Ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế - Apolat Legal

Ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

1. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117/2020NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế 

Vào ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt chú ý đến lĩnh vực rượu, bia, thuốc lá, với 12 Điều quy định chi tiết xử phạt các hành vi vi phạm.

Theo đó, vi phạm quy định về địa điểm hút thuốc là có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền lên đến 10.000.000 đồng. Hành vi không có biển báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và có thể áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện phát khắc phục hậu quả. Hành vi vi phạm về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá bị phạt tiền lên đến 40.000.000 đồng, đồng thời áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khác phục hậu quả.

Đối với lĩnh vực rượu, bia, quy định về hình phạt các hành vi sử dụng, bán, khuyến mãi, quảng cáo,… Theo đó, uống rượu, bia khi từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi là vi phạm pháp luật và có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng. Việc bán rượu, bia tại địa điểm không được phép bán cũng là vi phạm và có thể bị phạt lên đến 10.000.000 đồng. Khi không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người lái xe uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông, chủ xe có thể bị phạt tiền đến 10 triệu đồng…

Nghị định 117/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.

2. Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 4757/BXD-QLN ngày 01/10/2020 trả lời kiến nghị của các cử tri Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan và chế tài xử lý việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày 

Trong Công văn số 4757/BXD-QLN ngày 1/10/2020, Bộ Xây dựng nêu rõ, theo Luật Nhà ở 2014, Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm; đồng thời tại Điều 6 của Luật Nhà ở 2014 cũng đã quy định nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Tại Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng của nhà chung cư; thực hiện các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 6 của Luật Nhà ở.

Như vậy, theo quy định pháp luật về nhà ở, hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị cấm.

Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Tại Điều 48 và Điều 49 Quy chế 02 đã có quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp phường, quận trong việc giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở.

3. Thời hạn cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài rút ngắn còn 17 ngày làm việc

Vào ngày 07/10/2020, Sở Tư pháp và Sở Lao động Thương bình và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết kế hoạch liên tịch về cải cách thủ tục hành chính của hai cơ quan.

Trước đó, vào ngày 07/7/2020, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định ban hành quy chế thực hiện liên thông nhóm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại TP. HCM.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính liên thông. Sở Tư pháp TP.HCM tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP do Sở LĐ-TB&XH chuyển đến.

Trong thời hạn không quá 17 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ), Sở LĐ-TB&XH trả kết quả cho người nộp hồ sơ (bao gồm phiếu LLTP và giấy phép lao động). Thời hạn này trước kia là 20 ngày.

Quy chế này góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Ngoài ra còn bảo đảm tính kịp thời, chính xác, thống nhất của các thông tin về nhân thân của cá nhân, hạn chế việc gây phiền hà, khó khăn cho người dân; đồng thời góp phần xóa bỏ các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tải Cập nhật pháp lý tại đây.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.