Phản đối đăng ký nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ có thể hiểu là việc một chủ thể có ý kiến bằng văn bản với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam về quyền đăng ký, quyền ưu tiên, điều kiện bảo hộ và về những vấn đề khác liên quan đến nhãn hiệu đã được nộp đơn đăng ký bảo hộ. Phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu được coi là một nguồn thông tin bổ sung cho Cục Sở hữu trí tuệ trong quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
1. Phản đối đăng ký nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ là gì?
Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 (sau đây gọi tắt là “Luật SHTT 2005”) không đề cập đến khái niệm phản đổi đối đơn đăng ký nhãn hiệu nói riêng hay phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung. Thay vào đó, Luât SHTT 2005 quy định về quyền ý kiến của bên thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ.[1] Ý kiến của bên thứ ba có thể là bất kỳ loại ý kiến nào và phản đối nhãn hiệu thuộc một phần của Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về nguyên tắc áp dụng cơ chế phản đối cấp văn bằng bảo hộ đối với tất cả các quyền sở hữu công nghiệp mà quyền độc quyền của chúng chỉ phát sinh dựa trên cơ sở phải đăng ký.
Tuy nhiên, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) đã quy định cụ thể hơn quyền phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cụ thể đối với đơn đăng ký nhãn hiệu: “Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ trong thời hạn năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố”[2]
2. Quy trình thực hiện phản đối đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Luật SHTT quy định một nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ thì nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt với nhãn hiệu khác. Theo đó, khi phát hiện một bên khác có hành vi sử dụng, đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình cho các nhóm sản phẩm, dịch vụ trùng, tương tự của mình thì chủ thể có quyền thực hiện thủ tục phản đối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Quy trình thực hiện phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu cơ bản gồm các bước như sau:
Bước 1: Tìm kiếm, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh cơ sở phản đối như nhãn hiệu dự định phản đối với dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ; hoặc nhãn hiệu dự định phản đối đăng ký hưởng quyền ưu tiên nhưng quyền ưu tiên được xác định không phù hợp với quy định của pháp luật…
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ phản đối
Luật sở hữu trí tuệ hiện hành không có quy định hướng dẫn cụ thể về thành phần đơn phản đối mà chỉ quy định ý kiến của bên thứ ba phải được lập thành văn bản, kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh. Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi, thành phần hồ sơ phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
- Công văn giải trình về việc phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Tài liệu, chứng cứ kèm theo
- Giấy ủy quyền (trường hợp nộp hồ sơ thông qua đại diện sở hữu công nghiệp)
- Chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định
Bước 3: Nộp hồ sơ phản đối và các hồ sơ liên quan đến Cục Sở hữu trí tuệ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ tài liệu, hồ sơ, chủ thể thực hiện phản đối nộp toàn bộ hồ sơ đến Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ
Thời gian thực hiện nộp hồ sơ phản đối kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.[3] Theo quy định pháp luật, thời hạn này thường trong vòng 09 tháng kể từ sau khi công bố đơn. Tuy nhiên, chủ thể phản đối nên thực hiện thủ tục phản đối đơn trong thời gian sớm nhất có thể để đảm bảo việc phản đối được thực hiện trước khi có quyết định cấp văn bằng bảo hộ
Bước 4: Theo dõi và nhận kết quả xét đơn phản đối từ Cục Sở hữu trí tuệ
3. Quy trình tiếp nhận và xử lý yêu cầu phản đối đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ
Bởi vì văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, sau khi nhận được ý kiến của người thứ ba liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành xử lý ý kiến của bên thứ ba trước khi ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Quy trình tiếp nhận và xử lý yêu cầu phản đối từ Cục Sở hữu trí tuệ như sau:
- Xét thấy ý kiến phản đối là có cơ sở: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ lần lượt thông báo cho người nộp đơn, người có ý kiến phản đối lần lượt cung cấp chứng cứ, lập luận. Mỗi bên được ấn định thời hạn lần lượt là tối đa 1 tháng. Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến của người nộp đơn và người thứ ba trên cơ sở chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp và tài liệu có trong đơn. Chủ thể phản đối cũng được thông báo về kết quả thẩm định đơn tương ứng.
- Xét thấy ý kiến phản đối là không có cơ sở: Cục Sở hữu trí tuệ không phải thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn, nhưng phải thông báo cho người thứ ba về việc từ chối xem xét ý kiến, có nêu rõ lý do.
- Trong một số trường hợp phức tạp không thể xác định ý kiến phản đối là có cơ sở hay không: Cục Sở hữu trí tuệ có thể ra thông báo để người thứ ba nộp đơn khởi kiện ra Tòa án. Trong thời hạn 01 tháng, nếu Cục Sở hữu trí tuệ không nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án thì Cục Sở hữu trí tuệ coi như người thứ ba rút bỏ ý kiến và tiếp tục xử lý đơn. Nếu nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Cục Sở hữu trí tuệ tạm dừng giải quyết đơn phản đối và thẩm định nội dung nhãn hiệu bị phản đối kể từ thời điểm nó nhận được thông báo thụ lý vụ án bởi tòa án và chỉ trở lại giải quyết hồ sơ sau khi nhận được bản án có hiệu lực do tòa quyết định.
- Ngoài ra, tùy tính chất và mức độ phức tạp của đơn phản đối, Cục Sở hữu trí tuệ cũng có thể tổ chức đối thoại trực tiếp giữa bên phản đối và bên bị phản đối bằng quyết định của chính mình hoặc dựa trên yêu cầu đối thoại trực tiếp bởi cả hai bên tranh chấp.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy sau khi nhận được đơn phản đối, Cục Sở hữu trí tuệ thông thường sẽ phát hành thông báo (lần 1) gửi chủ đơn hoặc người nộp đơn (bên bị phản đối) đăng ký nhãn hiệu bị phản đối thông báo đơn đăng ký bị phản đối kèm theo bản sao đơn phản đối và yêu cầu bên bị phản đối phải trả lời trong thời hạn nhất định. Sau khi nhận được ý kiến trả lời của bên bị phản đối đối với ý kiến phản đối của bên phản đối, tùy trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ có thể ra thông báo (lần 2) có ý kiến phản hồi của bên bị phản đối gửi bên phản đối và yêu cầu bên phản đối phản hồi. Cuối cùng, Cục sở hữu trí tuệ sẽ xem xét xử lý ý kiến của bên phản đối và bên bị phản đối trên cơ sở tài liệu, chứng cứ và lập luận do các bên đệ trình có trong hồ sơ để xem xét ý kiến phản đối là có cơ sở hay không.
4. Các lưu ý để yêu cầu phản đối thành công
Để yêu cầu phản đối thành công, căn cứ vào yêu cầu về nội dung ý kiến phản đối và thủ tục xử lý ý kiến phản đối, chúng tôi đưa ra một số lưu ý như sau:
- Xác định rõ căn cứ phản đối nhãn hiệu;
- Ý kiến bằng văn bản và các tài liệu chứng cứ kèm theo phải chính xác, đầy đủ và chứng minh được cơ sở phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu;
- Thực hiện thủ tục phản đối đơn trong thời gian quy định;
- Bên phản đối cần thực hiện các yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cung cấp chứng cứ, lập luận, cung cấp thông báo thụ lý của Tòa án đúng thời hạn.
Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.
[1] Điều 112 Luật SHTT 2005
[2] Điều 112a Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
[3] Điểm 6 Mục 1 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN