Lạm dụng tính pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn của hình thái công ty

Huy động vốn từ các nhà đầu tư với lãi suất hứa hẹn không tưởng để đầu tư vào một mô hình kinh doanh được vẽ ra một cách hoàn hảo, sau đó lấy tiền của người trước và trả lãi suất cho người sau cho đến khi vụ việc vỡ nở đang xảy ra liên tục tại Việt Nam mà ta hay gọi là “mô hình đa cấp biến tướng” hay là “Mô hình Ponzi” lấy tên từ vị cha đẻ của nó Charles Ponzi.[1] Từ năm 1920 đế nay đã gần 100 năm nhưng Mô hình Pozi vẫn đang phát triển và được vận dụng trên khắp thế giới, những nhà đầu tư vẫn như những con thiêu thân lao vào lửa mà không có dấu hiệu dừng lại.

Với kế hoạch kinh doanh IRC[2], một kế hoạch hoàn hảo không có kẽ hở và hoàn toàn đúng pháp luật, Charles Ponzi đã thuyết phục một số nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư cho ông ta với lãi suất 50% trong 45 ngày, ban đầu chẳng ai tin tưởng để bỏ tiền đầu tư cho ông cả vì Charles Ponzi là người không danh tiếng, không tiền bạc. Cho đến khi Charles Ponzi chiết khấu 10% hoa hồng đại lý cho một người với bất cứ khoản đầu tư của nhà đầu tư nào thì Mô hình Ponzi đã bắt đầu. Trong cuốn tự truyện của mình Charles Ponzi kể rằng:“Một số người đánh bạc với 10 đô la chơi cầu may và họ nhận được 15 đô la sau đúng 45 ngày, thế là mọi cảm giác thận trọng tan biết trong đầu họ. Họ dẫn theo bạn bè. Đội ngũ nhà đầu tư phát triển thành tầng tầng lớp lớp. Mỗi khách hàng thấy thoả mãn đều trở thành người bán hàng tự nguyện.”[3] Bằng cách đó, đã có 30.219 người mua trái phiếu công ty của Charles Ponzi với giá trị khoảng 15.000.000 đô la[4] tương đương với 150.000.000 đô la thời điểm hiện tại. Mặc dù khi bắt đầu với dự án IRC, Charles Ponzi hoàn toàn tin tưởng vào dự án kinh doanh của mình là hoàn hảo cho tới khi nó không thể thực hiện như kế hoạch. Trong khi đó, tiền của các nhà đầu tư thì liên tục chảy vào túi, Charles Ponzi tự cho rằng ông ta phải bảo vệ các nhà đầu tư của mình bằng cách tiếp tục trả gốc và lãi suất cho họ.[5] Nếu dừng lại, mọi thứ sẽ sụp đổ, không chỉ mình ông ta mà cách nhà đầu tư cũng sẽ tiêu tùng. Và để có số tiền đó, ông ta phải tiếp tục nhận tiền đầu tư, dùng nó tìm kiếm cách kênh đầu tư khả dĩ hơn, hay ít nhất vẫn duy trì được hệ thống vận hành.

Khác với Charles Ponzi thành lập một công ty cho mục đích kinh doanh hợp pháp ban đầu rồi dần biến tướng hoạt động kinh doanh bằng các hành vi gian lận.[6] Tại Việt Nam, một số người, nhóm người đã sử dụng Mô hình Ponzi với mục đích vụ lợi ngay từ đầu. Việc họ làm trước hết là tìm hiểu bằng cách nào có thể loại bỏ các trách nhiệm hình sự và dân sự của cá nhân họ sau khi đạt được mục đích. Từ đó, họ tìm đến một chủ thể trong quan hệ dân sự được pháp luật tạo ra đó là Công ty – một pháp nhân độc lập, một con người pháp lý. Họ lạm dụng thuộc tính pháp nhân của Công ty để thực hiện quyền, để nhận tiền, tài sản của người khác và rồi đến khi thấy “no đủ” họ lạm dụng thuộc tính trách nhiệm hữu hạn để tháo chạy an toàn và mang theo số tài sản đó, toàn bộ các nghĩa vụ của Công ty hoàn toàn tách biệt với cá nhân họ. Những người, nhóm người này sau đây được gọi là người lạm dụng.

Bằng việc nghiên cứu quy định pháp luật Việt Nam đối với hai thuộc tính pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn của hình thái công ty và soi chiếu các tình huống thực tế đang xảy ra, cần tìm kiếm những giải pháp để khắc phục hiện tượng tiêu cực này.

1/ Thuộc tính pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn của công ty trong pháp luật Việt Nam

Một công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp[7]. Bởi vì công ty đó được thành lập theo Luật doanh nghiệp, có cơ cấu tổ chức thông qua cơ quan điều hành được quy định trong điều lệ của công ty khi đăng ký thành lập, công ty này có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.[8]

Sự độc lập về tài sản của công ty thể hiện qua việc cổ đông khi góp vốn thành lập công ty phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn từ cổ đông sang cho công ty[9]. Công ty là một pháp nhân luôn được đặt cạnh cá nhân trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự[10] mà ở đó: “1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”[11] “2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận”[12] “5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”.[13]

Bởi vì là một con người pháp lý, được tạo ra bởi pháp luật, do đó công ty chỉ có thể thực hiện các giao dịch dân sự của mình thông qua người đại diện có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật uỷ quyền.[14]

Ngoài ra, với thuộc tính pháp nhân, công ty có quyền thành lập công ty khác[15], do đó hình thành quan hệ nhóm công ty, công ty mẹ, công ty con, công ty này sở hữu vốn trong công ty kia.[16] Nhưng các công ty vẫn độc lập với nhau về tài sản và trách nhiệm hữu hạn.

Với thuộc tính pháp nhân thì “Tài sản công ty được đảm bảo thanh toán cho các chủ nợ của công ty”[17]. Theo đó, “chủ sở hữu không được tuỳ tiện rút vốn khỏi công ty”[18] mà phải đảm bảo rằng sau khi thực hiện việc rút vốn thì công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.[19] Hoặc trường hợp công ty chia lợi nhuận, trả cổ tức khi và chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: 1. Công ty kinh doanh có lãi và 2. Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và 3. Công ty bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn khác sau khi chia lợi nhuận, trả cổ tức.[20]

Khi công ty hình thành, cùng với thuộc tính pháp nhân, thuộc tính trách nhiệm hữu hạn cũng thể hiện rõ ràng qua việc cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.[21] Như vậy, “chủ nợ của công ty không có quyền yêu cầu thanh toán từ tài sản riêng của chủ sở hữu công ty (cổ đông)”[22] trong bất kì tình huống nào, dù công ty không còn tài sản để thanh toán cho các nghĩa vụ nợ.

Thuộc tính pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn của công ty trong pháp luật Việt Nam
Thuộc tính pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn của công ty trong pháp luật Việt Nam

2/ Các hành vi lạm dụng thuộc tính pháp nhân của Công ty

Trong thời gian qua, những cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi áp dụng Mô hình Ponzi có thể kể đến trường hợp của Nguyễn Thái Luyện (Công ty cổ phần Đại Ốc Alibaba)[23], Lê Xuân Giang (Công ty Liên Kết Việt)[24] với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền mà những người này chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mặc dù vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân nhưng tài sản của công ty và cá nhân đó cũng không còn đủ để thanh toán cho người bị hại.

Dù sao việc khởi tố vụ án hình sự cũng giúp thu hồi các tài sản của công ty và cả tài sản của cá nhân của người lạm dụng từ việc phạm tội mà có. Trong khi đó, nếu chỉ là một vụ án dân sự thì chủ nợ chẳng thể làm gì khối tài sản của người lạm dụng mà chỉ có thể kiện đòi công ty vì tính trách nhiệm hữu hạn.

Ví dụ 1: 

Người lạm dụng thành lập một công ty cổ phần để mở chuỗi nhà hàng, sau đó công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là CTCP) này ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để huy động vốn từ các nhà đầu tư nhằm triển khai dự án với lãi suất như mơ là 5%/1 tháng (60%/1 năm) và điều khoản cam kết hoàn trả vốn góp sau 18 tháng (sau đây gọi tắt là Hợp đồng BCC), tiếp theo công ty cổ phần thành lập công ty TNHH một thành viên sở hữu nhà hàng do công ty cổ phần sở hữu 100% vốn (sau đây gọi tắt là Công ty TNHH). Người lạm dụng lại tiếp tục bán từng phần vốn của Công ty TNHH do CTCP sở hữu cho những cá nhân khác. Với cách thức như vậy, người lạm dụng đã huy động được hàng chục tỷ tiền thanh toán vào tài khoản của CTCP.

Tóm tắt:

Công ty cổ phần (CTCP) Công ty TNHH
Sở hữu Người lạm dụng: 100% CTCP: 100%
Tài sản 1 tỷ tiền mặt (Vốn góp của người lạm dụng)

 

20 tỷ tiền mặt (Vốn góp CTCP)
Nợ 20 tỷ tiền mặt (Hợp đồng BCC với nhà đầu tư) + lợi nhuận 5%/1 tháng (1 tỷ/1 tháng) thời hạn rút vốn 18 tháng (18 tỷ)

Tháng 1:

Công ty TNHH đầu tư 15 tỷ mở chuỗi nhà hàng nhượng quyền. Người lạm dụng sử dụng hình ảnh chuỗi nhà hàng và một phương án kinh doanh hoàn hảo để bán vốn cho các nhà đầu tư khác tham gia vào dự án đặc biệt với cam kết chia lợi nhuận không tưởng là 5%/1 tháng. Kết quả, CTCP bán 50% vốn trong Công ty TNHH cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ với giá chuyển nhượng 50 tỷ. Cùng lúc đó người lạm dụng trả 1 tỷ cho nhà đầu tư theo Hợp đồng BCC. Kết quả:

Công ty cổ phần (CTCP) Công ty TNHH
Sở hữu Người lạm dụng: 100% CTCP: 50%

Nhà đầu tư: 50%

Tài sản 1 tỷ tiền mặt (Vốn góp người lạm dụng)

49 tỷ tiền mặt (Hợp đồng chuyển nhượng vốn)

(Người lạm dụng đã trả lợi nhuận 1 tháng: 1 tỷ)

 

5 tỷ tiền mặt

15 tỷ đầu tư nhà hàng

 

Nợ 20 tỷ tiền mặt (Hợp đồng BCC với nhà đầu tư) + lợi nhuận 5%/1 tháng (1 tỷ/1 tháng) thời hạn rút vốn 17 tháng (17 tỷ)

 

Cam kết lợi nhuận 5%/1 tháng cho các nhà đầu tư đầu tư (50 tỷ) là 2,5 tỷ/1 tháng

Tháng 2:

Người lạm dụng rút 28 tỷ tiền mặt ra khỏi CTCP theo hình thức trả cổ tức. Tiền xây dựng nhà hàng 15 tỷ đã được giao cho một công ty khác của người lạm dụng thông qua một hợp đồng nhượng quyền, xây dựng, vận hành nhà hàng…Người lạm dụng trả 1 tỷ cho nhà đầu tư theo Hợp đồng BCC và trả 2,5 tỷ cho các nhà đầu tư mua vốn của Công ty TNHH. Kết quả:

Công ty cổ phần (CTCP) Công ty TNHH
Sở hữu Người lạm dụng: 100% CTCP: 50%

Nhà đầu tư: 50%

Tài sản 1 tỷ tiền mặt (Vốn góp người lạm dụng)

20 tỷ tiền mặt (Hợp đồng chuyển nhượng vốn)

(Người lạm dụng đã nhận cổ tức 28 tỷ)

(Người lạm dụng đã trả lợi nhuận 2 tháng: 2 tỷ)

 

2,5 tỷ tiền mặt

15 tỷ đầu tư nhà hàng

(Người lạm dụng đã chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư mua vốn 1 tháng: 2,5 tỷ)

 

Nợ 20 tỷ tiền mặt (Hợp đồng BCC với nhà đầu tư) + lợi nhuận 5%/1 tháng (1 tỷ/1 tháng) thời hạn rút vốn 16 tháng (16 tỷ)

 

Cam kết lợi nhuận 5%/1 tháng cho các nhà đầu tư đầu tư (50 tỷ) là 2,5 tỷ/1 tháng

Tháng 3:

CTCP góp 10 tỷ vào Công ty TNHH tăng vốn điều lệ. Kết quả:

Công ty cổ phần (CTCP) Công ty TNHH
Sở hữu Người lạm dụng: 100% CTCP: 66,7%

Nhà đầu tư: 33,3%

Tài sản 1 tỷ tiền mặt (Vốn góp người lạm dụng)

9 tỷ tiền mặt (Hợp đồng chuyển nhượng vốn)

(Người lạm dụng đã nhận cổ tức 28 tỷ)

(Người lạm dụng đã trả lợi nhuận 3 tháng: 3 tỷ)

 

10 tỷ tiền mặt

15 tỷ đầu tư nhà hàng

(Người lạm dụng đã chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư mua vốn 2 tháng: 5 tỷ)

Nợ 20 tỷ tiền mặt (Hợp đồng BCC với nhà đầu tư) + lợi nhuận 5%/1 tháng (1 tỷ/1 tháng) thời hạn rút vốn 15 tháng (15 tỷ) Cam kết lợi nhuận 5%/1 tháng cho các nhà đầu tư đầu tư (50 tỷ) là 2,5 tỷ/1 tháng

Sau đó:

CTCP bán 16,6% vốn góp tại Công ty TNHH với giá 30 tỷ và trả cổ tức trong CTCP cho cổ đông là 30 tỷ. Kết quả:

Công ty cổ phần (CTCP) Công ty TNHH
Sở hữu Người lạm dụng: 100% CTCP: 50%

Nhà đầu tư: 50%

Tài sản 1 tỷ tiền mặt (Vốn góp người lạm dụng)

9 tỷ tiền mặt (Hợp đồng chuyển nhượng vốn)

(Người lạm dụng đã nhận cổ tức 28 tỷ)

(Người lạm dụng đã nhận cổ tức lần 2: 30 tỷ)

(Người lạm dụng đã trả lợi nhuận 3 tháng: 3 tỷ)

 

10 tỷ tiền mặt

15 tỷ đầu tư nhà hàng

(Người lạm dụng đã chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư mua vốn 2 tháng: 5 tỷ)

Nợ 20 tỷ tiền mặt (Hợp đồng BCC với nhà đầu tư) + lợi nhuận 5%/1 tháng thời hạn rút vốn 15 tháng

Việc mua bán phần vốn góp, chia lợi nhuận, chia cổ tức cứ xoay vòng và diễn ra cho tới khi CTCP và Công ty TNHH không còn khả năng trả lợi nhuận cho nhà đầu tư hoặc tới thời hạn kết thúc hợp đồng BCC mà một nhà đầu tư không thể lấy lại vốn, khi đó sự việc sẽ đổ bể. Công ty TNHH này có thể là Công ty cổ phần khác và chẳng có lý do gì CTCP không thành lập ra nhiều Công ty TNHH như vậy với lãi suất cao hơn để các nhà đầu tư không còn giữ được sự bình tĩnh hay sự tỉnh táo vốn có. Thật khó có thể ngồi yên khi nhìn thấy người hàng xóm hàng tháng đều đi nhận một khoản lợi nhuận khổng lồ với một khoản vốn ít ỏi mà không kênh đầu tư nào hiện tại có thể tạo ra. Như Charles Ponzi đã nói “Sự thận trọng sẽ tan biến trong đầu họ”.

Tất nhiên, khi những người lạm dụng đủ tự tin rằng họ đã lách được luật, thay vì để những nhà đầu tư phát hiện ra, vào ngày đẹp trời, chính những người lạm dụng thông báo công ty lâm vào tình trạng phá sản. Trong khi đó, cổ đông CTCP vẫn giàu có và giàu có hơn trước khi công ty thành lập. Tài sản công ty không còn, trụ sở công ty bị đóng cửa, nhà hàng bị người cho thuê lấy lại mặt bằng, nhà đầu tư trắng tay.

Những nhà đầu tư chắc chắn cho rằng mình là người bị hại bởi số tiền đầu tư là quá lớn, với quy mô nhà hàng hiện tại, công ty không thể tiêu nhanh đến như vậy. Chắc chắn những cổ đông, người điều hành công ty đã lạm dụng quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của công ty thành tài sản riêng. Do đó, họ thực hiện hành động tố cáo người lạm dụng tới công an nhưng chỉ đưa ra được các Hợp đồng BCC, hợp đồng chuyển nhượng vốn… Hợp đồng với CTCP thể hiện rõ ràng việc giao dịch giữa các bên là tự nguyện và việc không chi trả vốn, lãi ở thời điểm này là điều không ai mong muốn vì công ty lâm đã vào tình trạng phá sản.

Như vậy, nếu không thể khởi tố một vụ án hình sự thì chủ nợ chỉ có cách khởi kiện một vụ án dân sự. Nhưng khi khởi kiện vụ án dân sự thì bị đơn là CTCP, bởi vì từ giao dịch Hợp đồng BCC, hợp đồng chuyển nhượng vốn đều do CTCP đứng ra ký kết. Với tư cách pháp nhân của mình, chủ nợ chỉ có thể khởi kiện CTCP để đòi lại tiền. Nhưng CTCP đã sử dụng tiền của chủ nợ để đầu tư vào Công ty TNHH và thua lỗ. Như vậy, CTCP này chẳng có tiền để trả cho chủ nợ. Trong khi đó, vì thuộc tính trách nhiệm hữu hạn, chủ nợ lại chẳng thể kiện các cổ đông của CTCP để đòi tiền.

Rõ ràng, bằng cách lạm dụng thuộc tính pháp nhân của công ty mà người lạm dụng đã tạo ra một rào chắn an toàn cho mình bằng cách tách khối tài sản của họ độc lập với tài sản của công ty. Mặc dù người lạm dụng không thể rút toàn bộ vốn khỏi công ty[25] nhưng họ cũng không cần làm việc này vì vốn góp của họ quá nhỏ so với khoản tiền họ đã nhận được từ nhà đầu tư. Vậy nếu CTCP không còn tiền hay tài sản thì bán tài sản của Công ty TNHH đi chắc cũng thu hồi được phần nào đó. Nhưng rất tiếc, nhà đầu tư theo Hợp đồng BCC phát hiện ra rằng vốn góp của CTCP trong Công ty TNHH đã bị chuyển nhượng cho những nhà đầu tư khác. Nhà đầu tư mua vốn Công ty TNHH thì phát hiện ra Công ty TNHH này cũng chẳng còn mấy tài sản mà bán vì nhà hàng thì đi thuê mặt bằng mà mặt bằng thì đã bị chủ nhà lấy lại. Người lạm dụng đã sẵn sàng lập hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty[26] để lại chủ nợ một con nợ không có giá trị.

Với thuộc tính trách nhiệm hữu hạn, người lạm dụng chỉ chịu trách nhiệm với vốn góp ban đầu của mình vào công ty mà thực ra con số đó không đáng kể, khi công ty phá sản, mất khả năng thanh toán,[27] chủ nợ cũng không thể yêu cầu khối tài sản của người lạm dụng dù biết rằng nó đã được tạo lên bằng tiền của nhà đầu tư. 

Ví dụ 2: 

Trong kinh doanh bất động sản, công ty chủ đầu tư xây dựng dự án đầu tư trên giấy, chưa đủ điều kiện huy động vốn, ký hợp đồng đặt cọc hay mua bán. Nhưng Công ty chủ đầu tư lập lên một công ty khác và để công ty này đứng ra ký kết hợp đồng tư vấn mua nền đất trong dự án (gọi là công ty tư vấn). Công ty chủ đầu tư và Công ty tư vấn sẽ có cùng một cái tên tương tự gây nhầm lẫn ví dụ như Công ty QC Golf & Resort và Công ty QC Bình Định Golf & Resort.  Giá trị hợp đồng tư vấn này tương đương giá trị căn hộ, nền đất với tiến độ thanh toán cụ thể. Nhưng các đợt thanh toán này lại được gọi là tiền đặt cọc.

Nếu công ty chủ đầu tư đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán thì theo hợp đồng tư vấn, công ty tư vấn này sẽ chuyển toàn bộ tiền đặt cọc cho chủ đầu tư để chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán với người mua. Nhưng nếu công ty chủ đầu tư không thể thực hiện đúng thời hạn, thì người mua chỉ có cách chờ đợi. Bởi vì, khi thực hiện hợp hợp đồng tư vấn có một số yếu tố bất lợi và biến người mua trở thành người vi phạm hợp đồng như sau: 1 là, hợp đồng quy định người mua đồng ý cho công ty tư vấn sử dụng khoản tiền đặt cọc vào bất kì mục đích gì; 2 là, hợp đồng quy định cụ thể ngày thanh toán các đợt đặt cọc nhưng công ty tư vấn chỉ thu tiền đến lần đặt cọc thứ 3, các đợt đặt cọc tiếp theo không yêu cầu người mua thanh toán nữa; 3 là, khiến người mua hiểu lầm rằng khi nào ký hợp đồng mua bán mới thanh toán đợt tiếp theo; 4 là, thời hạn ký hợp đồng mua bán xảy ra sau đợt thanh toán tiền đặt cọc lần thứ 4.

Như vậy, người mua đã không thánh toán tiền đặt cọc lần thứ 4 đúng thời hạn. Khi công ty chủ đầu tư không thể ký hợp đồng mua bán đúng thời hạn, người mua yêu cầu trả lại tiền đã thanh toán thì công ty tư vấn yêu cầu người mua đợi chờ cho đến khi công ty chủ đầu tư đủ điều kiện mua hoặc chuyển qua mua một dự án khác với giá trị lớn hơn. Nếu khởi kiện công ty tư vấn thì với thoả thuận trong hợp đồng tư vấn, người mua là người vi phạm hợp đồng trước và có thể mất toàn bộ tiền đặt cọc. Có thể nói, công ty tư vấn đang chiếm dụng vốn của người mua một cách hợp pháp và có quyền quyết định sử dụng nó như thế nào, sử dụng ra sao. Nếu trường hợp may mắn đòi lại được tiền, cũng thật khó để người mua có thể yêu cầu một khoản lãi suất.

Vận dụng thuộc tính pháp nhân, công ty tư vấn là chủ thể của hợp đồng với người mua, trách nhiệm nếu có sẽ là trách nhiệm của công ty tư vấn với người mua chứ không phải công ty chủ đầu tư. Công ty chủ đầu tư sở hữu quyền sử dụng đất, bất động sản không có trách nhiệm gì với những người mua này.

Nguồn tiền hình thành tài sản là bất động sản của công ty chủ đầu tư có thể từ chính người mua, nhưng với thoả thuận cam kết cho công ty tư vấn sử dụng tiền đặt cọc vào bất cứ mục đích gì, với sự độc lập về tài sản và trách nhiệm hữu hạn của pháp nhân, người mua chỉ có thể kiện đòi tiền và đề nghị phát mãi tài sản của công ty tư vấn chứ không phải công ty chủ đầu tư. Công ty chủ đầu tư không chịu rủi ro về kiện tụng, hay dự án có thể bị cấm chuyển dịch, phong toả…

Lạm dụng tính pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn của hình thái công ty
Lạm dụng tính pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn của hình thái công ty

3/ Giải pháp khắc phục

Người lạm dụng bằng các hành vi của mình với mục đích cuối cùng là có thể lấy được tài sản của người khác mà loại trừ trách nhiệm cá nhân, đẩy trách nhiệm cho công ty và sau đó khai tử công ty thông qua thủ tục phá sản. Mấu chốt vấn đề là: 1, làm sao người lạm dụng có thể lấy được niềm tin của người khác để họ góp vốn, mua sản phẩm của công ty; 2, làm sao người lạm dụng có thể lấy được tài sản ra khỏi công ty đó.

Nếu nhìn vào trường hợp của Nguyễn Thái Luyện (Công ty cổ phần Đại Ốc Alibaba), Lê Xuân Giang (Công ty Liên Kết Việt), họ đã sử dụng các thông tin gian dối, không có thật để kêu gọi đầu tư. Tất nhiên hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Chế tài của pháp luật hình sự chính là cơ sở để hạn chế các hành vi của những người lạm dụng đó. Nhưng nếu, người lạm dụng bằng các dự án kinh doanh thực tế với những viễn cảnh và mô hình kinh doanh tươi đẹp thì trong một cộng đồng nhỏ, quy mô nhỏ, người lạm dụng có thể thu hút được hàng chục tỷ tiền đầu tư từ các nhà đầu tư, người mua (sau đây gọi là chủ nợ) tự nguyện ký kết các hợp đồng như hai tình huống trên. Khi đó, chỉ có sự đề phòng, sự hiểu biết pháp luật mới có thể giúp họ thoát khỏi cái bẫy do người lạm dụng đã giăng sẵn.

Khi người lạm dụng tìm cách chuyển tài sản của công ty thành tài sản riêng, họ sẽ không thực hiện hành vi tham ô tài sản[28] và trở thành tội phạm mà họ sẽ thực hiện các phương án né tránh trách nhiệm như hai ví dụ trên hoặc một số cách thức khác tóm lược như sau:

  1. Người lạm dụng chia cổ tức/ lợi nhuận trong công ty từ việc chuyển nhượng vốn góp/ cổ phần của các công ty con như ví dụ 1.
  1. Người lạm dụng nhận được tiền trực tiếp từ việc chuyển nhượng vốn góp/ cổ phần của các công ty khi tháo chạy vì chỉ họ mới nắm giữ thông tin khi nào là thời điểm tháo chạy.
  1. Người lạm dụng sử dụng hợp đồng với các điều khoản lắt léo, gây nhầm lẫn, với các công ty cùng thương hiệu nhưng là những chủ thể độc lập không liên quan như ví dụ 2.
  1. Người lạm dụng sẽ thông qua hợp đồng và giao dịch với các công ty khác, mà những công ty này do người lạm dụng sở hữu bằng nhiều tầng lớp công ty mẹ con hoặc cấu trúc đứng tên danh nghĩa[29]. Mặc dù pháp luật dân sự có quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo[30] nhưng để chứng minh được giao dịch dân sự giữa các công ty này có dấu hiệu giả tạo là vô cùng khó khăn với các chủ nợ – người đứng ngoài hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ: Công ty khác do người lạm dụng nhờ đứng tên danh nghĩa ký hợp đồng nhượng quyền, xây dựng, quản lý hệ thống nhà hàng với giá trị 15 tỷ trong ví dụ 1.

Như vậy, chỉ chế tài đủ mạnh của pháp luật hình sự mới mang sức răn đe đối với người lạm dụng. Nhưng, như với mô hình Ponzi, trong quá trình áp dụng luật cơ quan điều tra có đang quá e sợ vấn đề “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế”[31] mà dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Các chủ nợ không thể là người có được thông tin về dòng tiền, về giao dịch nội bộ của công ty để chứng minh cho cơ quan điều tra ngay khi họ bị xâm phạm quyền nhưng cơ quan điều tra hoàn toàn có thể thực hiện được việc này. Nguyễn Thái Luyện và Lê Xuân Giang có thể không lừa đảo được nhiều người với số tiền khổng lồ như vậy nếu cơ quan điều tra mạnh tay thụ lý các đơn tố cáo ban đầu hay tham gia điều tra ngay từ đầu khi những dấu hiệu khả nghi xuất hiện. Tuy nhiên thay vì thụ lý đơn tố cáo để điều tra thì cơ quan điều tra dựa trên hợp đồng giao dịch giữa các bên và mặc định rằng đây là quan hệ dân sự cho tới khi mô hình Ponzi đủ lớn và sụp đổ.

Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm phong toả, cấm chuyển dịch tài sản cũng cần phải dễ dàng, nhanh gọn hơn so với phời điểm hiện tại. Tránh trường hợp người lạm dụng tẩu tán tài sản ngay khi có đơn khởi kiện từ những nhà đầu tư.

Tài liệu tham khảo

  • Bộ luật Dân Sự 2015 số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015;
  • Bộ luật Hình Sự 2015 số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015;
  • Luật Doanh nghiệp 2014 số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
  • Luật Phá sản 2014 số 51/2014/QH13 ngày 19/6/2014;
  • Charles Ponzi (tác giả), Nguyễn Hưởng và Nguyễn Hạo Nhiên dịch (2019), “Sự trỗi dậy của siêu lừa Ponzi”, nxb Kinh Tế TP Hồ Chí Minh.
  • Mô hình Ponzi (Wikipedia), https://vi.wikipedia.org/wiki/Mô_hình_Ponzi> truy cập ngày 01/06/2020
  • Về khái niệm hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế (Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội) <https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/117/548>truy cập ngày 01/06/2020
  • Lãnh đạo công ty Alibaba bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Quyền lợi hàng ngàn khách hàng ra sao? (Thanh niên online, 20/9/2019), <https://thanhnien.vn/thoi-su/lanh-dao-cong-ty-alibaba-bi-khoi-to-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-quyen-loi-hang-ngan-khach-hang-ra-sao-1128190.html> truy cập ngày 01/06/2020
  • Truy tố ông trùm đa cấp Liên Kết Việt lừa 68.000 người (Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, 29/8/2019), https://plo.vn/phap-luat/truy-to-ong-trum-da-cap-lien-ket-viet-lua-68000-nguoi-855120.html> truy cập ngày 01/06/2020
  • TS Trịnh Thục Hiền, SHD_KH192/2020 “Luật công ty là gì?”

[1] Mô hình Ponzi (Wikipedia), https://vi.wikipedia.org/wiki/Mô_hình_Ponzi> truy cập ngày 01/06/2020

[2] Charles Ponzi (tác giả), Nguyễn Hưởng và Nguyễn Hạo Nhiên dịch (2019), “Sự trỗi dậy của siêu lừa Ponzi”, nxb Kinh Tế TP Hồ Chí Minh, Trang 99

[3] Charles Ponzi (tác giả), Nguyễn Hưởng và Nguyễn Hạo Nhiên dịch (2019), “Sự trỗi dậy của siêu lừa Ponzi”, nxb Kinh Tế TP Hồ Chí Minh, Trang 114

[4] Charles Ponzi (tác giả), Nguyễn Hưởng và Nguyễn Hạo Nhiên dịch (2019), “Sự trỗi dậy của siêu lừa Ponzi”, nxb Kinh Tế TP Hồ Chí Minh, Trang 223

[5] Charles Ponzi (tác giả), Nguyễn Hưởng và Nguyễn Hạo Nhiên dịch (2019), “Sự trỗi dậy của siêu lừa Ponzi”, nxb Kinh Tế TP Hồ Chí Minh, Trang 162

[6] Mô hình Ponzi (Wikipedia), https://vi.wikipedia.org/wiki/Mô_hình_Ponzi> truy cập ngày 01/06/2020

[7] Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 47, Khoản 2 về Công ty TNHH hai thành viên trở lên; Điều 73, Khoản 2 về Công ty TNHH một thành viên; Điều 110, Khoản 2 về Công ty cổ phần.

[8] Bộ luật Dân Sự 2015, Điều 74, Khoản 1.

[9] Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 36, Khoản 1

[10] Bộ luật Dân Sự 2015, Điều 3

[11] Bộ luật Dân Sự 2015, Điều 3, Khoản 1

[12] Bộ luật Dân Sự 2015, Điều 3, Khoản 2

[13] Bộ luật Dân Sự 2015, Điều 3, Khoản 5

[14] Luật Doanh nghiệp, Điều 13

[15] Bộ luật Dân Sự 2015, Điều 74, Khoản 2

[16]Luật Doanh nghiệp 2014, Chương VIII

[17] TS Trịnh Thục Hiền, SHD_KH192/2020 “Luật công ty là gì?”

[18] TS Trịnh Thục Hiền, SHD_KH192/2020 “Luật công ty là gì?”

[19] Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 68, Khoản 3, Điểm a, Điểm b

[20] Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 69, Điều 132

[21] Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 47, Khoản 1, Điểm b; Điều 73, Khoản 1, Điều 110, Khoản 1, Điểm c

[22] TS Trịnh Thục Hiền, SHD_KH192/2020 “Luật công ty là gì?”

[23] Lãnh đạo công ty Alibaba bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Quyền lợi hàng ngàn khách hàng ra sao? (Thanh niên online, 20/9/2019), <https://thanhnien.vn/thoi-su/lanh-dao-cong-ty-alibaba-bi-khoi-to-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-quyen-loi-hang-ngan-khach-hang-ra-sao-1128190.html> truy cập ngày 01/06/2020

[24] Truy tố ông trùm đa cấp Liên Kết Việt lừa 68.000 người (Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, 29/8/2019), https://plo.vn/phap-luat/truy-to-ong-trum-da-cap-lien-ket-viet-lua-68000-nguoi-855120.html> truy cập ngày 01/06/2020

[25] Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 68, Khoản 3, Điểm a, Điểm b và Điều 69, Điều 132

[26] Luật Phá sản 2014, Điều 5, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5

[27] Luật Phá sản 2014, Điều 4, Khoản 2

[28] Bộ luật Hình Sự 2015, Điều 343

[29] Lê Tiến Đạt, “Đầu tư thông qua cấu trúc đứng tên danh nghĩa tại Việt Nam”, https://apolatlegal.com/vi/bai-viet/dau-tu-thong-qua-cau-truc-dung-ten-danh-nghia-tai-viet-nam.html?fbclid=IwAR3rFJ2BEbVj_8_JbObdHyTjzyqkCfztnGL8O5R2aVh2Yi68RLxGUmjXO-U> truy cập ngày 01/06/2020.

[30] Bộ luật Dân Sự 2015, Điều 124, Khoản 2

[31] Về khái niệm hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế (Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội) <https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/117/548>truy cập ngày 01/06/2020

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Hợp Tác Doanh Nghiệp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Hợp Tác Doanh Nghiệp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.