Một số biện pháp xử lý khác trong tranh chấp sở hữu trí tuệ

Như đã trình bày nội dung ở bài viết trước, khi có tranh chấp, biện pháp đầu tiên mà chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ thường áp dụng là khởi kiện tại Tòa án hoặc Trọng tài để giải quyết tranh chấp. Nhưng với thời gian giải quyết kéo dài, khởi kiện dân sự không phải là một biện pháp tối ưu, biện pháp này cũng không giúp chủ sở hữu quyền ngăn chặn được hành vi vi phạm trong thời gian tiến hành khởi kiện. Do đó, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ không nên chỉ áp dụng một biện pháp khởi kiện để giải quyết tranh chấp và bỏ mặc để mặc hành vi xâm phạm diễn ra. Pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành đã mở ra rất nhiều phương án khác nhằm ngặn chặn, xử lý hành vi vi phạm. Theo đó, nội dung bài viết này sẽ tập trung phân tích một số các biện pháp xử lý khác trong tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ để chủ thể quyền có thể kết hợp áp dụng khi phát hiện hành vi xâm quyền.

1. Quy định chung về biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Bên cạnh quyền khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây: 

  1. Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
  2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
  3. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, về nguyên tắc thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có 04 quyền đương nhiên để chủ động tự bảo vệ tài sản sở hữu trí đang được bảo hộ. Căn cứ vào tính chất, mức độ xâm phạm mà tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Ngoài các biện pháp xử lý nêu trên, trong một số trường hợp cần thiết, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính. 

Tùy thuộc vào việc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ lựa chọn áp dụng biện pháp xử lý nào mà các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm sẽ có quyền giải quyết tương ứng. Điển hình như áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án; áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp; áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

2. Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính 

Căn cứ quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

  1. Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
  2. Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó
  3. Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
  4. Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
  5. Thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ.

Theo nguyên tắc chung, khi một tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt chính, biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Căn cứ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà cơ quan xử lý sẽ áp dụng các hình thức xử phạt tương ứng. 

Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm tài sản sở hữu trí tuệ bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung có thể sẽ được áp dụng đó là tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

Liên quan đến biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì biện pháp khắc phục hậu quả được xem là cứng rắn và nghiêm khắc bởi sẽ gây ra sự ảnh hưởng và tác động to lớn đến tổ chức, cá nhân đang lưu hành sản phẩm sản phẩm có chứa dấu hiệu vi phạm đối với tài sản đang được bảo hộ. Cụ thể, biện pháp khắc phục hậu quả có thể sẽ được áp dụng đó là: 

(i) Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

(ii) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.

(iii) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

Tuy nhiên, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng nên lưu ý đến thời hiệu để yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, thời hiệu yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là 02 năm. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là:

  • Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
  • Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

3. Kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ 

Một trong số các biện pháp mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cần lưu ý để ngăn chặn triệt để hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó là kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hành hóa nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ bởi họ xứng đáng được hưởng phần lợi nhuận do chính tài sản sở hữu trí tuệ mang lại. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ và gìn giữ được uy tín kinh doanh của chính mình trên thị trường nói chung và thị trường liên quan nói riêng. 

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền đề nghị cơ quan hải quan áp dụng biện pháp (1) tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; (2) kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hai biện pháp kiểm soát này về mặt bản chất là khác nhau nhưng có ý nghĩa hỗ trợ lẫn nhau bởi biện pháp 1 – thực hiện nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính. Trong khi đó, biện pháp 2 – thực hiện nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, giới hạn của quy định này đó là nhằm ngăn chặn sự lợi dụng quyền của chủ sở hữu mà có thể sẽ gây ra thiệt hại cho chủ thể bị yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Các biện pháp trên chỉ được áp dụng khi chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có yêu cầu áp dụng, chứng minh chủ thể mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và phải nộp khoản tiền bảo đảm bằng 20% giá trị lô hàng cần áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị lô hàng đó hoặc có chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác. Quy định này tương tự với việc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và cần phải được thực hiện theo một thủ tục do luật quy định. 

4. Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hình sự

Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Đối với hành vi phạm tội trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm đối với tội phạm ít nghiệm trọng và được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Theo đó, pháp luật hiện hành quy định hai tội danh liên quan hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó là (i) tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và (ii) tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó: 

(i) Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp 

+ Xử lý hình sự đối với cá nhân có hành vi phạm tội: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

+ Xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội: “Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

(ii) Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

+ Xử lý hình sự đối với cá nhân có hành vi phạm tội:

“Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

(1) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

(2) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.”

+ Xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội: “Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”. 

Tóm lại, dù pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng và pháp luật nói chung đã quy định rất nhiều các biện pháp xử lý tranh chấp khác nhau nhằm có cơ chế bảo vệ vừa bao quát vừa có chiều sâu nhằm bảo vệ chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Chưa kể, các điều ước quốc tế, hiệp định song phương mà Việt Nam là thành viên liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng đã tạo ra nhiều cơ hội cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ (ví dụ như Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (các quy định về sở hữu trí tuệ), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (các quy định về sở hữu trí tuệ),  Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (các quy định về sở hữu trí tuệ);…). Tuy nhiên, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ nên hiểu rằng mỗi biện pháp xử lý đều có những điều kiện và quy định riêng mà chủ sở hữu cần tuân thủ. Trong một số trường hợp cũng không thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ do nhũng giới hạn này. Chính vì thế, cách phòng ngừa và bảo vệ tốt nhất đó là chủ động bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ do mình sáng tạo. Tiếp theo đó, khi có tranh chấp xảy ra thì cần hiểu đúng và đầy đủ quy định pháp luật, đồng thời cần áp dụng linh hoạt hình thức xử lý tranh chấp nào là phù hợp để xem xét giải quyết nhanh chóng tranh chấp. 

(1) Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (“Luật SHTT”);

(2) Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (“Bộ luật hình sự”).

(3) Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2020 (“Luật xử lý vi phạm hành chính”). 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.