Kê Biên Tài Sản Bảo Đảm Tại Tổ Chức Tín Dụng

Những năm qua hoạt động thi hành án dân sự (“THADS”) liên quan đến tín dụng, ngân hàng đang là vấn đề nan giải vì mặc dù các cơ quan thi hành án dân sự đã rất cố gắng, nỗ lực để giải quyết nhưng kết quả thi hành án đạt được chưa như kỳ vọng khi tỷ lệ thi hành án còn thấp, số tiền, số việc phải thi hành án còn lớn, tiến độ thi hành án còn kéo dài.

Để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động thi hành án trong linh vực này, Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 (“Nghị Quyết 42”) như một công cụ pháp lý hỗ trợ cơ quan THADS và các Tổ Chức Tín Dụng trong quá trình xử lý nợ xấu. Việc ban hành Nghị Quyết 42 nhằm đảm hoạt động xử lý các khoản nợ xấu tránh trường hợp chấp hành viên (“CHV”) kê biên tài sản bảo đảm của người phải THA đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thực hiện các nghĩa vụ khác không phù hợp với quy định của Nghị quyết làm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích và đưa ra các tình huống thực tiễn liên quan đến việc thực hiện kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được cầm cố, thế chấp tại các tổ chức tín dụng.

1. Trường hợp tổ chức tín dụng là người được thi hành án

Hoạt động kê biên tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng là một trường hợp cụ thể của biện pháp kê biên tài sản – đây là một biện pháp cưỡng chế THADS, nên nếu muốn áp dụng biện pháp này thì đầu tiên cần phải có đầy đủ căn cứ để cưỡng chế THA. Theo quy định tại Điều 70 Luật THADS thì căn cứ để cưỡng chế THA bao gồm: (1) Bản án, quyết định; (2) Quyết định thi hành án; (3) Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.

Khi có một trong các căn cứ nêu trên thì CHV tổ chức thực hiện kê biên. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý là bản án, quyết định được nêu ở mục (1) phải là các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng phải rơi vào trường hợp được thi hành ngay. 

Ngoài các căn cứ nêu trên thì để thực hiện hoạt động kê biên tài sản bảo đảm trong trường hợp người được THA là TCTD thì còn cần phải có các điều kiện sau:

Thứ nhất: Người phải THA có điều kiện THA nhưng không tự nguyện THA

“Có điều kiện thi hành án” là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án . Việc xác định người phải THA có điều kiện hay không có điều kiện THA sẽ do CHV xác định thông qua thủ tục xác minh điều kiện THA. Tuy nhiên, trong trường hợp kê biên tài sản bảo đảm thì CHV luôn xác định người phải THA là người có đủ điều kiện THA dựa trên việc người phải THA đang có tài sản bảo đảm tại TCTD.

Thứ hai: Chỉ thực hiện việc kê biên tài sản bảo đảm khi hết thời gian tự nguyện THA mà người phải THA không tự nguyện THA

Thời hạn tự nguyện THA là 10 ngày, kể từ ngày người phải THA nhận được quyết định THA hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA. Việc ấn định thời gian tự nguyện THA là thủ tục bắt buộc và là thủ tục đầu tiên của các CHV khi được phân công tổ chức THA. Khi hết thời gian tự nguyện mà người phải THA không tự nguyện THA hoặc thi hành không đầy đủ nghĩa vụ của mình thì CHV mới áp dụng biện pháp cưỡng chế để buộc người đó thực hiện đúng nghĩa vụ như trong bản án, quyết định. 

Như vậy, CHV tiến hành kê biên tài sản bảo đảm khi có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 70 Luật THADS và chỉ thực hiện kê biên tài sản bảo đảm (TSBĐ) trong trường hợp hết thời gian tự nguyện THA mà người phải THA tuy có điều kiện để THA nhưng không tự nguyện thi hành án.

2. Trường hợp tài sản của người phải THA đang được cầm cố, thế chấp tại TCTD mà TCTD không phải là người được THA

Theo quy định tại Điều 90 Luật THADS quy định về kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp thì CHV chỉ được kê biên loại tài sản này trong trường hợp:

  • Người phải THA không còn tài sản nào khác ngoài tài sản đang cầm cố, thế chấp tại TCTD hoặc có nhưng tài sản không đủ để THA.
  • Tài sản đang cầm cố, thế chấp tại TCTD có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Ví dụ

Ngày 01/12/2014, ông A thế chấp ngôi nhà trị giá 5 tỷ đồng cho ngân hàng để vay số tiền 3 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng kể từ ngày 01/12/2014. Ngày 01/03/2015, bà B khởi kiện đòi ông A khoản nợ 1 tỷ đồng, tại Bản án số 01/DSST ngày 01/05/2015 của Tòa án nhân dân huyện T buộc ông A phải trả cho bà B khoản nợ 1 tỷ đồng. Ngày 15/05/2015, bà B yêu cầu THA. Cơ quan THADS xác định ngôi nhà ông A thế chấp cho ngân hàng đến thời điểm đó cả gốc và lãi là 3,5 tỷ đồng; chi phí cưỡng chế THA khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ngôi nhà nêu trên, ông A không còn tài sản khác có giá trị để THA. Trong trường hợp này, cơ quan THADS có quyền kê biên, xử lý ngôi nhà của ông A để THA, mặc dù hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản giữa ông A và ngân hàng chưa đến hạn (01/12/2015).

Khi thực hiện hoạt động kê biên tài sản cầm cố, thế chấp tại các TCTD thì CHV cần phải thông báo ngay cho TCTD có tài sản bị kê biên biết và trong trường hợp này khoản nghĩa vụ được bảo đảm của TCTD đó được ưu tiên thanh toán.

Đồng thời, theo khoản 3 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP cũng quy định: “Đối với tài sản đã được cầm cố, thế chấp hợp pháp mà kết quả xác minh tại thời điểm thi hành án cho thấy tài sản có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ phải thanh toán theo hợp đồng cầm cố, thế chấp thì Chấp hành viên phải thông báo bằng văn bản cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án và yêu cầu khi thanh toán hết nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc khi xử lý tài sản cầm cố, thế chấp phải thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết”. Trong trường hợp này, cơ quan THADS chỉ được kê biên, xử lý tài sản sau khi tài sản đã được giải chấp hoặc khi đã khấu trừ phần tiền còn lại sau khi TCTD đã xử lý tài sản để thanh toán hợp đồng đã ký (nếu có).

Tuy nhiên, trong trường hợp khi cơ quan THADS đang tổ chức THA mà xác định người phải THA có tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại các TCTD thì không chỉ áp dụng Điều 90 Luật THADS mà còn phải áp dụng kết hợp Điều 11 Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để giải quyết. Điều 11 Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định: “Các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.” Việc áp dụng kết hợp quy định tại Điều 90 Luật THADS và Điều 11 Nghị quyết 42/2017/QH14 là để đảm bảo đáp ứng điều kiện cần (thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu) và điều kiện đủ (giá trị tài sản lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án và không có tài sản khác để thi hành án) trong quá trình giải quyết vụ việc.

Ví dụ 1: 

Cơ quan THADS đang tổ chức thi hành bản án buộc ông A phải thi hành án trả nợ cho bà B số tiền 300 triệu đồng. Kết quả xác minh được biết ông A có tài sản duy nhất là nhà đất diện tích 500m2 nhưng đang thế chấp tại ngân hàng X để vay số tiền 400 triệu đồng. Kết quả xác minh được biết giá trị tài sản này khoảng 1 tỷ đồng và ngân hàng X cho biết đây là khoản nợ xấu thuộc nhóm 3 và ngân hàng chưa xử lý tài sản cũng không đồng ý để cơ quan THADS xử lý. Nếu theo quy định Điều 90 Luật THADS thì cơ quan THADS được quyền kê biên tài sản để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của ông A đối với bà B. Tuy nhiên, dẫn chiếu đến quy định tại Điều 11 Nghị quyết 42/2017/QH14 thì trường hợp này cơ quan THADS không được kê biên vì đây là tài sản đang bảo đảm cho khoản nợ xấu của TCTD; nghĩa vụ phải thi hành án của ông A mà cơ quan THADS đang tổ chức thi hành là nghĩa vụ trả nợ thông thường không thuộc trường hợp thi hành án cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và ngân hàng X cũng không đồng ý để cơ quan THADS xử lý.

Ví dụ 2: 

Cơ quan THADS tỉnh Tiền Giang đang tổ chức thi hành Bản án số 32/2015/HSST buộc ông Hải phải bồi thường cho bà Hà số tiền 120 triệu đồng (do tội giết người). Quá trình tổ chức thi hành án, xác minh được biết ông Hải chỉ có tài sản duy nhất là diện tích đất và nhà ở đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – chi nhánh Tiền Giang để vay số tiền 200 triệu đồng. Kết quả xác minh được biết giá trị tài sản khoảng 800 triệu đồng. Trong trường hợp này, đối chiếu quy định của Điều 11 Nghị quyết 42/2017/QH14 thì Chấp hành viên được quyền kê biên xử lý theo quy định. Tuy nhiên, nếu ngân hàng Công thương có văn bản xác định đây là khoản nợ xấu và ngân hàng đang thu giữ tài sản để xử lý theo Nghị quyết 42 thì dẫn chiếu đến quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, Chấp hành viên không được kê biên xử lý tài sản của ông Hải để thi hành án vì tài sản này ngân hàng đang xử lý.

Tuy nhiên, đối với trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện việc kê biên theo quy định tại Điều 90 Luật thi hành án dân sự trước ngày 15/08/2017 thì vẫn tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự

Từ hai ví dụ trên có thể thấy quyền hạn của CHV khi thực hiện xử lý tài sản bảo đảm của người phải THA theo quy định tại Điều 90 Luật THADS đã phần nào bị hạn chế bởi quy định của Nghị quyết 42. 

Thêm vào đó, Điều 13 Nghị quyết 42/2017/QH14 còn quy định về việc các TCTD được quyền bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên cho các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Trước khi thực hiện hoạt động bán khoản nợ xấu, TCTD có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin về tình trạng bị kê biên của tài sản bảo đảm. Bên mua sẽ tự đánh giá và tự xác định rủ ro đối với việc mua khoản nợ này.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.