Q&A: Thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam

1. Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có được thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hay không?

Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để hoạt động kinh doanh ngành nghề như sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tư vấn quản lý doanh nghiệp,…. Tuy nhiên, trong trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài hoạt động trong lĩnh vực mà pháp luật yêu cầu phải liên doanh với Nhà Đầu Tư Việt Nam thì Nhà Đầu Tư Nước Ngoài bị giới hạn tỷ lệ góp vốn trong Công Ty Vốn Nước Ngoài. Tuỳ theo ngành nghề mà giới hạn này có thể thay đổi, ví dụ đối với ngành nghề quảng cáo thì giới hạn sở hữu là 99,99%, đối với ngành nghề vận tải đường biển thì giới hạn sở hữu là 49%. Trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài có nhiều ngành nghề, giới hạn tỷ lệ góp vốn của ngành nghề thấp nhất sẽ được áp dụng đối với Nhà Đầu Tư Nước Ngoài.

2. Loại hình doanh nghiệp mà Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể lựa chọn? 

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể lựa chọn thành lập bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh. Tuy nhiên, do những ưu điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần mà Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thường lựa chọn hai loại hình doanh nghiệp này. 

3. Ngành nghề kinh doanh mà Công Ty Vốn Nước Ngoài được phép hoạt động? 

Các Công Ty Vốn Nước Ngoài được phép hoạt động hầu hết ngành nghề không cấm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường hoặc cho phép Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đầu tư kinh doanh như dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị; dịch vụ cho thuê lại lao động …, cơ quan cấp phép sẽ hỏi ý kiến của các Bộ ngành có liên quan để xin ý kiến chấp thuận cho từng trường hợp cụ thể, nếu các Bộ chấp thuận thì cơ quan cấp phép mới cấp giấy phép/giấy chứng nhận cho phép Công Ty Vốn Nước Ngoài hoạt động. 

4. Công Ty Vốn Nước Ngoài phải có Người đại diện theo pháp luật hoặc Giám đốc là người Việt Nam hay không? 

Công Ty Vốn Nước Ngoài không cần phải có Người đại diện theo pháp luật hay Giám đốc là người Việt Nam, nhưng cần phải lưu ý rằng, Công Ty Vốn Nước Ngoài phải có ít nhất một Người đại diện theo pháp luật cư trú ở Việt Nam (có thể là người nước ngoài). Trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. 

5. Các giấy phép mà Công Ty Vốn Nước Ngoài cần phải có để hoạt động kinh doanh tại Việt Nam?

Trừ trường hợp Nhà Đầu Tư Nước Ngoài góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp của một Công Ty Việt Nam đã tồn tại và hoạt động khác, Công Ty Vốn Nước Ngoài thông thường phải có đủ hai giấy phép cơ bản là Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư và Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp. Tuỳ theo ngành nghề đầu tư kinh doanh mà Công Ty Vốn Nước Ngoài phải xin cấp thêm một hoặc một vài giấy phép khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ví dụ như trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài hoạt động Sàn giao dịch thương mại điện tử, Công Ty Vốn Nước Ngoài phải xin cấp thêm Giấy Phép Kinh Doanh do Sở Công Thương cấp và đăng ký website/app di động hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử tại Bộ Công Thương. Xin lưu ý rằng, nhiều giấy phép/giấy chứng nhận chỉ áp dụng riêng cho Công Ty Vốn Nước Ngoài mà không áp dụng cho Công Ty Việt Nam (theo ví dụ trên thì Công Ty Việt Nam không cần phải xin cấp Giấy Phép Kinh Doanh do Sở Công Thương cấp).

Xem thêm: Những điều cần lưu ý trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

6. Thời gian thành lập Công Ty Vốn Nước Ngoài là bao lâu?

Trong trường hợp thành lập công ty hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực được Việt Nam mở cửa thị trường và Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định, thời gian thành lập một Công Ty Vốn Nước Ngoài thông thường là 18 ngày làm việc (không bao gồm ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ cho cơ quan cấp phép. Tuy nhiên, trường hợp thành lập Công Ty Vốn Nước Ngoài hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực được Việt Nam mở cửa thị trường nhưng Nhà Đầu Tư Nước Ngoài không đáp ứng được điều kiện hoặc ngành nghề đầu tư kinh doanh chưa được Việt Nam mở cửa thị trường hoặc một số trường hợp đặc biệt khác, thời gian thành lập Công Ty Vốn Nước Ngoài có thể kéo dài khoảng 30 tới 45 ngày làm việc (hoặc có thể bị cơ quan cấp giấy phép từ chối). 

7. Địa chỉ hoạt động của Công Ty Vốn Nước Ngoài cần lưu ý điều gì?

Các Công Ty Việt Nam được đăng ký xin cấp giấy phép hoạt động theo thông tin tự kê khai và chịu trách nhiệm, cơ quan cấp giấy phép không yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh được quyền sử dụng/sở hữu đối với địa chỉ trụ sở của Công Ty Việt Nam (trừ trường hợp cho rằng địa chỉ này là chung cư, địa điểm không được phép hoạt động kinh doanh). Điều này có sự khác biệt so với các Công Ty Vốn Nước Ngoài, họ phải chứng minh địa chỉ hoạt động của Công Ty Vốn Nước Ngoài được thuê lại/sở hữu một cách hợp pháp và phù hợp với ngành nghề đầu tư kinh doanh, cơ quan cấp phép có thể hỏi ý kiến của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng địa điểm này để kinh doanh. Ví dụ như Công Ty Vốn Nước Ngoài đầu tư kinh doanh nhà hàng ăn uống, cơ quan cấp giấy phép sẽ hỏi ý kiến của UBND quận/huyện nơi Công Ty Vốn Nước Ngoài đặt trụ sở để xin ý kiến chấp thuận trước khi cấp giấy phép/giấy chứng nhận.

Tải tài liệu tại đây »

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.