1. Thông qua dự án Nghị quyết trình UBTVQH về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 theo đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế BVMT đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
2. Thông qua Nghị quyết về số giờ làm thêm của người lao động
Vào ngày 23/03/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Nghị quyết nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Các trường hợp sau được loại trừ với quy định trên: người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, không áp dụng quy định trên đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Trước đây, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 đã khống chế khung làm thêm 200 giờ mỗi năm, và nới số giờ tối đa trong tháng lên đến 40 giờ.
Nghị quyết vừa được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2022, riêng quy định về số giờ làm thêm trong một năm có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.
3. Sửa đổi quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/3022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, trong đó bổ sung một số quy định về nhập khẩu phim.
Cụ thể, Nghị định bổ sung khoản 3 Điều 8 thẩm quyền cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm như sau: Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.
Về thủ tục cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 9 như sau: Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm cung cấp văn hóa phẩm nhập khẩu và tờ khai hải quan (bản sao không cần chứng thực) để cơ quan cấp giấy phép giám định.
Nghị định cũng bổ sung quy định: Cá nhân nhập khẩu phim chỉ để sử dụng cho mục đích cá nhân cam kết không vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh và sử dụng phim đúng với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 10: Thời gian giám định văn hóa phẩm nhập khẩu tối đa không quá 12 ngày làm việc. Đối với văn hóa phẩm là phim, thời gian giám định phim không quá 12 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức cung cấp bản phim.
Nghị định số 22/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/5/2022.