Tổng Quan Về Phạt Vi Phạm Hợp Đồng (phần 3)

Xung đột pháp luật không phải là vấn đề mới, đặc biệt là trong hệ thống pháp luật năng động như Việt Nam. Xung đột pháp luật thường đề cập đến một vấn đề chịu sự điều chỉnh của hai hoặc nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Trong đó, các văn bản pháp luật này có thể đưa ra những hướng dẫn hoặc quy định trái ngược nhau. Sự xung đột pháp luật liên quan đến phạt hợp đồng là một ví dụ điển hình.

Xem thêm: Tổng Quan Về Phạt Vi Phạm Hợp Đồng (phần 2).

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vấn đề phạt hợp đồng chịu sự điều chỉnh của ba văn bản pháp luật là Bộ luật Dân sự 2015, Luật thương mại 2005 và Luật Xây dựng 2014. Để hiểu rõ hơn về các quy định liên quan đến phạt vi phạm theo hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, vui lòng xem các bài viết trước của tác giả, cụ thể là “Khái quát và Điều kiện áp dụng Thỏa thuận Phạt Vi Phạm Hợp đồng” và “Mức phạt vi phạm và các xác định mức phạt vi phạm trong thực tiễn”.

Phạt vi phạm hợp đồng và sự xung đột

Về phạt hợp đồng, tất cả các văn bản pháp luật đã đề cập ở trên đều thống nhất rằng phạt vi phạm hợp đồng chỉ được áp dụng khi có thỏa thuận bằng văn bản. Theo đó, các bên có quyền thương lượng về mức phạt hợp đồng sẽ áp dụng trong giao dịch giữa các bên. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật đó lại đưa ra các hướng dẫn khác nhau về giới hạn của mức phạt vi phạm hợp đồng. Trong khi Bộ luật Dân sự cho phép các bên thỏa thuận về mức phạt vi phạm hợp đồng không bị giới hạn, thì Luật Thương mại và Luật Xây dựng lại đưa ra một mức giới hạn cho phạt vi phạm hợp đồng, lần lượt là 8% và 12%.

Ngoài sự khác biệt về mức giới hạn cho phạt vi phạm hợp đồng, Luật Xây dựng cũng đưa ra quy định về công trình xây dựng nào sẽ phải tuân thủ quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng, mức phạt vi phạm hợp đồng không được vượt quá 12% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm đối với công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Nói cách khác, mặc dù phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng là bao gồm tất cả các quan hệ xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng chỉ công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước mới bị giới hạn về mức phạt vi phạm hợp đồng. 

Tuy nhiên, Luật Xây dựng lại không có hướng dẫn cụ thể nào về mức phạt hợp đồng tối đa đối với công trình xây dựng thương mại mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đối chiếu với Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại, các văn bản pháp luật này không có sự phân biệt nào về chủ thể chịu phạt vi phạm hợp đồng. Do đó, sự phân biệt như vậy giữa các công trình xây dựng theo Luật Xây dựng đã dẫn đến câu hỏi rằng liệu công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước thì phải chịu sự điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự hay Luật Thương mại về mức phạt vi phạm hợp đồng. Ví dụ, nếu cả hai bên trong quan hệ xây dựng không sử dụng vốn nhà nước đều là pháp nhân thương mại chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại, thì liệu rằng mức phạt vi phạm hợp đồng sẽ bị giới hạn ở mức tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm theo Điều 301 Luật Thương mại 2005 hay sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên mà không có bất kỳ giới hạn nào theo Bộ luật Dân sự?

Trong nhiều năm, đây vẫn là một vấn đề đáng chú ý và nhận được nhiều sự quan tâm. Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta cần phải làm rõ “vùng xám” của pháp luật, vốn là tiền đề cho nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong ngành luật. Đó là xung đột pháp luật về phạm vi điều chỉnh.

Xung đột pháp luật về phạm vi điều chỉnh

Bộ luật Dân sự được mệnh danh là “anh cả” trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bởi lẽ Bộ luật này điều chỉnh tất cả các quan hệ dân sự tại Việt Nam. Bộ luật đưa ra một định nghĩa khá rộng và tổng quát về quan hệ dân sự, theo đó cho phép Bộ luật này có thể điều chỉnh hầu hết các giao dịch thuộc thẩm quyền của pháp luật Việt Nam.

Ngược lại, cả Luật Thương mại và Luật Xây dựng đều được coi là luật chuyên ngành và chỉ điều chỉnh một đối tượng nhất định, lần lượt là quan hệ thương mại và quan hệ xây dựng. Cụ thể, Luật Thương mại điều chỉnh tất cả các quan hệ/hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam hoặc các quan hệ mà ít nhất một trong các bên là thương nhân. Trong khi đó, Luật Xây dựng điều chỉnh tất cả các quan hệ/hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

Trên thực tế, các luật trên hiếm khi xung đột trực tiếp với nhau. Điều này có thể được cho là nhờ vào nguyên tắc giải quyết xung đột giữa luật chung và luật chuyên ngành được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Về mặt lý thuyết, khái niệm của nguyên tắc này là: nếu có sự khác biệt giữa các bộ luật/luật liên quan đến một vấn đề cụ thể nào đó thì các luật chuyên ngành về vấn đề đó sẽ được ưu tiên áp dụng, với điều kiện là các quy định của pháp luật chuyên ngành được áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự. Nếu không, luật chung sẽ được ưu tiên. 

Cụm từ “luật chung” không chỉ đề cập đến Bộ luật Dân sự mà còn đề cập đến Luật Thương mại. Mặc dù Luật Thương mại được coi là luật chuyên ngành, nhưng dưới góc độ của các luật chuyên ngành khác, Luật Thương mại vẫn có thể được coi là luật chung. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 4 Luật Thương mại, trường hợp hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành đó. Vì vậy, trong trường hợp một vấn đề thuộc đối tượng điều chỉnh của cả Luật Thương mại và các luật chuyên ngành khác thì quy định của các luật chuyên ngành khác đó sẽ được ưu tiên áp dụng. Trong trường hợp này, Luật Thương mại được xem là luật chung.

Hơn nữa, Luật Thương mại cũng quy định rằng nếu hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và luật chuyên ngành khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng nếu một vấn đề thuộc đối tượng điều chỉnh của cả Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và Luật Xây dựng thì khi đó, các nguyên tắc về trình tự áp dụng giữa các luật này như sau:

  1. Nếu vấn đề được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Xây dựng thì quy định của Luật Xây dựng sẽ được ưu tiên áp dụng;
  2. Nếu vấn đề không được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Xây dựng thì quy định của Luật Thương mại sẽ được ưu tiên áp dụng;
  3. Nếu vấn đề không được điều chỉnh bởi cả quy định của Luật Xây dựng và Luật Thương mại thì quy định của Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng.

Với nguyên tắc nhất quán như trên, việc phân biệt về phạm vi điều chỉnh giữa các luật này tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, trên thực tế, trình tự này dường như không được áp dụng rõ ràng như vậy. 

Thực tiễn và quan điểm của Tòa án

Đối với việc phạt vi phạm hợp đồng, tất cả các văn bản pháp luật nêu trên đều có quy định riêng. Theo các nguyên tắc về trình tự áp dụng đã đề cập ở trên, nếu một vấn đề /quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của cả ba văn bản pháp luật đó thì Luật Xây dựng sẽ được ưu tiên áp dụng hơn so với Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự. Luật Thương mại sẽ được ưu tiên áp dụng hơn so với Bộ luật Dân sự. Trường hợp nếu Luật Xây dựng không đưa ra bất kỳ hướng dẫn hoặc quy định nào về vấn đề /quan hệ pháp luật đó thì sẽ được điều chỉnh bởi các quy định liên quan của Luật Thương mại. Nếu cả Luật Thương mại và Luật Xây dựng không đề cập đến vấn đề/quan hệ pháp luật đó thì Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng.

Như vậy, theo nguyên tắc này, trong trường hợp Luật Xây dựng không có quy định về phạt vi phạm hợp đồng đối với công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước thì sẽ áp dụng quy định của Luật Thương mại về phạt theo hợp đồng. Do đó, mức phạt vi phạm hợp đồng đối với công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước sẽ phải bị giới hạn ở mức tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm theo Điều 301 Luật Thương mại 2005.

Tuy nhiên, theo quyết định giám đốc thẩm số 12/2019/KDTM-GĐT của Tòa án nhân dân Tối cao Việt Nam liên quan đến tranh chấp giữa hai pháp nhân thương mại về hợp đồng xây dựng, Hội đồng Thẩm phán của Tòa án nhân dân Tối cao nhận định: “Luật Xây dựng với tư cách là luật chuyên ngành điều chỉnh hợp đồng xây dựng sẽ được ưu tiên áp dụng cho hợp đồng xây dựng trong trường hợp này. Trường hợp Luật Xây dựng không có quy định nào liên quan thì các quy định của Bộ luật Dân sự sẽ được ưu tiên áp dụng thay cho Luật Thương mại”. Theo đó, trong vụ việc này, Hội đồng Thẩm phán đã bác bỏ quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao về việc áp dụng Luật Thương mại để giải quyết tranh chấp về hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán của Tòa án nhân dân Tối cao lại không đưa ra bất kỳ sự giải thích nào cho quyết định trên. Ngoài ra, trước khi quyết định Giám đốc thẩm trên được ban hành, Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến tương tự với Hội đồng Thẩm phán bằng Công văn phản hồi số 48/BXD-KTXD ngày 03/09/2019 rằng Bộ luật Dân sự sẽ được ưu tiên áp dụng thay vì Luật Thương mại liên quan đến phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng.

Theo quan điểm của tác giả, lý do đằng sau các quyết định trên có thể là vì Luật Xây dựng định nghĩa hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự. Điều này được thể hiện cụ thể qua quy định tại khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng: Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Quy định này của Luật Xây dựng đã bỏ qua nguyên tắc giải quyết xung đột giữa luật chung và luật chuyên ngành để chỉ định Bộ luật Dân sự cho việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng thay cho Luật Thương mại.

Kết luận

Xung đột pháp luật là một thực trạng không mới trong hệ thống pháp luật. Nhiều nguyên tắc về trình tự áp dụng giữa các văn bản pháp luật đã được ban hành để giải quyết các xung đột pháp luật này. Tại Việt Nam, một trong những nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật nổi bật là nguyên tắc về trình tự áp dụng giữa các luật chung và luật riêng.

Mặc dù về mặt lý thuyết, nguyên tắc về trình tự áp dụng giữa các luật chung và luật riêng là khá rõ ràng, nhưng nguyên tắc này trên thực tế lại không được áp dụng cho toàn bộ vấn đề. Một ngoại lệ của nguyên tắc này được cho là khi luật chuyên ngành chỉ định trực tiếp một luật khác làm luật điều chỉnh thay vì tuân thủ theo trình tự của nguyên tắc. Trong đó, vấn đề về phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng là một ví dụ điển hình. Theo đó, nguyên tắc này đã được dễ dàng loại bỏ khi Luật Xây dựng chỉ định Bộ luật Dân sự là luật điều chỉnh thay cho Luật Thương mại

Hay nói cách khác, mức phạt vi phạm hợp đồng sẽ bị giới hạn tại 12% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, sẽ không có giới hạn nào cho phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn nhà nước. Tóm lại, đối với hợp đồng xây dựng, trình tự áp dụng về luật điều chỉnh sẽ lần lượt là Luật Xây dựng, Bộ luật Dân sự, và cuối cùng là Luật Thương mại.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.