Thế Chấp Tài Sản Để Đảm Bảo Nghĩa Vụ Thực Hiện Hợp Đồng Của Doanh Nghiệp

Thế chấp tài sản là một trong chín (09) biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được pháp luật Việt Nam điều chỉnh. Các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự không những mang ý nghĩa hạn chế các rủi ro có thể xảy ra trong các giao dịch này mà ngày nay còn được sử dụng nhiều trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là để hạn chế rủi ro và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Để tìm hiểu rõ hơn về tính pháp lý của biện pháp bảo đảm này, hãy đọc bài viết dưới đây:

Bộ luật dân sự hiện hành định nghĩa “Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia”.

Các doanh nghiệp muốn tham gia giao dịch thế chấp tài sản này phải đáp ứng các điều kiện như các điều kiện về chủ thể trong các giao dịch khác như: Pháp nhân hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam, tham gia giao dịch thế chấp tài sản với mục đích không trái quy định pháp luật. Doanh nghiệp thường thế chấp tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp để phục vụ cho mục đích vay có bảo đảm, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi giao kết hợp đồng với các doanh nghiệp khác,….Các loại tài sản dùng trong giao dịch thế chấp cũng chính là tài sản nói chung theo quy định pháp luật dân sự và các quy định khác, bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản gồm bất động sản và động sản, có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, có thể là tài sản hữu hình hoặc tài sản vô hình. Tài sản thế chấp phải đáp ứng các điều kiện nhất định, bao gồm[1]: (i) tài sản phải thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, trừ trường hợp cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu; (ii) doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện giao dịch thế chấp; (iii) tài sản thế chấp có thể là tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai, kể cả bất đông sản, trừ quyền sử dụng đất (điểm c, khoản 2, Điều 4, Nghị định 163/2006 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 83/2010/NĐ-CP, Nghị định 05/2012/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP); (iv) tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được; (v) giá trị của tài sản có thể bằng, lớn hơn hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm. Một tài sản thế chấp có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu tại thời điểm xác lập các giao dịch thế chấp có giá trị của tài sản thế chấp lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm. Trong trường hợp này, doanh nghiệp dùng tài sản để thế chấp có nghĩa vụ thông báo cho các bên nhận tài sản thế chấp sau biết về các giao dịch thế chấp tài sản trước đó. Ngoài ra, nếu giấy tờ liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu tài sản thế chấp của doanh nghiệp do bên nhận thế chấp trước đó cầm giữ, doanh nghiệp phải thông báo cho bên nhận thế chấp.

Giao dịch thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản và có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi giao kết hợp đồng thế chấp, doanh nghiệp càng làm rõ các vấn đề pháp lý thì rủi ro tranh chấp càng ít xảy ra. Sau khi các bên giao kết hợp đồng thế chấp, doanh nghiệp thế chấp được quyền giữ tài sản hoặc một bên thứ ba giữ theo thỏa thuận của các bên. Do đó, bên thế chấp có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp. Vì vậy, bên nhận thế chấp muốn nhận cả hoa lợi, lợi tức làm tài sản thế chấp thì phải thỏa thuận rõ trong hợp đồng thế chấp là nó cũng thuộc về tài sản thế chấp.

Bên thế chấp được quyền đầu tư vào tài sản thế chấp do mình có quyền giữ với mục đích làm tăng giá trị của tài sản thế chấp, được khai thác công dụng, được cho thuê, cho mượn tài sản thế. Những quyền này của bên thế chấp được pháp luật dân sự quy định cụ thể về quyền của bên thế chấp. Do đó, bên nhận thế chấp không có quyền hạn chế thực hiện các việc trên. Điều này nếu thỏa thuận trái với pháp luật thì có khả năng điều khoản này sẽ bị vô hiệu. Tuy nhiên, việc được quyền đầu tư vào tài sản thế chấp của bên thế chấp sẽ là rủi ro cho bên nhận thế chấp khi bên thế chấp đương nhiên có quyền mà không cần sự thông qua của bên nhận thế chấp. Ngoài ra, việc đầu tư vào tài sản thế chấp có năng không làm tăng giá trị tài sản, mà tình trạng xấu hơn có thể xảy đến là giá trị tài sản thế chấp bị giảm giá trị. Từ đó, việc giá trị tài sản thế chấp bị giảm sút sẽ làm cho giao dịch bảo đảm không còn khả năng bảo đảm cao khi bên thế chấp vi phạm hợp đồng. Giải pháp đặt ra cho các doanh nghiệp là bên nhận thế chấp phải ràng buộc bên thế chấp bằng các điều khoản chặt chẽ tại hợp đồng quy định rõ ràng về việc bên thế chấp muốn cho thuê, đầu tư, cải tạo, thậm chí là khai thác, sử dụng tài sản thế chấp đều phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Ngoài ra, bên thế chấp không có quyền bán tài sản, trừ trường hợp bán để trả nợ cho nghĩa vụ thế chấp.

Biện pháp thế chấp tài sản là một biện pháp thường xuyên được các doanh nghiệp áp dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình. Do đó, việc hiểu đúng bản chất của loại giao dịch này giúp cho các doanh nghiệp hạn chế được các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp mình.

[1] Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.