Vụ án thương mại có yếu tố nước ngoài nào phải do tòa án Việt Nam giải quyết?

Tương ứng với việc giao thương quốc tế ngày càng phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, số lượng các tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng theo. Một vụ án dân sự được coi là có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam khi (1) có ít nhất một trong các bên tham gia là chủ thể nước ngoài; hoặc (2) các bên tham gia đều là chủ thể Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; hoặc (3) các bên tham gia đều là chủ thể Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài. Về cơ bản, tư pháp quốc tế Việt Nam tôn trọng thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, với một số loại vụ việc nhất định, pháp luật Việt Nam quy định chỉ có Tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền xét xử, bất kể các bên đã thỏa thuận lựa chọn cơ quan tài phán khác. Đây được gọi là thẩm quyền riêng biệt của Tòa án và sẽ được phân tích tại bài viết dưới đây. 

1. Các loại thẩm quyền của Tòa án giải quyết vụ án thương mại có yếu tố nước ngoài 

Thẩm quyền của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung và các vụ án kinh doanh, thương mại nói riêng được chia thành 02 loại: thẩm quyền chung của Tòa án và thẩm quyền riêng biệt của Tòa án. Ý nghĩa pháp lý của mỗi loại thẩm quyền này là gì? 

Thẩm quyền chung của Tòa án 

Với những tranh chấp thuộc thẩm quyền chung của Tòa án, người khởi kiện không bắt buộc phải lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết tranh chấp, mà có thể lựa chọn Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp khác (ví dụ: trọng tài thương mại trong nước, nước ngoài…) để khởi kiện nếu việc lựa chọn đó phù hợp với pháp luật của nước đơn khởi kiện được gửi tới. Các loại tranh chấp thuộc thẩm quyền xét xử chung của Tòa án Việt Nam được quy định tại Khoản 1, Điều 469 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 (“BLTTDS”), bao gồm:  

  • Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. 
  • Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam nếu các vụ án liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đó.
  • Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam.
  • Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
  • Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.

Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án 

Với những tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án, thì chỉ Tòa án của quốc gia đó có quyền giải quyết vụ việc. So với thẩm quyền chung, thẩm quyền riêng biệt của Tòa án có những tính chất đặc thù sau.  

  • Mục đích của việc đặt ra chế định thẩm quyền riêng biệt là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, trật tự công cộng và các quyền, lợi ích cần thiết của công dân, pháp nhân quốc gia đó. 
  • Thẩm quyền riêng biệt có tính chất áp đặt với đương sự, thể hiện ở việc nếu vụ việc thuộc thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam nhưng lại được giải quyết bởi một cơ quan giải quyết tranh chấp khác, thì bản án đó sẽ không được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam.  

Ví dụ vụ án: Bà Oh (địa chỉ Hàn Quốc) khởi kiện Công Ty TNHH S (công ty Việt Nam) tại Tòa Án Quận Trung Tâm Seoul, yêu cầu Tòa buộc Công Ty S phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Bà Oh theo Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp tại Công Ty TNHH P (công ty Việt Nam) giữa Bà Oh và Công Ty S. Tháng 02/2016, Tòa Án Cao Cấp Seoul Hàn Quốc ban hành Bản án phúc thẩm, buộc Công Ty S thanh toán cho Bà Oh số tiền là 400.000 USD và tiền lãi tương ứng với thời gian chậm trả. Trên cơ sở đó, Bà Oh đã nộp Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Bản án của Tòa án nước ngoài. 

Tuy nhiên, tại Quyết định số 28/2020/QĐKDTM-PT ngày 29/06/2020, Tòa Án Nhân Dân (“TAND”) Cấp Cao Tại TP. HCM đã nhận định rằng, về bản chất, tài sản Bà Oh chuyển nhượng cho Công Ty S bao gồm 100% vốn góp tại Công Ty P, toàn bộ công trình nhà xưởng, máy móc… gắn liền trên diện tích 10.000 m2 là bất động sản, tọa lạc tại Thành Phố T2, Tỉnh L (Việt Nam) đã được UBND Tỉnh L cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất. Do đó, xét thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt, thì tranh chấp giữa Bà Oh và Công TY S đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm của Việt Nam không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Bản án của Tòa án Hàn Quốc là có căn cứ. 

Mặc dù, việc TAND Cấp Cao xác định tranh chấp giữa Bà Oh và Công Ty S là tranh chấp liên quan đến bất động sản đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, Quyết định của TAND Cấp Cao nói trên thể hiện việc Tòa án Việt Nam sẽ không công nhận và cho thi hành một bản án của Tòa án nước ngoài giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa Việt Nam. 

2. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của Tòa án Việt Nam 

Theo Khoản 1 Điều 470 BLTTDS, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền xét xử riêng biệt với những vụ án kinh doanh, thương mại sau đây. 

  • Vụ án liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam. 

Quy định này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Với tính chất nhạy cảm của chủ quyền lãnh thổ, pháp luật các quốc gia và các Điều ước quốc tế thông thường cũng quy định những vụ án dân sự có liên quan đến bất động sản (“BĐS”) sẽ chỉ thuộc thẩm quyền giải quyết của nước nơi có BĐS đó. 

Tại Việt Nam, những tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến quyền đối với BĐS có thể kể đến: tranh chấp liên quan đến việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; tranh chấp chuyển nhượng vốn mà phần vốn góp liên quan đến BĐS/dự án BĐS; tranh chấp liên quan đến thuê, cho thuê lại BĐS hay mua bán, chuyển nhượng BĐS.  

Ví dụ vụ án: Năm 2018, Công Ty N (công ty Việt Nam) khởi kiện Công Ty DWS (công ty Hàn Quốc) liên quan đến việc Công Ty DWS nhận chuyển nhượng phần vốn góp của 02 công ty Hàn Quốc (Công Ty P&D và Công Ty LVC) tại Công Ty Liên Doanh VK H. VK H vốn là công ty liên doanh của Việt Nam được thành lập năm 2007 dựa trên Hợp đồng liên doanh giữa N, P&D và LVC để thực hiện Khu nhà ở cao tầng The Mark (Quận 7, HCM). Năm 2015, P&D và LVC bị Tòa án Hàn Quốc tuyên bố phá sản. Quản tài viên được Tòa án Hàn Quốc chỉ định đã nhân danh P&D và LVC ký các hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của P&D và LVC trong VK H cho DWS. N sau đó khởi kiện DWS tại TAND TP. Hồ Chí Minh, yêu cầu Tòa không công nhận các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp này.  

Vụ án được xét xử phúc thẩm bởi TAND Cấp Cao tại TP. HCM. Tại Bản án phúc thẩm 52/2019/KDTMPT ngày 11/09/2019, Tòa Cấp Cao đã nhận định rằng, P&D và LVC là bên liên doanh nước ngoài, cùng với N thành lập Liên Doanh VK H để thực hiện Dự án nhà ở The Mark. Do đó, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của P&D và LVC trong VK H cho DWS là vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là BĐS có trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, việc giải quyết vụ án này phải thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 470 BLTTDS. 

  •  Vụ án mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.

Quy định này thể hiện sự tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên trong một quan hệ dân sự nói chung và quan hệ kinh doanh, thương mại nói riêng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế hiện hành. 

Việc giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam trên thực tế có thể rất phức tạp, tốn kém chi phí và kéo dài thời gian. Như phân tích ở trên, bản án, quyết định, phán quyết của Tòa án nước ngoài hay trọng tài sẽ không được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Do đó, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chủ thể là một bên của tranh chấp, dù là bên khởi kiện hay bên bị kiện, nên liên hệ với Luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam để được tư vấn kịp thời và toàn diện. 

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.