Thi hành bản án dân sự tại Việt Nam có khó không?

Sau khi Tòa án ban hành bản án, quyết định (gọi chung là “bản án”) giải quyết vụ án, bước tiếp theo người thắng kiện nào cũng quan tâm là việc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật như thế nào để hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy, quá trình thi hành án ở Việt Nam thường gặp nhiều thách thức và tốn thời gian. Một vài lý do có thể kể đến như khung pháp lý điều chỉnh quá trình thi hành án phức tạp, người phải thi hành án lợi dụng kẽ hở của luật để cản trở quá trình thi hành án, hay như việc các cơ quan chức năng có thể bị lúng túng khi thi hành án những vụ án khó. Để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình, tổ chức, cá nhân thắng kiện cần hiểu được làm thế nào để thi hành một bản án của Tòa án tại Việt Nam. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ tập trung chỉ ra các bước cụ thể người được thi hành án cần biết từ thời điểm yêu cầu thi hành án đến khi bản án được thi hành xong theo quy định pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam.  

Bước 1: Người được thi hành án gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền. 

Về nguyên tắc, bản án sơ thẩm do Tòa Án Nhân Dân cấp nào và ở địa phương nào ban hành thì Cơ quan thi hành án (“THA”) dân sự của cấp đó ở địa phương đó có thẩm quyền thi hành [1]. Ví dụ: Cục THA Dân Sự TP. HCM có thẩm quyền THA với những bản án sơ thẩm do Tòa Án Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh ban hành.  

Người được THA phải gửi yêu cầu THA đến cơ quan THA trong thời hiệu luật định, cụ thể là 05 năm kể từ ngày bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ của người phải thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án thì thời hạn 05 năm này được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn [2]. 

Về hình thức nộp đơn, người được THA có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu THA bằng cách nộp trực tiếp đơn hoặc gửi đơn qua bưu điện đến cơ quan THA có thẩm quyền. Trên thực tế, với những vụ án phức tạp, giá trị lớn, người được THA thường ủy quyền cho Luật sư thay mặt và đại diện mình tham gia toàn bộ quá trình THA để đảm bảo việc THA được diễn ra suôn sẻ nhất.   

Bước 2: Cơ quan THA ban hành quyết định THA.   

Nếu yêu cầu THA không thuộc trường hợp bị từ chối THA (ví dụ: nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung bản án, hết thời hiệu yêu cầu THA…), thì thủ trưởng cơ quan THA sẽ ra Quyết định THA trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu THA [3]. 

Bước 3: Người phải THA tự nguyện thi hành. 

Thời hạn tự nguyện THA là 10 ngày, kể từ ngày người phải THA nhận được quyết định THA hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA [4]. 

Bước 4: Chấp hành viên THA xác minh điều kiện THA nếu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện THA mà người phải THA không tự nguyện chấp hành [5]. 

Xác minh điều kiện THA là xác minh, thu thập thông tin cụ thể về tài sản, thu nhập, điều kiện tài chính của người phải THA và các nội dung khác phục vụ cho mục đích THA. 

Lưu ý rằng, để sớm có kết quả xác minh điều kiện THA, người được THA cũng có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện THA và cung cấp những thông tin thu thập được cho cơ quan THA xem xét.  

Bước 5: Cơ quan THA ban hành quyết định cưỡng chế THA.  

Nếu tại Bước 4 xác minh được người phải THA có điều kiện THA, thì cơ quan THA sẽ thực hiện cưỡng chế THA với người phải THA [6]. Hiện nay, pháp luật quy định có 06 hình thức cưỡng chế THA như sau [7]: 

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải THA. 
  • Trừ vào thu nhập của người phải THA. 
  • Kê biên, xử lý tài sản của người phải THA, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ. 
  • Khai thác tài sản của người phải THA.  
  • Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ. 
  • Buộc người phải THA thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định. 

Bước 6: Cơ quan THA thông báo số tiền phí THA dân sự mà người được THA phải nộp trước khi giao tài sản cho người được THA ít nhất 15 ngày [8]. 

Nếu cơ quan THA thu được tiền, tài sản từ việc cưỡng chế THA ở Bước 5, thì ít nhất 15 ngày trước khi giao tiền, tài sản cho người được THA, cơ quan THA phải thông báo số tiền phí THA mà người được THA phải nộp là bao nhiêu. Hiện nay, mức phí THA dân sự mà người được THA phải nộp được tính dựa trên số tiền, giá trị tài sản thực nhận [9]. Ví dụ: 

Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng; 

 

Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng. 

Trong trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu THA mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu để quản lý, thì người yêu cầu đó phải nộp phí THA dân sự tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận. 

Bước 7: Cơ quan THA thanh toán tiền, trả tài sản THA cho người được THA.  

Trong vòng 10 ngày kể từ ngày thu được tiền, tài sản THA, cơ quan THA có trách nhiệm thanh toán tiền, trả tài sản THA cho người được THA. 

Cần lưu ý rằng, người THA có thể không được nhận toàn bộ giá trị tiền, tài sản có được từ việc cưỡng chế THA. Bởi lẽ, số tiền, tài sản thu được từ THA sẽ phải được phân chia theo thứ tự luật định như sau [10]: 

  • Thứ nhất: phải thanh toán chi phí THA và khoản tiền trích lại cho người phải THA theo quy định tại Khoản 5 Điều 115 Luật THA Dân Sự (áp dụng với trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải THA và sau khi thanh toán hết các khoản nghĩa vụ THA, người phải THA không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới). 
  • Thứ hai: phải thanh toán các khoản tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần.  
  • Thứ ba: phải thanh toán các khoản án phí, lệ phí Tòa án. Số tiền án phí, lệ phí mà người phải THA phải thanh toán cho Tòa án được ghi nhận cụ thể tại bản án của Tòa án. 
  • Cuối cùng: thanh toán các khoản phải THA khác theo bản án, quyết định. 

Về hình thức thanh toán tiền, trả tài sản THA, người được THA có thể trực tiếp đến nhận tiền tại trụ sở cơ quan THA hoặc đề nghị cơ quan THA chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản.  

Trên đây là trình bày sơ bộ về quy trình thi hành một bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực ở Việt Nam. Thực tiễn việc THA ở Việt Nam có thể rất khác nhau tùy theo hoàn cảnh khách quan cụ thể của từng vụ việc. Do đó, tổ chức, cá nhân là bên được hưởng quyền, lợi ích trong bản án và đang cân nhắc việc nộp đơn yêu cầu THA đến cơ quan THA có thẩm quyền nên cân nhắc tham khảo ý kiến của luật sư có kinh nghiệm về thi hành án dân sự ở Việt Nam để được tư vấn kịp thời. 

[1] Điều 35 Luật Thi Hành Án Dân Sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (“Luật THADS”) 

[2] Điều 30 Luật THADS 

[3] Điều 36 Luật THADS 

[4] Điều 45 Luật THADS 

[5] Điều 44 Luật THADS 

[6] Điều 46 Luật THADS 

[7] Điều 71 Luật THADS 

[8] Khoản 4 Điều 5 Thông tư 216/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THA dân sự (“Thông tư 216/2016”) 

[9] Khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016  

[10] Điều 47 Luật THADS

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải Quyết Tranh Chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.