Quốc hội Việt Nam đã thông qua hai Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA

Vào ngày 08 tháng 6 năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua cả hai Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA.

TỔNG QUAN TOÀN DIỆN CỦA HIỆP ĐỊNH EVFTA

Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan

Theo EVFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của EU thuộc 48,5% số dòng thuế trong biểu thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực (ngày 01 tháng 8 năm 2020). Trong vòng 07 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ 91,8% số dòng thuế trong biểu thuế. Trong vòng 10 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ 98,3% số dòng thuế trong biểu thuế.

Bên cạnh đó, EU sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế đối với hàng hoá Việt Nam ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Trong vòng 07 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế.

Các điểm đáng lưu ý trong các cam kết của Việt Nam về hàng hóa và dịch vụ

(i) Hàng tân trang sẽ được đối xử giống như hàng hóa mới tương tự. Một bên có thể yêu cầu dán nhãn cụ thể đối với hàng tân trang để tránh việc gây nhầm lẫn người tiêu dùng.

(ii) Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, bên cạnh cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, hai bên thống nhất cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là cơ chế mà nhà xuất khẩu tự khai xuất xứ của sản phẩm trong bộ tài liệu nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu thay vì phải xin C/O từ các cơ quan chức năng.

Việt Nam và EU nhất trí sử dụng mẫu C/O EUR 1 là mẫu chung trong Hiệp định EVFTA. Mẫu EUR 1 yêu cầu thông tin khai báo đơn giản hơn so với mẫu C/O trong các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã ký kết.

Một số thông tin nhà xuất khẩu được phép lựa chọn khai báo hoặc không khai báo như nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại. Về nội dung khai báo, hai bên thống nhất không yêu cầu thể hiện tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa trên C/O.

(iii) Đối với hoạt động bán lẻ, việc thành lập cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất) sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Trong trường hợp thành lập cơ sở bán lẻ nhỏ hơn 500m2 trong khu vực quy hoạch cho các hoạt động kinh doanh và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, việc kiểm tra ENT là không bắt buộc. 05 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, yêu cầu kiểm tra ENT sẽ bị bãi bỏ. Việt Nam vẫn có quyền áp dụng các biện pháp kế hoạch và quy hoạch không phân biệt đối xử.

(iv) Đối với dịch vụ ngân hàng, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này chỉ có hiệu lực trong vòng 05 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực (hết thời hạn 05 năm Việt Nam sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết này), không áp dụng với 04 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank. Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết này sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục mua bán, sáp nhập cũng như các điều kiện an toàn, cạnh tranh, bao gồm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng đối với từng nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia, theo quy định của pháp luật của Việt Nam.

(v) Đối với dịch vụ vận tải, Việt Nam cho phép cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế của Liên minh Châu Âu hoặc quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu để tái phân phối công-te-nơ rỗng do hãng tàu đó sở hữu hoặc đi thuê, với điều kiện những công-te-nơ đó không được vận chuyển có tính phí dưới dạng hàng hóa và sẽ được sử dụng để xử lý hàng hóa của hãng tàu đó, giữa cảng Quy Nhơn và cảng Cái Mép – Thị Vải. Sau 05 năm kể từ ngày EFVTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ cho phép thực hiện vận chuyển công-ten-nơ rỗng trên tất cả các tuyến. Với dịch vụ nạo vét, Việt Nam cho phép doanh nghiệp EU lập liên doanh tới 51% để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đối với dịch vụ mặt đất ở sân bay, Bộ Giao thông vận tải cũng đồng ý sau 05 năm kể từ khi Việt Nam mở cửa cho khu vực tư nhân sẽ cho phép các doanh nghiệp EU lập liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó vốn của phía nước ngoài không quá 49%, để đấu thầu cung cấp dịch vụ này. 03 năm sau đó, hạn chế vốn nước ngoài sẽ là 51%.

(vi) Đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, Việt Nam cho phép thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài sau 5 năm kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Tiếp cận thị trường

Đối với những ngành, phân ngành liệt kê trong Biểu cam kết cụ thể (ví dụ: dịch vụ y tế, dịch vụ kho bãi,…), trừ trường hợp có bảo lưu được ghi rõ trong Biểu cam kết, hai bên cam kết không áp dụng các hạn chế liên quan đến: (i) số lượng doanh nghiệp được phép tham gia thị trường, (ii) giá trị giao dịch, (iii) số lượng hoạt động, (iv) vốn góp của nước ngoài, (v) hình thức của pháp nhân, (vi) số lượng thể nhân được tuyển dụng.

Đối xử quốc gia

Đối với những ngành/phân ngành được liệt kê trong Biểu cam kết cụ thể (ví dụ: dịch vụ y tế, dịch vụ kho bãi,…), hai bên cam kết dành cho nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư của nhau sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử dành cho nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư tương tự của mình, trừ trường hợp có quy định khác ở trong Biểu cam kết. Đối với các doanh nghiệp của nhà đầu tư của một Bên đã hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia, hai Bên cam kết đối xử như doanh nghiệp của nhà đầu tư nước mình, trừ những ngoại lệ đã nêu trong Biểu cam kết và một số ngoại lệ cụ thể khác.

Các điểm đáng lưu ý liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ

(i) Hiệp định EVFTA yêu cầu mỗi bên phải quy định rằng một nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị đình chỉ hiệu lực nếu trong vòng 05 năm liên tục trước khi có yêu cầu bị đình chỉ, nhãn hiệu đó không được chủ sở hữu hoặc bên nhận chuyển giao quyền sở hữu đưa vào sử dụng một cách thực sự tại lãnh thổ tương ứng cho hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến nhãn hiệu đã được đăng ký mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc tiếp tục trước ít nhất 03 tháng tính đến ngày có yêu cầu đình chỉ.

(ii) Hiệp định EVFTA cũng yêu cầu Chính phủ của mỗi bên cung cấp cho các nhân viên hải quan và chính quyền các công cụ tốt hơn để giải quyết các hành vi xâm phạm thông qua các điều khoản nhằm cải thiện khung pháp lý và hành động chống lại các vi phạm. Theo đó, các cơ quan tư pháp có thẩm quyền, theo yêu cầu của một bên đã đưa ra bằng chứng sẵn có hợp lý hỗ trợ cho tuyên bố rằng quyền sở hữu trí tuệ của mình đã bị xâm phạm hoặc sắp bị xâm phạm, mỗi bên phải bảo đảm rằng cơ quan tư pháp có thẩm quyền của bên mình có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhanh chóng và hiệu quả để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, và cụ thể là, để ngăn chặn việc đưa vào và lưu thông hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu ngay sau khi được phép thông quan, trong kênh thương mại trên lãnh thổ nước mình.

TỔNG QUAN TOÀN DIỆN CỦA HIỆP ĐỊNH EVIPA

Các khoản đầu tư được bảo hộ

Theo Hiệp định EVIPA, các khoản đầu tư được bảo hộ của nhà đầu tư của một bên bị thiệt hại do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang, cách mạng, tình trạng khẩn cấp quốc gia, nổi loạn, khởi nghĩa hoặc bạo loạn trên lãnh thổ của bên kia sẽ được bên kia áp dụng sự đối xử có liên quan đến việc hoàn trả, đền bù, bồi thường hoặc biện pháp khác không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà bên kia dành cho các nhà đầu tư của mình hay của bất kỳ nước thứ ba nào.

Một bên sẽ không quốc hữu hóa hoặc trưng dụng các khoản đầu tư được bảo hộ của bên kia bằng các biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp với các biện pháp tương ứng với việc quốc hữu hóa hoặc trưng dụng, ngoại trừ:

(a) vì mục đích công;

(b) được thực hiện thông qua quy trình hợp pháp;

(c) trên cơ sở không phân biệt đối xử; và

(d) việc bồi thường được thực hiện nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả.

Tất cả việc chuyển tiền liên quan đến các khoản đầu tư được bảo hộ được cho phép thực hiện bằng bất kỳ đồng tiền tự do chuyển đổi nào, mà không có hạn chế hay sự chậm trễ nào và với tỉ giá thị trường hối đoái vào thời điểm chuyển đổi. Việc chuyển tiền bao gồm:

  • góp vốn, ví dụ vốn ban đầu hoặc vốn góp thêm để duy trì, phát triển hoặc tăng khoản đầu tư;
  • lợi nhuận, cổ tức, thu nhập từ vốn hoặc các nguồn thu khác từ việc bán toàn bộ hay một phần khoản đầu tư hoặc từ việc thanh khoản một phần hay toàn bộ khoản đầu tư;
  • các khoản thanh toán tiền lãi, tiền bản quyền, phí quản lý, và hỗ trợ kỹ thuật và các khoản phí khác;
  • các khoản thanh toán theo một hợp đồng do nhà đầu tư ký kết hoặc khoản đầu tư được bảo hộ, bao gồm các khoản thanh toán thỏa thuận vay;
  • thu nhập và khoản thù lao khác của nhân sự làm việc ở nước ngoài và có liên quan đến khoản đầu tư;
  • các khoản thanh toán để bồi thường cho tổn thất của các khoản đầu tư được bảo hộ của nhà đầu tư của một bên bị thiệt hại do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang, cách mạng, tình trạng khẩn cấp quốc gia, nổi loạn, khởi nghĩa hoặc bạo loạn trên lãnh thổ của bên kia;
  • các khoản thanh toán để bồi thường cho tổn thất do quốc hữu hóa hoặc trưng dụng; và
  • các khoản thanh toán thiệt hại căn cứ vào phán quyết theo thủ tục giải quyết tranh chấp.

Giải quyết tranh chấp

Hiệp định EVIPA cung cấp cơ chế cho các nhà đầu tư của một bên tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp đối với bên kia đối với một số hành vi vi phạm các biện pháp bảo vệ đầu tư. Thủ tục giải quyết tranh chấp theo thứ tự dưới đây:

  • Đầu tiên, tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua thương lượng hoặc hòa giải;
  • Trường hợp tranh chấp không thể được giải quyết qua thương lượng hoặc hòa giải, nhà đầu tư có thể gửi yêu cầu tham vấn đến nên trong tranh chấp;
  • Nếu tranh chấp không thể được giải quyết trong vòng 90 ngày kể từ ngày gửi yêu cầu tham vấn, nhà đầu tư có thể gửi thông báo về ý định gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp. Thông báo về ý định sẽ được gửi đến EU hoặc tới Việt Nam, tùy theo từng trường hợp;
  • Nếu tranh chấp không thể được giải quyết trong vòng 06 tháng kể từ khi gửi yêu cầu tham vấn và ít nhất 03 tháng đã trôi qua kể từ khi gửi thông báo về ý định trình khiếu kiện, nhà đầu tư có thể gửi yêu cầu tới cấp Tòa án sơ thẩm.

 

Tải Cập nhật pháp lý tại đây.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.