Vào ngày 14 tháng 6 năm 2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số (“Luật CNCNS”), dự kiến Luật sẽ có hiệu lực từ 01/01/2026. Đây là luật chuyên ngành đầu tiên tại Việt Nam được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), tài sản số. Luật CNCNS được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy thể chế quan trọng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, mở đường cho doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Các điểm chính của Luật
Luật CNCNS chủ yếu tập trung vào các nội dung về cơ chế ưu đãi doanh nghiệp công nghệ số; phát triển hạ tầng số dùng chung; khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân tài và thử nghiệm công nghệ có kiểm soát được. Với mục tiêu khuyến khích đổi mới sáng tạo Nhà nước xác định trọng tâm đẩy mạnh và ban hành nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. Chẳng hạn như đối với ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Luật quy định các dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn và các dự án xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, các ưu đãi đầu tư khác theo pháp luật đầu tư. Ngoài ra, dự án còn được hỗ trợ chi phí đầu tư để đầu tư xây dựng nhà máy, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị máy móc và được ưu tiên hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan cũng như thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án và miễn trừ áp dụng điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
Song hành với chính sách đẩy mạnh phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, việc giảm sát và quản lý rủi ro của trí tuệ nhân tạo cũng được chú trọng. Luật CNCNS nhấn mạnh nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, đảm bảo tính minh bạch, an toàn và không phân biệt đối xử trong việc phát triển và triển khai các hệ thống AI. Theo hướng dẫn của Luật, AI được phân loại thành các nhóm gồm: rủi ro cao, tác động lớn và không rủi ro cao và tùy thuộc vào tính chất của từng nhóm AI, doanh nghiệp cần có cơ chế giảm sát, quản lý phù hợp khi sử dụng trong hoạt động kinh doanh của mình.
Phát triển và quản lý tài sản số
Lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tài sản số được công nhận là một loại tài sản hợp pháp, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho nền kinh tế số. Luật CNCNS thiết lập các nguyên tắc cơ bản về quyền sở hữu, chuyển giao, khai thác, lưu trữ và bảo vệ tài sản số, tạo cơ sở pháp lý để cá nhân, tổ chức có thể xác lập và thực hiện các quyền tài sản một cách hợp pháp. Việc quản lý tài sản số sẽ được giám sát chặt chẽ bởi Cơ quan quản lý Nhà nước nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng mà Nhà nước đặc biệt quan tâm khi từ năm 2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách Xám). Theo đó, Việt Nam nếu muốn rời khỏi danh sách thì phải ban hành chính sách quản lý về tài sản ảo.
Kết luận
Việc Quốc hội chính thức thông qua Luật CNCNS là một bước tiến mang tính chiến lược trong tiến trình hoàn thiện quy định về phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Luật không chỉ tạo hành lang pháp lý rõ ràng và nhất quán cho các lĩnh vực công nghệ tiên tiến mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu. Bên cạnh đó, việc thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro đối với công nghệ cao và công nhận tài sản số như một loại tài sản hợp pháp cho thấy sự tiếp cận thận trọng nhưng linh hoạt, hướng tới phát triển bền vững, an toàn và minh bạch.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực cải thiện các tiêu chí để được rút khỏi Danh sách giám sát tăng cường của FATF, Luật CNCNS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo, tăng cường năng lực phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Trong thời gian tới, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đồng bộ, thống nhất và kịp thời sẽ là yếu tố then chốt để Luật CNCNS được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn và trở thành động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện.