1. Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra của quản lý thị trường
Chính phủ ban hành Nghị định 33/2022/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý thị trường. Trong đó quy định thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra của quản lý thị trường như sau:
- Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra quy định tại khoản 1 điều 21 Pháp lệnh Quản lý thị trường bao gồm:
+ Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường;
+ Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường;
+ Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh) gồm: Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Đội trưởng Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh gồm: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
+ Đội trưởng Đội Quản lý thị trường liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường chuyên ngành; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cơ động.
- Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra quy định nêu trên được giao quyền cho cấp phó ban hành quyết định kiểm tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Nghị định 33/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022 thay thế Nghị định 148/2016/NĐ-CP, Nghị định 78/2019/NĐ-CP .
2. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 10/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Thông tư nêu rõ về cơ chế chứng nhận xuất xứ và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa. Theo đó, đối với Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Thông tư quy định: Để được hưởng ưu đãi thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, Nhà nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu C/O mẫu D hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, kèm theo các chứng từ liên quan.
Về thời hạn hiệu lực của Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Thông tư quy định: Chứng nhận xuất xứ của hàng hóa, Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp hoặc kể từ ngày phát hành và phải được nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn đó.
Theo Thông tư, C/O điện tử có thể được nộp, được cấp và được chấp nhận thay cho C/O giấy, với hiệu lực pháp lý tương đương.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 16/7/2022.