Xác Định Thiệt Hại Do Hành Vi Xâm Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ

Một trong những phương án xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là thông qua khởi kiện dân sự tại Tòa án có thẩm quyền. Biện pháp này thường được ưu tiên nếu chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ mong muốn được bồi thường cho các thiệt hại mà mình phải gánh chịu do hành vi xâm pham quyền sở hữu trí tuệ của bên khác gây ra. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trên thực tế khi thực hiện khởi kiện bên xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án và yêu cầu bồi thường thiệt hại là việc chứng minh yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn. Nếu không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại phù hợp thì một vụ kiện kéo dài nhiều năm, nhiều cấp tòa có thể là gánh nặng chi phí nặng hơn cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.  

1. Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  

Khi bị xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể khởi kiện bên vi phạm và yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại. Nếu tổ chức, cá nhân muốn được bồi thường thiệt hại thì có trách nhiệm chứng minh mức yêu cầu bồi thường của mình. Do vậy, việc nắm được các nguyên tắc xác định bồi thường thiệt hại là rất quan trọng trong các vụ việc giải quyết xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.  

Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:  

(i) Thiệt hại về vật chất

Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản tính được bằng tiền của đối tượng SHTT, gồm:  

  • Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;  
  • Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu trí tuệ; 
  • Giá trị quyền sở hữu trí tuệ trong tổng số tài sản của doanh nghiệp;  
  • Giá trị đầu tư cho việc tạo ra và phát triển đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các chi phí tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác;  
  • Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, gồm: gồm chi phí cho việc tạm giữ, bảo quản, lưu kho, lưu bãi đối với hàng hoá xâm phạm, chi phí thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chi phí hợp lý để thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi xâm phạm và chi phí cho việc thông báo, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm. 

(ii) Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.  

Mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.  

Xem thêm: Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trên mạng xã hội, xử lí ra sao?

xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

2. Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

(i) Xác định thiệt hại về vật chất: Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây:  

  1. Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất; 
  2. Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện; 
  3. Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng

(ii) Xác định Thiệt hại về tinh thần: Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại.  

Ngoài khoản bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như nêu trên, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư. Đây là điểm đặc thù của các vụ việc tố tụng sở hữu trí tuệ so với các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại khác (vốn không quy định về quyền yêu cầu bồi hoàn phí luật sư của nguyên đơn).  

Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.