1| Quyết định của Thủ Tướng Chính Phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Ngày 24 tháng 04 năm 2020, Thủ Tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi là “Quyết định 15”), tại đó cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính Phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi là “Nghị quyết 42”), tại đó:
- Quy định về 06 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ tài chính bao gồm: (1) Người lao động (“NLĐ”) bị ảnh hưởng; (2) Người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) bị ảnh hưởng; (3) Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm; (4) Người có công với cách mạng; và (5) Đối tượng bảo trợ xã hội; và (6) Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.
- Quy định mức hỗ trợ và thủ tục hỗ trợ cho NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với các nội dung chính như sau:
Dành cho người lao động
(1) Mức hỗ trợ tài chính 1.800.000 đồng/người/tháng
- NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Thời gian hỗ trợ tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và tối đa không quá 3 tháng.
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện được hướng dẫn tại Quyết định 15, theo đó:
- Doanh nghiệp lập Danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ không hưởng lương và gửi đến tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan bảo hiểm xã hội (“BHXH”) để xác nhận.
- Sau khi cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định 15/2020 và gửi lại doanh nghiệp (trong 03 ngày làm việc), doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở.
(2) Mức hỗ trợ tài chính 1.000.000 đồng/người/tháng
- NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
- Về thủ tục thực hiện, NLĐ nộp hồ sơ đề nghị đến UBND cấp xã theo mẫu trong Phụ lục kèm theo Quyết định 15/2020. Đối với trường hợp người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm thì thời hạn nộp hồ sơ là sau ngày 15 hằng tháng.
- Trường hợp người lao động có nơi thường trú và tạm trú ở hai phạm vi không cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có xác nhận của UBND xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định này và ngược lại.
Dành cho người sử dụng lao động
- NSDLĐ có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm, với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc. Mức vay tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng.
- Về thủ tục thực hiện, chậm nhất ngày 05 hằng tháng, NSDLĐ có nhu cầu gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân).
2| Ngân Hàng Nhà Nước (“NHNN”) đã trình Thủ tướng Chính Phủ thông qua Quyết định về việc triển khai thí điểm Mobile Money
Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (“NHNN”) Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Trước đó, NHNN đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là “Dự thảo Nghị định sửa đổi”) và đăng tải công khai để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, trong đó có các nội dung liên quan đến tiền di động – Mobile Money tiêu biểu như sau:
- Tiền di động được định nghĩa là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Dựa trên khái niệm này, Mobile Money là kết hợp của tiền điện tử và sử dụng nền tảng kỹ thuật di động để thực hiện các giao dịch tài chính, sử dụng cơ sở dữ liệu thuê bao di động để định danh khách hàng.
Khác với hai loại hình thẻ trả trước và ví điện tử, Mobile Money do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành (như VNPT, Viettel, MobiFone) và có thể không liên kết với tài khoản ngân hàng, chủ yếu để thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền với giá trị giao dịch nhỏ.
- Bộ Thông tin và Truyền Thông và NHNN dự kiến sẽ được triển khai cấp giấy phép Mobile Money vào khoảng tháng 6 năm nay. Theo đó, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone cho biết cũng đã chuẩn bị đề án trình lên cơ quan quản lý sau khi Thủ tướng chính thức đồng ý cho phép thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Tải Legal Updates tại đây.