P.1 – Khái quát và Điều Kiện Áp Dụng Thỏa Thuận Phạt Vi Phạm
Tóm tắt: Phạt vi phạm là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Hợp đồng và được áp dụng thường xuyên trong các giao dịch dân sự, thương mại và xây dựng nhằm răn đe và xử lý các vi phạm theo hợp đồng. Phạt vi phạm cũng đồng thời cũng là một biện pháp khắc phục, giải quyết một phần hậu quả, thiệt hại. Dù vậy, thực tiễn cho thấy không chỉ các doanh nghiệp mà còn có các cơ quan tài phán gặp khó khăn trong việc xác định rõ tính pháp lý của thỏa thuận phạt vi phạm cũng như giá trị của mức phạt.
Trong phạm vi của chuỗi bài viết liên quan đến Thỏa thuận phạt vi phạm Hợp đồng này, tác giả sẽ trình bày các quy định pháp luật cũng như thực tiễn về thỏa thuận phạt vi phạm Hợp đồng và về các định hướng xét xử của Cơ quan tài phán có thẩm quyền tại Việt Nam.
1. Khái quát về thỏa thuận phạt vi phạm trong Hợp đồng
Thỏa thuận phạt vi phạm trong Hợp đồng là một trong những điều khoản rất thông dụng trong không chỉ các hợp đồng thương mại mà còn trong các giao dịch dân sự, đặc biệt còn là điều khoản đặc biệt quan trọng đối với một số hợp đồng mà có tính chất khó chứng minh thiệt hại thực tế và trực tiếp. Thỏa thuận về phạt vi phạm giúp các bên tránh các thủ tục tranh chấp kéo dài do phải xác định mức độ thiệt hại và mức bồi thường tương ứng. Ngoài ra, khác với Bồi thường thiệt hại, Phạt vi phạm hợp đồng không chỉ có tính chất là biện pháp khắc phục hậu quả thông thường mà còn là một chế tài răn đe, nhắc nhở nhầm đảm bảo các bên phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết trong Hợp đồng.
Chế định phạt vi phạm hợp đồng đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận rất lâu đời tại Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế 1989, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự 1991, các đời của Bộ luật Dân sự (1995-2005 và 2015), các đời của Luật Thương mại (1997-2005) và Luật Xây dựng 2014. Có thể thấy các quy định pháp luật về thỏa thuận phạt vi phạm hiện nay không chỉ được xây dựng và ghi nhận tại nguồn luật chung là Bộ luật dân sự 2015 (“BLDS”) (Điều 418 BLDS) mà còn tại các nguồn luật chuyên ngành là Luật Thương mại 2005 (“LTM”) (Điều 300 và 301 LTM) và Luật xây dựng 2014 (“LXD”) (Điều 141.1 và Điều 146.2).
Mặc dù Thỏa thuận về phạt vi phạm được quy định tại nhiều nguồn luật thì khái niệm và cơ chế của chế tài này vẫn không thay đổi. Theo đó, Phạt vi phạm hợp đồng vẫn luôn là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, trong đó bên vi phạm nghĩa vụ sẽ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tiễn để áp dụng được chế tài này thì các bên cần phải hiểu rõ về điều kiện áp dụng của thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng.
2. Điều kiện áp dụng Thỏa thuận về phạt vi phạm
Dựa trên bản chất và khái niệm trên thì chúng ta có thể hiểu về điều kiện để được áp dụng của Thỏa thuận phạt vi phạm như sau:
(1) Hợp đồng không bị vô hiệu
Hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập – Điều 131.1 BLDS. Nghĩa là các bên sẽ không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng, bao gồm cả thỏa thuận về phạt vi phạm Hợp đồng.
Do đó, chỉ khi hợp đồng có hiệu lực thì thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng mới có hiệu lực và có giá trị pháp lý ràng buộc trách nhiệm đối với các bên.
(2) Phải có thỏa thuận về Phạt vi phạm hợp đồng
“Có thỏa thuận” được xem như là một điều kiện tiên quyết khi áp dụng chế tài Phạt vi phạm Hợp đồng. Đây cũng là một điểm phân biệt rõ ràng giữa Phạt vi phạm Hợp đồng với Bồi thường thiệt hại. Trong khi sự thỏa thuận không phải là điều kiện bắt buộc của Bồi thường thiệt hại thì Sự thỏa thuận giữa các bên là điều kiện tiên quyết của Phạt vi phạm hợp đồng. Điều này đã được pháp luật quy định rất rõ, cụ thể như sau:
- Tại khoản 1 Điều 418 BLDS quy định: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.”
- Tại Điều 300 LTM quy định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.”
Do đó, chế tài phạt vi phạm hợp đồng chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng.
(3) Thời điểm xác lập thỏa thuận phạt vi phạm phải có trước hành vi vi phạm hợp đồng
Tuy pháp luật hiện hành không quy định hay đề cập đến thời điểm xác lập của thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng, nhưng không phải mặc nhiên việc các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng thì điều khoản phạt vi phạm có thể được áp dụng. Chế tài phạt vi phạm Hợp đồng chỉ được áp dụng khi các bên đã có thỏa thuận từ trước khi một trong các bên có hành vi vi phạm hợp đồng.
Xét về bản chất, thỏa thuận vi phạm là việc bên vi phạm trả cho bên bị vi phạm một khoản tiền phạt khi bên vi phạm có hành vi vi phạm hợp đồng như đã thỏa thuận từ trước. Vì vậy, thỏa thuận phạt vi phạm sẽ có giới hạn về mặt thời gian. Cụ thể, thỏa thuận phạt vi phạm sẽ không được áp dụng đối với hành vi vi phạm nếu được xác lập sau thời điểm có hành vi vi phạm hợp đồng đó. Bởi lẽ, lúc này thỏa thuận đó sẽ không còn phản ánh bản chất của một thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng (đó là tính răn đe, đảm bảo thực hiện hợp đồng) mà chỉ nhằm khắc phục hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm đó gây ra. Do đó, thỏa thuận đó sẽ không được xem là phạt vi phạm hợp đồng mà là Bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, các nhà làm luật cũng thể hiện rất rõ quan điểm về bản chất của Phạt vi phạm Hợp đồng là một chế tài đảm bảo thực hiện hợp đồng nhiều hơn là khắc phục hậu quả, thiệt hại thông qua các đời của BLDS. Cụ thể, tại BLDS 1995 thì quy định về phạt vi phạm hợp đồng được liệt kê trong mục Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 377) và các đời BLDS về sau (2005, 2015) thì phạt vi phạm hợp đồng được quy định tại mục thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Tuy nhiên, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận về phạt vi phạm sau thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Như đã nói ở trên, pháp luật hiện hành không quy định hay đề cập đến thời điểm xác lập của thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng, nhưng theo tác giả cũng không có lý do gì mà lại cấm các bên bổ sung thêm điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng trong thời gian thực hiện Hợp đồng. Do đó, ngay tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thỏa thuận về phạt vi phạm, thì các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận bổ sung thêm về phạt vi phạm trong khi thực hiện hợp đồng, miễn là thỏa thuận này được xác lập trước thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu các bên thỏa thuận phạt vi phạm sau thời điểm xảy ra hành vi vi phạm thì thỏa thuận đó sẽ không được áp dụng với hành vi vi phạm xảy ra trước mà chỉ có thể áp dụng đối với các hành vi vi phạm sau này.
(4) Phải có hành vi vi phạm theo đúng thỏa thuận phạt vi phạm
Hành vi vi phạm là nhân tố không thể thiếu nếu muốn áp dụng thỏa thuận phạt vi phạm. Tuy nhiên, không phải bất kỳ hành vi vi phạm hợp đồng nào cũng có thể áp dụng thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. Bởi lẽ thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng ngoài việc có giới hạn về mặt thời gian thì còn có giới hạn về chủ thể và phạm vi của hành vi vi phạm.
Ví dụ, nếu các bên thỏa thuận về phạt vi phạm đối với hành vi chậm giao hàng của bên bán thì sẽ không thể áp dụng điều khoản phạt này cho bên mua. Bởi lẽ hành vi chậm giao hàng lúc này đã bị giới hạn về mặt chủ thể là bên bán và phạm vi là hành vi chậm giao hàng.
Do đó, dựa trên nội hàm của điều khoản phạt vi phạm theo thỏa thuận của các bên mà xác định hành vi vi phạm đó có nằm trong phạm vi của thỏa thuận phạt vi phạm đã giao kết hay không.
(5) Hành vi vi phạm không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm
Sẽ là bất hợp lý khi một bên phải gánh chịu trách nhiệm đối với việc vi phạm do bên còn lại cố tình cản trở hoặc do các sự kiện tự nhiên hoặc nhân tạo như thay đổi pháp luật, đảo chính, chiến tranh mà cả hai bên đều không thể lường trước tại thời điểm giao kết cũng như không thể khắc phục được mặc cho đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Vi vậy, pháp luật cũng đã nêu rõ về các trường hợp bên vi phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm của mình, cụ thể tại Điều 294 LTM và Khoản 1 khoản 2 Điều 351 BLDS. Theo đó, nếu việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của một bên được xuất phát từ các nguyên nhân như bất khả kháng, do lỗi của bên bị vi phạm, do sự thay đổi của pháp luật mà không lường trước được tại thời điểm ký kết hợp đồng thì bên vi phạm đó sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với các vi phạm của mình.
Ngoài ra, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật là cho phép các bên cũng có thể tự do giao kết, xác lập thỏa thuận về mọi cam kết, mọi thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (Điều 3.2 BLDS). Do đó, các bên có thể thỏa thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm cho một hoặc cả hai bên trong giao dịch.
Tóm lại, chế tài phạt vi phạm hợp đồng là một chế tài phổ biến và thông dụng trong quan hệ hợp đồng và đóng vai trò quan trọng trong một số trường hợp khó xác định mức bồi thường thiệt hại. Do đó, trong quá trình đàm phán và thực hiện hợp đồng, các bên cần lưu ý các điều kiện áp để một thỏa thuận phạt vi phạm có thể được áp dụng trên thực tiễn: (i) Hợp đồng không bị vô hiệu; (ii) phải có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng; (iii) Thời điểm xác lập thỏa thuận phạt vi phạm phải có trước hành vi vi phạm hợp đồng; (iv) phải có hành vi vi phạm theo thỏa thuận phạt vi phạm; và (v) hành vi vi phạm không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm.
Xem thêm_Tổng quan về phạt vi phạm hợp đồng (phần 2)