Chỉ Định Bổ Sung Đăng Ký Quốc Tế Theo Quy Định Hệ Thống Madrid

Sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động hội nhập toàn cầu đã tạo ra cơ hội phát triển cho việc kinh doanh quốc tế nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề bảo vệ nhãn hiệu của doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho việc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài thông qua Hệ thống Madrid và đã bắt đầu có cho riêng mình các đăng ký Quốc tế. Trong thời gian hiệu lực của Đăng ký Quốc tế, nhiều chủ đơn có mong muốn mở rộng phạm vi bảo hộ của Đăng ký Quốc tế vào những quốc gia khác.

Theo quy định của Hệ thống Madrid hiện hành, việc mở rộng phạm vi lãnh thổ được bảo hộ của Đăng ký Quốc tế sẽ được thực hiện thông qua việc Chỉ định bổ sung. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ nêu ra một số quy định và cung cấp cho độc giả các thông tin cơ bản về Chỉ định bổ sung theo quy định của hệ thống Madrid.

1. Mục đích của việc Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế

Sau khi có Đăng ký Quốc tế, một số Chủ sở hữu mong muốn mở rộng phạm vi bảo hộ Đăng ký Quốc tế tại các quốc gia thành viên của hệ thống Madrid vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, Chủ sở hữu Đăng ký Quốc tế mong muốn bảo hộ nhãn hiệu tại một số quốc gia mới để thực hiện hoạt động kinh doanh tại các quốc gia này. Việc yêu cầu Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế là để phục vụ cho mục đích này. Tuy nhiên, việc Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế không chỉ nhằm phục vụ mục đích mở rộng phạm vi bảo hộ về mặt địa lý của một Đăng ký Quốc tế mà còn hơn thế nữa. Cụ thể, việc Chỉ định bổ sung Đăng ký quốc tế có thể: 

(i) Mở rộng phạm vi địa lý của Đăng ký Quốc tế hiện có;

(ii) Mở rộng phạm vi bảo hộ tại một quốc gia chỉ định mà trước đó đã không chỉ định bảo hộ cho toàn bộ hàng hóa và dịch vụ có trong Đăng ký Quốc tế;

(iii) Chỉ định lại quốc gia (thành viên) mà Chủ sở hữu không đạt được sự bảo hộ (bởi một quyết định cuối cùng về việc từ chối, vô hiệu hoặc từ bỏ) nhưng đến nay, cơ sở ngăn chặn sự bảo hộ đã không còn tồn tại.

2. Trường hợp ngoại lệ

Theo Điều 14.5 của Nghị định thư Madrid, có một ngoại lệ đối với việc Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế. Cụ thể, đối với quốc gia thành viên đã có tuyên bố về ngày có hiệu lực của Nghị định thư, thì Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế sẽ không thể được thực hiện cho Đăng ký Quốc tế đã có hiệu lực trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định thư tại quốc gia đó. Tuy nhiên, tính đến nay, chỉ có một số thành viên đã tuyên bố về ngày có hiệu lực nói trên, bao gồm Brazil, Estonia, Ấn Độ và Philipines.

3. Phương thức yêu cầu Chỉ định bổ sung

Có hai phương thức để yêu cầu Chỉ định bổ sung, cụ thể:

(i) Trực tuyến: Chủ sở hữu của Đăng ký Quốc tế có thể nộp đơn yêu cầu Chỉ định bổ sung thông qua dịch vụ Chỉ định bổ sung trực tuyến tại trang web của WIPO.

(ii) Trực tiếp: Chủ sở hữu có thể nộp yêu cầu Chỉ định bổ sung theo mẫu tờ khai MM4 trực tiếp đến Văn phòng quốc tế hoặc thông qua Cơ quan Sở hữu Trí tuệ tại quốc gia của Chủ sở hữu.

4. Ngôn ngữ

Đơn Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế có thể lập bằng tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha. Ngôn ngữ của Đơn Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế có thể khác so với Đơn Đăng ký Quốc tế ban đầu,

5. Phí thực hiện Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế

Phí thực hiện Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế bao gồm:

(i) Phí cơ bản: 300 đồng franc Thụy Sĩ;

(ii) Phí riêng: tùy thuộc vào mỗi quốc gia được chỉ định liên quan (vui lòng tham khảo thông tin về phí riêng của các Quốc gia Thành viên tại trang web của WIPO);

(iii) Phí bổ sung: được thanh toán cho quốc gia chỉ định nếu quốc gia đó không có yêu cầu phí riêng.

Để đảm bảo việc tính toán phí Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế được chính xác nhất, vui lòng sử dụng công cụ Fee Caculator trên trang web của WIPO

6. Phương thức thanh toán

Việc thanh toán có thể được thực hiện bằng bất kỳ phương tiện nào được liệt kê tại Bảng Tính Phí của WIPO. Các khoản phí có thể được thanh toán bằng các phương thức sau:

(i) bằng cách khấu trừ từ Tài khoản vãng lai tại WIPO; hoặc

(ii) khấu trừ từ các khoản tiền đã được chuyển đến WIPO; hoặc

(iii) chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của WIPO; hoặc

(iv) bằng thẻ tín dụng (chỉ áp dụng đối với việc sử dụng dịch vụ Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế Trực tuyến)

7. Hiệu lực của Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế 

Ngày có hiệu lực của Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế có thể do Chủ sở hữu lựa chọn, có thể là ngày Cơ quan Sở hữu Trí tuệ hoặc Văn phòng Quốc tế nhận đơn, hoặc sau khi ghi nhận việc thay đổi hoặc hủy bỏ một phần đối với Đăng ký Quốc tế liên quan, hoặc sau khi gia hạn Đăng ký Quốc tế.

Lưu ý rằng trong trường hợp Chủ sở hữu không có yêu cầu, ngày có hiệu lực của Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế sẽ bắt đầu từ:

(i) Ngày Văn phòng Quốc tế nhận đơn trong trường hợp nộp đơn trực tiếp đến Văn phòng Quốc tế (Trực tuyến); hoặc

(ii) Ngày Cơ quan Sở hữu Trí tuệ nhận đơn trong trường hợp nộp cho Cơ quan đó (Trực tiếp), với điều kiện Văn phòng Quốc tế phải nhận được đơn trong vòng 2 tháng kể từ ngày Cơ quan Sở hữu Trí tuệ nhận đơn. Trường hợp Văn phòng Quốc tế nhận đơn sau thời gian trên, thời gian có hiệu lực bắt đầu từ ngày Văn phòng Quốc tế nhận đơn.

Trong những trường hợp này, ngày bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia được chỉ định bổ sung đó bắt đầu vào ngày Chỉ định bổ sung như thể nhãn hiệu đã được nộp trực tiếp ở Cơ quan Sở hữu Trí tuệ của quốc gia được chỉ định bổ sung hoặc như thể nhãn hiệu đã được đăng ký bởi Cơ quan Sở hữu Trí tuệ của quốc gia được chỉ định bổ sung (nếu không có thông báo từ chối tạm thời).

Tuy nhiên, việc được ấn định ngày bắt đầu bảo hộ là ngày nộp đơn Chỉ định bổ sung có thể gây bất lợi đối với chủ sở hữu. Chẳng hạn, khi việc Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế được thực hiện cùng thời điểm có yêu cầu thay đổi (thay đổi thông tin chủ sở hữu, quyền sở hữu,…) hoặc thời điểm gia hạn Đăng ký Quốc tế, thì việc Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế sẽ có hiệu lực trước thời điểm có hiệu lực của những thay đổi nêu trên. Có nghĩa là trong những trường hợp này, những thay đổi nêu trên sẽ không được ghi nhận trong Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế hoặc Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế đó sẽ không được bao gồm trong việc gia hạn và vì vậy, Chủ sở hữu vẫn sẽ phải gia hạn để duy trì hiệu lực của Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế mới được thực hiện đó.

Xem thêm: thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế hiện nay

8. Thời hạn bảo hộ của Chỉ định bổ sung

Quốc gia được chỉ định bởi Chỉ định bổ sung sẽ không có thời hạn bảo hộ độc lập 10 năm, mà thay vào đó, ngày hết hiệu lực của Đăng ký Quốc tế cũng sẽ là ngày hết hiệu lực của Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế. Do đó, trong trường hợp Đăng ký Quốc tế sắp hết hạn và kinh phí là một vấn đề cần phải xem xét, Chủ sở hữu Đăng ký Quốc tế nên cân nhắc việc đăng ký bổ sung quốc gia chỉ định (hoặc thực hiện Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế) sau khi việc gia hạn Đăng ký Quốc tế được thực hiện.

Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến việc Chỉ định bổ sung Đăng ký Quốc tế theo quy hệ thống Madrid. Trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu tư vấn về Sở hữu Trí tuệ, Quý đọc giả vui lòng liên hệ Apolat Legal thông qua địa chỉ info@apolatlegal.com để được tư vấn chi tiết.

 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.