFT, bao gồm quy định về thuế thu nhập cá nhân hoặc doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác cũng là một vấn đề chưa có quy định. 
  • Luật giao dịch điện tử: Các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng các giao dịch NFT trên sàn của họ được xác thực đúng cách, chứng thực các giao dịch trực tuyến đó theo quy định. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch NFT cần có các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để đảm bảo an toàn cho dữ liệu và tài sản kỹ thuật số của người dùng tránh khỏi các hacker và các mối đe doạ về an ninh mạng khác.  

Theo đó, việc lập sàn giao dịch NFT tại Việt Nam đối mặt nhiều thách thức về pháp lý và quản lý mà phải có lời giản cho các vấn đề trên thì sàn giao dịch NFT mới có khả năng được cấp phép hoạt động. 

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.