Quy Trình Đề Nghị Xác Nhận Không Thuộc Diện Cấp Giấy Phép Lao Động - Apolat Legal

Quy Trình Đề Nghị Xác Nhận Không Thuộc Diện Cấp Giấy Phép Lao Động

Khi người lao động Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp thường chọn giải pháp sử dụng nguồn lao động từ nước ngoài. Theo quy định tại Nghị Định 152/2020/NĐ-CP (‘Nghị Định 152’) và Nghị Định 70/2023/NĐ-CP (‘Nghị Định 70’), để người lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy Phép Lao Động (‘GPLĐ’) cho người lao động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải có GPLĐ mà có thể được thay thế bằng báo cáo hoặc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ. Trong giới hạn phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đề cập các vấn đề liên quan đến “Quy trình đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động”

1. Thẩm quyền xác nhận không thuộc diện cấp Giấy Phép Lao Động 

Hiện nay, văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ chỉ do 02 cơ quan có thẩm quyền cấp, bao gồm:

  • Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (‘Bộ LĐTBXH’);
  • Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (‘Sở LĐTBXH’). 

Theo đó, nếu người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ đề nghị cấp văn bản xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ ở Bộ LĐTBXH. Nếu người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại một hoặc nhiều địa điểm trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố thì đề nghị cấp văn bản xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ tại Sở LĐTBXH nơi người lao động dự kiến làm việc. 

2. Các trường hợp được đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp Giấy Phép Lao Động

Người lao động nước ngoài được đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. 
  • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.
  • Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.
  • Người nước ngoài được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
  • Người nước ngoài được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy hoặc làm nhà quản lý, giám đốc điều hành tại cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
  • Tình nguyện viên là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
  • Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật.
  • Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam.
  • Người lao động nước ngoài có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
  • Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.
  • Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các công việc sau: Giảng dạy, nghiên cứu; hoặc Làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.

3. Quy trình đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp Giấy Phép Lao Động 

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ  

Trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến làm việc, người sử dụng lao động phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ, gồm có:

  • Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo Mẫu số 09/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị Định 152;
  • Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe;
  • Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài;
  • Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc bản sao hộ chiếu có xác nhận của người sử dụng lao động còn giá trị theo quy định của pháp luật; và
  • Các giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. 

Lưu ý: Các tài liệu (2), (3) và (5) nêu trên phải được nộp là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực. Nếu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc chứng thực (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật). 

Bước 2. Nộp hồ sơ tại Bộ LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc

Hồ sơ có thể được nộp trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đối với người lao động nước ngoài tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh. 

Bước 3. Cấp văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp Giấy Phép Lao Động 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo Mẫu số 10/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị Định 152. Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. 

Văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ có thời hạn 02 năm.7 Sau khi xác nhận hết hạn, người sử dụng lao động phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại xác nhận (thời hạn tối đa 02 năm). Nếu không thực hiện cấp lại, người lao động nước ngoài có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng và bị trục xuất khỏi Việt Nam.8 Đồng thời, tùy thuộc vào số lượng người lao động nước ngoài vi phạm mà người sử dụng lao động cũng chịu mức phạt tương ứng. 

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao Động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.