Các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy đối với nhân sự công ty - Apolat Legal

Các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy đối với nhân sự công ty

Một trong những nghĩa vụ mà doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý khi kinh doanh tại cơ sở là tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy (“PCCC”). Các công ty phải đảm bảo cơ sở hoạt động được phê duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy, lắp đặt các trang thiết bị chữa cháy đúng với quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Các doanh nghiệp cần lưu ý ngoài việc đảm bảo cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, các chủ công ty còn phải đảm bảo lực lượng nhân viên của công ty cũng phải đạt các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Vậy các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy đối với nhân sự công ty gồm những gì? 

1. Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy

Theo Điều 33.1 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các nhóm đối tượng trong doanh nghiệp phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy gồm: 

  • Người có chức danh chỉ huy chữa cháy. Trong trường hợp xảy ra cháy nhưng lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp thì người chỉ huy chữa cháy là người đứng đầu cơ sở; trường hợp người đứng đầu cơ sở vắng mặt thì đội trưởng đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy (Điều 37.2 Luật PCCC 2001); 
  • Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở; 
  • Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành (nếu quy định pháp luật yêu cầu cơ sở phải thành lập đội); 
  • Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (Phụ lục II Nghị định 136/2020/NĐ-CP); 
  • Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;  
  • Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở do ủy ban nhân dân cấp xã quản lý về PCCC (Phụ lục IV Nghị định 136/2020/NĐ-CP).  

Khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy, các nhân sự doanh nghiệp sẽ được đào tạo về các hạng mục sau (Điều 33.2 Nghị định 136/2020/NĐ-CP):  

  • Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng; 
  • Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; 
  • Biện pháp phòng cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy;  
  • Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; 
  • Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy; 
  • Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy. 

Sau khi nhân sự hoàn thành chương trình huấn luyện và có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy. Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy do Cục Cảnh sát PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện cấp và có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. Hết thời hạn này, nhân sự phải huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận mới (Điều 33.12.c và Điều 33.13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP).  

2. Thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở 

Theo Điều 31.1 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và trực tiếp duy trì hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách. 

Người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm quyết định ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở (Điều 31.2 Nghị định 136/2020/NĐ-CP). 

Theo Điều 31.3 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, số lượng thành viên tối thiểu của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở sẽ phụ thuộc vào số lượng nhân sự làm việc thường xuyên tại cơ sở và thiết kế cơ sở, ví dụ: cơ sở có từ 10 người đến 50 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 10 người, trong đó có 01 đội trưởng. 

Theo Điều 45 Luật PCCC 2001, nhiệm vụ của lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở là:   

  • Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy. 
  • Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy. 
  • Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy. 
  • Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy. 
  • Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh Nghiệp và Đầu Tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.