Thỏa thuận cổ đông trong giao dịch M&A (phần 2)

Trong phần 1 của bài viết, chúng tôi đã phân tích về một số điều khoản về Cơ cấu tổ chức quản lý mà Nhà Đầu Tư và Cổ Đông Hiện Hữu thường thương lượng. Trong Phần 2 này, chúng tôi đề cập đến một số quyền mà các bên thường thương lượng trong Thoả Thuận Cổ Đông. Trong các giao dịch M&A, Thoả Thuận Cổ Đông được các Cổ Đông sử dụng rộng rãi để thương lượng, ký kết với nhau nhằm bảo vệ lợi ích của mình. 

1. Quyền từ chối đầu tiên (Right of first refusal)  

Là điều khoản bảo vệ các Cổ Đông Hiện Hữu, tránh trường hợp quyền sở hữu/quản lý công ty rơi vào tay Nhà Đầu Tư Bên Ngoài. Theo đó, trước khi chào bán một phần hoặc toàn bộ cổ phần ra bên ngoài, Cổ Đông Chào Bán phải chào bán cổ phần đó cho Cổ Đông Hiện Hữu và chỉ khi các Cổ Đông Hiện Hữu không mua thì Cổ Đông Chào Bán mới được chào bán ra bên ngoài. Giá bán và điều kiện áp dụng khi chào bán cho Nhà Đầu Tư Bên Ngoài sẽ không được thuận lợi hơn so với giá và điều kiện giao dịch đã được chào bán cho các Cổ Đông Hiện Hữu. 

2. Quyền kéo theo (Drag-along right) 

Trong nhiều trường hợp, Nhà Đầu Tư Bên Ngoài muốn mua toàn bộ cổ phần hoặc một tỷ lệ cổ phần lớn để nắm giữ quyền quản lý, điều hành công ty. Các cổ đông nắm giữ phần lớn cổ phần (“Cổ Đông Lớn”) đã đồng ý chuyển nhượng nhưng có nhiều cổ đông thiểu số (“Cổ Đông Còn Lại”) không đồng ý chuyển nhượng. Khi đó, Nhà Đầu Tư Bên Ngoài chỉ có thể mua được cổ phần từ Cổ Đông Lớn, vì không đạt được mục tiêu ban đầu nên giao dịch không thành, Cổ Đông Lớn gặp nhiều bất lợi. Do đó, quyền kéo theo được quy định trong Thoả Thuận Cổ Đông để tạo điều kiện cho giao dịch giữa Cổ Đông Lớn và Nhà Đầu Tư Bên Ngoài có thể hoàn tất. 

Các Bên cần phải xác định rõ tỷ lệ cổ phần dự kiến chuyển nhượng mà Cổ Đông Lớn được quyền yêu cầu thực hiện quyền kéo theo trong Thoả Thuận Cổ Đông. Khi Cổ Đông Lớn tiến hành chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình (đạt được tỷ lệ thoả thuận) thì được quyền yêu cầu Cổ Đông Còn Lại phải bán cổ phần của mình cho cùng nhà đầu tư. Theo đó, Cổ Đông Còn Lại phải chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cổ phần cho Nhà Đầu Tư Bên Ngoài với số lượng tương ứng với tỷ lệ cổ phần dự kiến chuyển nhượng trên tổng số cổ phần mà Cổ Đông Lớn nắm giữ. 

3. Quyền bán theo (Tag-along right) 

Điều khoản này cho phép cổ đông thiểu số giữ ít cổ phần có quyền tham gia vào giao dịch chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông lớn giữ nhiều cổ phần, nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số. Khi Cổ Đông Lớn tiến hành chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình cho Nhà Đầu Tư Bên Ngoài thì Cổ Đông Lớn phải gửi thông báo cho Cổ Đông Còn Lại. Cổ Đông Còn Lại được quyền thực hiện quyền bán theo, tỷ lệ cổ phần mà Cổ Đông Còn Lại được quyền bán theo sẽ tương ứng với tỷ lệ cổ phần dự kiến chuyển nhượng trên tổng số cổ phần mà Công Đông Lớn nắm giữ. Theo đó, Nhà Đầu Tư Bên Ngoài buộc phải lựa chọn (i) mua toàn bộ cổ phần chào bán của Cổ Đông Lớn và Cổ Đông Còn Lại với giá và điều kiện chuyển nhượng như nhau (trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác); hoặc (ii) không được thực hiện giao dịch mua cổ phần. 

Các Bên cần phải thoả thuận trong Thoả Thuận Cổ Đông về tỷ lệ cổ phần dự kiến chuyển nhượng mà Cổ Đông Còn Lại được quyền yêu cầu thực hiện quyền bán theo này. 

4. Quyền chọn mua (Call option) 

Là thoả thuận cấp quyền, nhưng không phải nghĩa vụ, cho cổ đông được quyền mua lại cổ phần từ cổ đông khác bất kỳ với một mức giá được ấn định từ trước, khi xảy ra sự kiện được quy định tại Thoả Thuận Cổ Đông (thông thường là các trường hợp vi phạm từ phía cổ đông bị yêu cầu bán cổ phần).  

Các Cổ Đông cần phải thoả thuận rõ trong Thoả Thuận Cổ Đông (i) trường hợp mà các cổ đông có quyền thực hiện quyền chọn mua cổ phần từ các cổ đông khác (thông thường liệt kê các trường hợp vi phạm nghiêm trọng); (ii) mức giá chuyển nhượng áp dụng hoặc phương thức xác định giá chuyển nhượng (thông thường thấp hơn giá thị trường vì yêu cầu mua này xuất phát từ việc vi phạm thoả thuận); và (iii) thời gian để bên có nghĩa vụ phải thực hiện bán cổ phần của mình cho bên có quyền chọn. Khi xảy ra sự kiện phát sinh quyền chọn mua, bên có quyền chọn mua sẽ thông báo cho bên có nghĩa vụ phải thực hiện chuyển nhượng cổ phần của mình theo mức giá đã được ấn định trước đó. 

5. Quyền chọn bán (Put option) 

Là một thoả thuận cho phép cổ đông, không phải nghĩa vụ, bán một một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình cho cổ đông khác bất kỳ với một mức giá được ấn định từ trước, khi xảy ra sự kiện được quy định tại Thoả Thuận Cổ Đông (thông thường là các trường hợp vi phạm từ phía cổ đông bị yêu cầu mua cổ phần). 

Các Cổ Đông cần phải thoả thuận rõ trong Thoả Thuận Cổ Đông (i) trường hợp mà các cổ đông có quyền thực hiện quyền chọn bán cổ phần cho các cổ đông khác (thông thường liệt kê các trường hợp vi phạm nghiêm trọng); (ii) mức giá chuyển nhượng áp dụng hoặc phương thức xác định giá chuyển nhượng (thông thường cao hơn giá thị trường một tỷ lệ nhất định vì yêu cầu bán này xuất phát từ việc vi phạm thoả thuận); và (iii) thời gian để bên có nghĩa vụ phải thực hiện mua cổ phần từ bên có quyền chọn. Khi xảy ra sự kiện phát sinh quyền chọn bán, bên có quyền chọn bán sẽ thông báo cho bên có nghĩa vụ phải thực hiện nhận chuyển nhượng cổ phần theo mức giá đã được ấn định trước đó. 

Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Dịch Vụ Tư Vấn M&A, Doanh Nghiệp và Đầu Tư, Thương Mại Trong và Ngoài Nước. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.