Quy định mới trong luật đầu tư, luật doanh nghiệp ảnh hưởng đến hoạt động M&A tại Việt Nam

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ, bên cạnh đó, Chính Phủ Việt Nam vẫn tiếp tục ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư và những quy định pháp luật về hoạt động đầu tư tại Việt Nam, cụ thể:

  • Luật Đầu Tư 2020;
  • Luật Doanh Nghiệp 2020;
  • Luật Cạnh Tranh 2018 và Nghị Định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh Tranh;
  • Luật Chứng Khoán 2019.

Điều này cho thấy rằng nền kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ có những tín hiệu khởi sắc trong thời gian sắp tới. Trong đó, hoạt động M&A tại Việt Nam sau một thời gian trầm lắng cũng được dự đoán sẽ phục hồi và bùng nổ mạnh mẽ.

Tại bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ những điểm mới của Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh Nghiệp 2020 sắp có hiệu lực vào ngày 01/01/2021 mà sẽ ảnh hưởng đến hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

1. Những quy định mới của Luật Đầu Tư 2020 tác động đến hoạt động M&A tại Việt Nam

(i) Quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với Nhà đầu tư nước ngoài 

Theo quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư 2020 quy định rõ ràng về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể quy định như sau:

  • Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị hạn chế tiếp cận thị trường tại Việt Nam nếu không thuộc những trường hợp chưa được tiếp cận thị trường hoặc tiếp cận thị trường có điều kiện;
  • Chính Phủ có trách nhiệm quy định rõ ràng danh mục ngành chưa được tiếp cận thị trường và tiếp cận thị trường có điều kiện;
  • Quy định cụ thể 05 loại điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Sự thay đổi này tạo sự rõ ràng và minh bạch hơn trong việc xác định các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời với quy định này sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động M&A của nhà đầu tư nước ngoài.

(ii) Quy định về thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh kế có vốn đầu tư nước ngoài

Tại Điều 23 Luật đầu tư 2020 đã điều chỉnh giảm mức tỷ lệ để xác định một tổ chức kinh tế có phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các hình thức đầu tư tại Việt Nam từ 51% vốn điều lệ theo Luật Đầu Tư 2014 xuống còn 50% vốn điều lệ, cụ thể:

Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

(iii) Quy định về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp 

Tại Điều 26 Luật Đầu Tư 2020 quy định về thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Quy định các trường hợp sau nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục này:

  • Có sự thay đổi làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
  • Trường hợp có sự thay đổi về tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 50% vốn điều lệ và trường hợp thay đổi tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ;
  • Khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Quy định này có một số điểm đáng lưu ý như sau:

  • Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp nhưng không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì không phải thực hiện thủ tục này;
  • Quy định bổ sung về trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký khi thực hiện việc góp vốn của tổ chức kinh kế có Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Quy định này là quy định mới, và theo quan điểm của chúng tôi là nhằm mục đích kiểm soát và hạn chế các trường hợp đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài gây phương hại hoặc có thể gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

(iv) Quy định rõ ràng cơ sở pháp lý cho hoạt động sáp nhập, chia tách dự án 

Tại Điều 41 Luật đầu tư 2020 đã có quy định rõ ràng về cơ sở pháp lý cho hoạt động sáp nhập, chia tách dự án so với Luật đầu tư 2014, cụ thể:

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Đây là một điểm mới cần được các Nhà đầu tư quan tâm vì Luật đầu tư 2014 không quy định cụ thể về các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư và Cơ quan cấp phép phải xem xét và hỏi ý kiến các cơ quan liên quan dẫn đến kéo dài thời gian xử lý và ảnh hưởng đến việc sáp nhập, chia tách dự án, cũng như dùng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp.

(v) Bổ sung quy định về trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt dự án đầu tư

Tại Điểm e, Khoản 2, Điều 48 Luật đầu tư 2020 quy định bổ sung trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư  chấm dứt một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư nếu nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân dự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sư.

Theo chúng tôi quy định này nhằm mục đích kiểm soát và hạn chế hoạt động “đầu tư chui, đầu tư núp bóng”, nhưng để áp dụng quy định này còn cần làm rõ hoặc cần lưu ý như sau:

  • Tiêu chí xác định thế nào là giao dịch dân sự giả tạo;
  • Thầm quyền xác định giao dịch dân sự giả tạo;
  • Các rủi ro mà nhà đầu tư và cơ quan cấp phép có thể gặp phải.

Những khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư của nhà đầu tư do việc Cơ quan cấp phép có thể yêu cầu nhà đầu tư giải trình về các vấn đề liên quan đến tài sản, đất đai, nguồn vốn…

2. Những quy định mới của Luật Doanh Nghiệp 2020 ảnh hưởng đến hoạt động M&A tại Việt Nam

(i) Quy định thay đổi về quyền của nhóm cổ đông trong Công ty cổ phần 

Tại Khoản 2 Điều 115 Luật Doanh Nghiệp 2020 đã điều chỉnh giảm điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông từ 10% xuống 5% và bỏ đi điều kiện phải sở hữu liên tục ít nhất 6 tháng của cổ đông hoặc nhóm cổ đông để thực hiện các quyền được quy định Khoản 2 Điều 115 Luật Doanh Nghiệp.

Theo chúng tôi điểm sửa đổi này là phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp cho các nhà đầu tư chủ động và thuận tiện hơn trong việc quản lý và kiểm soát khoản đầu tư của mình tại Việt Nam.

(ii) Hoàn thiện và bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức của công ty cổ phần 

Quy định về cơ cấu tổ chức công ty cổ phần được điều chỉnh để phù hợp với thông lệ chung và quy định rõ ràng hơn về vị trí và vai trò của các cơ quan như như Ban Kiểm Toán, Thư Ký Công ty…

Tại Điều 166 Luật Doanh Nghiệp 2020, quyền của cổ đông trong việc khởi kiện người quản lý cụ thể là loại bỏ quy định về điều kiện cổ động phải sở hữu cổ phần phổ thông liên tục 6 tháng.

Tại Điều 165 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định rõ ràng hơn và theo hướng gia tăng trách nhiệm của người quản lý công ty.

Theo chúng tôi những thay đổi trên nhằm mục đích để gia tăng các biên pháp để bảo vệ nhà đầu tư và giúp cho Luật Doanh Nghiệp phù hợp hơn với thông lệ chung.

(iii) Quy định bổ sung về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết 

Tại Khoản 6 điều 114 Luật Doanh Nghiệp 2020 lần đầu quy định về loại hình chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, qua đó giúp tạo thêm và đa dạng hóa công cụ đầu tư của các nhà đầu tư.

(iv) Bổ sung quy định về quyền biểu quyết của các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi 

Tại Khoản 6 Điều 148 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định bổ sung trường hợp về quyền biểu quyết của các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi liên quan đến các nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi.

Quy định này cũng nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn cho các nhà đầu tư sở hữu cổ phần ưu đãi.

Luật Doanh Nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021,  vì vậy chúng tôi hị vọng với nội dung bài viết này sẽ giúp các nhà đầu tư nắm bắt được các điểm mới của pháp luật từ đó có những chuẩn bị phù hợp hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung và hoạt động M&A tại Việt Nam nói riêng.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.