Chính Phủ nâng mức trần chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp

1| Một số điểm mới của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của Người nước ngoài tại Việt Nam

Vào ngày 25 tháng 11 năm 2019, Quốc Hội đã ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của Người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Theo quy định tại Luật này, hình thức và giá trị sử dụng của thị thực có 1 số điểm mà nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý như sau:

Đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ được cấp thị thực ĐT gồm 1 trong các loại sau đây:

  • ĐT1 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định – Thời hạn: không quá 05 năm.
  • ĐT2 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định – Thời hạn: không quá 05 năm.
  • ĐT3 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng – Thời hạn: không quá 03 năm.
  • ĐT4 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng – Thời hạn: không quá 12 tháng.

Đối với người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc sẽ được cấp thị thực một trong 2 loại sau:

  • LĐ1 – Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác – Thời hạn: không quá 02 năm.
  • LĐ2 – Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động – Thời hạn” không quá 02 năm.

2| Quy định mới về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt

Vào ngày 13 tháng 6 năm 2019, Quốc Hội đã ban hành Luật Quản Lý Thuế, có hiệu thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 thì người nộp thuế có thể được xóa tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trong các trường hợp sau:

(i) Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

(ii) Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

(iii) Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại mục 1, mục 2 mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế “Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề” và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

(iv) Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo trường hợp này trước khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa.

(v) Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất, kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

3| Chính Phủ nới rộng mức trần chi phí lãi vay đối với Doanh Nghiệp

Vào ngày 24 tháng 6 năm 2020, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với Doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 06 năm 2020. Theo Nghị định 68/2020 thì Chính Phủ đã nới rộng mức trần chi phí lãi vay và cách tính chi phí lãi vay đối với Doanh Nghiệp, cụ thể như sau:

  • Chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp được tính sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay. Quy định này nới rộng hơn so với quy định tại Nghị định 20/2017 (chi phí lãi vay gồm cả lãi tiền gửi và lãi cho vay). 
  • Mức trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong kỳ được nâng lên từ không vượt quá 20% (theo quy định tại nghị định 20/2017) lên đến không vượt quá 30% của của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
  • Ngoài ra, Nghị định 68/2020 quy định thêm về phần chi phí lãi vay không được trừ (do vượt mức 30% trở lên) sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơnmức 30% nếu trên. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

Tuy nhiên, quy định này lại không áp dụng các khoản vay mà người nộp thuế là:

  • Tổ chức tín dung;
  • Tổ chức kinh doanh bảo hiểm;
  • Các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
  • Các khoản vay ưu đãi của Chính phủ;
  • Các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia;
  • Các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước.

Hơn nữa, Nghị định 68/2020 còn quy định việc áp dụng quy định mới này tại kỳ tính thuế năm 2019 và cả hồi tố cho kỳ tính thuế năm 2017 và năm 2018. Cụ thể Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, năm 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 01 tháng 01 năm 2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế thu nhập doanh nghiệp giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).

Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 không đủ bù trừ hết thì phần còn lại được bù trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.

Tải Cập nhật pháp lý tại đây.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.