1. Biện pháp khẩn cấp tạm thời là gì?
Biện pháp khẩn cấp tạm thời là những biện pháp được Tòa án quyết định áp dụng khi giải quyết vụ án tố tụng dân sự nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ sức khỏe, tài sản, tính mạng, bảo vệ chứng cứ, thu thập chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục, đảm bảo cho việc thi hành án hoặc giải quyết vụ án.
2. Đặc trưng của biện pháp khẩn cấp tạm thời
Đặc trưng của biện pháp khẩn cấp tạm thời so với những biện pháp khác là tính khẩn cấp và tính tạm thời. Cụ thể:
- Tính khẩn cấp: Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được thể hiện bằng việc Toà án ra quyết định áp dụng ngay lập tức và quyết định này sẽ được thi hành ngay sau khi Toà án đã quyết định áp dụng. Nếu không thực hiện biện pháp khẩn cấp, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Tính tạm thời: Các biện pháp này không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề mà các đương sự đang đối mặt. Chúng được áp dụng tạm thời để đáp ứng các yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập và bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện tại để tránh thiệt hại không thể khắc phục được, và đảm bảo quá trình giải quyết vụ án hoặc thi hành án.
3. Quyền yêu cầu sử dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
2.1. Trường hợp đang giải quyết vụ án
Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 111, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 và Điều 2 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án nếu gặp những trường hợp sau:
- Tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết mà cần thiết phải giải quyết ngay. Nếu chậm trễ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe, đời sống, tài sản, danh dự, nhân phẩm của đương sự.
- Thu thập, bảo vệ chứng cứ liên quan của vụ án đang được Tòa án thụ lý trong trường hợp đương sự gây cản trở, tác động xấu đến việc thu thập chứng cứ hoặc đang tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy chứng cứ dẫn đến sau này khó có thể thu thập lại được.
- Bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được; tức là bảo toàn đối tượng, mối quan hệ liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa giải quyết.
- Đảm bảo việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án. Tức là làm chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án và có đủ điều kiện để thi hành án khi bản án, quyết định của Toàn được thi hành.
2.2. Tình thế khẩn cấp
Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 111, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 và Điều 3 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp trong trường hợp tình thế khẩn cấp cần bảo vệ chứng cứ, ngăn chặn hiệu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Đồng thời nộp đơn khởi kiện nếu có một trong những căn cứ dưới đây:
- Tình thế khẩn cấp cần được giải quyết ngay, không thể chờ đợi hay chậm trễ.
- Cần bảo vệ chứng cứ với trường hợp nguồn chứng cứ có thể đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc khó có thể thu thập được sau này.
- Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (về vật chất hoặc tinh thần).
2.3. Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 111, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 và Điều 5 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP, Tòa án sẽ tự ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu có đủ các điều kiện như sau:
- Việc áp dụng này liên quan trực tiếp đến vụ án đang giải quyết.
- Việc áp dụng này thực sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp bách.
- Đương sự không thực hiện làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì có trở ngại khách quan hoặc lý do chính đáng.
4. Tham khảo 17 biện pháp khẩn cấp tạm thời
Theo quy định tại Điều 114, 133 của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì có 17 biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
STT | Biện pháp khẩn cấp tạm thời | Điều kiện áp dụng |
1 | Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. | Áp dụng khi việc giải quyết vụ án liên quan trực tiếp đến những đối tượng này nhưng họ chưa có người giám hộ.
Nếu giao người vị thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của cá nhân đó. |
2 | Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng. | Áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng. Mặt khác yêu cầu này là có căn cứ và nếu không thực hiện nay sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người được cấp dưỡng. |
3 | Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm. | Áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường do sức khỏe hay tính mạng bị xâm phạm. |
4 | Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. | Áp dụng để giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về lương, bảo hiểm, trợ cấp, bồi thường, chăm sóc sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật. |
5 | Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động. | Áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải người lao động không thuộc diện người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động theo quy định của pháp luật. |
6 | Kê biên tài sản đang tranh chấp. | Áp dụng nếu trong khi giải quyết vụ án thì có căn cứ chứng minh người giữ tài sản đang tranh chấp có hành động hủy hoại hoặc tẩu tán tài sản. |
7 | Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. | Áp dụng nếu có căn cứ chứng minh người đang giữ hoặc chiếm hữu tài sản đang tranh chấp đang có hành động chuyển dịch quyền sở hữu tài sản đang tranh chấp cho đối tượng khác. |
8 | Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. | Áp dụng nếu có căn cứ chứng minh người đang giữ hoặc chiếm hữu tài sản đang tranh chấp có hành động lắp ghép, xây dựng, tháo gỡ hoặc những hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó. |
9 | Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác. | Áp dụng nếu có tài sản đang tranh chấp hoặc liên quan đến tranh chấp mà có hoa màu, sản phẩm hoặc hàng hóa khác đang trong thời kỳ thu hoạch không để được lâu hoặc không thể bảo quản được lâu dài. |
10 | Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ. | Áp dụng nếu có căn cứ chứng minh người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ tại ngân hàng, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng khác và việc áp dụng này là cần thiết để giải quyết vụ án và thi hành án. |
11 | Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ. | Áp dụng nếu có căn cứ chứng minh người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng này là cần thiết để giải quyết vụ án và thi hành án. |
12 | Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định. | Áp dụng nếu có căn cứ chứng minh đương sự hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan khác thực hiện hoặc không thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền & lợi ích hợp pháp của người có liên quan đến vụ án đang được giải quyết. |
13 | Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ. | Áp dụng nếu có căn cứ chứng minh việc giải quyết vụ án liên quan đến nghĩa vụ của người bị cấm xuất cảnh đối với Nhà nước, cá nhân, tổ chức, cơ quan khác. Đồng thời việc xuất cảnh của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền & lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan khác hoặc để đảm bảo thi hành án. |
14 | Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình. | Áp dụng nếu đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự của nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật. |
15 | Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu. | Áp dụng nếu đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng theo quy định của pháp luật. |
16 | Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án. |
|
17 | Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định. | Ngoài các biện pháp khẩn cấp nêu trên Tòa án có trách nhiệm giải quyết những yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác do luật khác quy định. |
5. Thủ tục thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời
Căn cứ vào Điều 133 của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, thủ tục thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định như sau:
“Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:
- a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
- b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- d) Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
đ) Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- e) Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
- Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được giải quyết như sau:
- a) Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 của Bộ luật này thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu;
- b) Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Nếu chấp nhận thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 của Bộ luật này. Việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng người yêu cầu phải xuất trình chứng cứ về việc đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án; nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay tại phòng xử án và ghi vào biên bản phiên tòa.
- Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.
- Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 114 của Bộ luật này thì chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện.”
Trên đây là một số chia sẻ của Apolat Legal về biện pháp khẩn cấp tạm thời và cách yêu cầu áp dụng chúng. Nếu bạn còn thắc mắc gì khác về nội dung này thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn chi tiết hơn nhé.
Thông tin liên hệ:
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Điện thoại: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.