Q&A: Thành lập và hoạt động công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Phần 1)

Khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Công Ty Vốn Nước Ngoài”), Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thường gặp khó khăn bởi sự khác biệt giữa quy định pháp luật của Việt Nam so với quy định pháp luật của nước họ đang hoạt động kinh doanh. Do đó, có rất nhiều thắc mắc được đặt ra và cần được làm rõ, giúp Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể hiểu rõ hơn về quy định pháp luật Việt Nam trước khi tiến hành đầu tư.

Qua quá trình hoạt động, Apolat Legal đã thực hiện tư vấn cho rất nhiều Nhà Đầu Tư Nước Ngoài các vấn đề pháp lý liên quan, dưới đây là tổng hợp hệ thống các câu hỏi về các vấn đề mà Nhà Đầu Tư Nước Ngoài cần lưu ý để thực hiện đúng theo trình tự thời gian kể từ thời điểm quyết định thành lập Công Ty Vốn Nước Ngoài đến thời điểm đi vào hoạt động ổn định. Các nội dung đáng chú ý bao gồm: (i) Dự án đầu tư và thành lập công ty, (ii) Vốn đầu tư, (iii) Thuế, (iv) Lao động. 

Xem thêm: Q&A: Thành lập và hoạt động công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Phần 2).

I. DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ THÀNH LẬP CÔNG TY 

1. Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có được thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hay không?

Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để hoạt động kinh doanh ngành nghề như sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tư vấn quản lý doanh nghiệp,…. Tuy nhiên, trong trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài hoạt động trong lĩnh vực mà pháp luật yêu cầu phải liên doanh với Nhà Đầu Tư Việt Nam thì Nhà Đầu Tư Nước Ngoài bị giới hạn tỷ lệ góp vốn trong Công Ty Vốn Nước Ngoài. Tuỳ theo ngành nghề mà giới hạn về vốn này có thể thay đổi, ví dụ đối với ngành nghề quảng cáo thì giới hạn sở hữu là 99,99%, đối với ngành nghề vận tải đường biển thì giới hạn sở hữu là 49%. Trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài có nhiều ngành nghề, giới hạn tỷ lệ góp vốn của ngành nghề thấp nhất sẽ được áp dụng đối với Nhà Đầu Tư Nước Ngoài.

2. Loại hình doanh nghiệp mà Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể lựa chọn? 

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể lựa chọn thành lập bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh. Tuy nhiên, do những ưu điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần mà Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thường lựa chọn hai loại hình doanh nghiệp này. 

3. Ngành nghề kinh doanh mà Công Ty Vốn Nước Ngoài được phép hoạt động? 

Các Công Ty Vốn Nước Ngoài được phép hoạt động hầu hết ngành nghề không cấm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường hoặc cho phép Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đầu tư kinh doanh như dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị; dịch vụ cho thuê lại lao động …, cơ quan cấp phép sẽ hỏi ý kiến của các Bộ ngành có liên quan để xin ý kiến chấp thuận cho từng trường hợp cụ thể, nếu các Bộ chấp thuận thì cơ quan cấp phép mới cấp giấy phép/giấy chứng nhận cho phép Công Ty Vốn Nước Ngoài hoạt động. 

4. Công Ty Vốn Nước Ngoài phải có Người đại diện theo pháp luật hoặc Giám đốc là người Việt Nam hay không? 

Công Ty Vốn Nước Ngoài không cần phải có Người đại diện theo pháp luật hay Giám đốc là người Việt Nam. Nhưng cần phải lưu ý rằng, Công Ty Vốn Nước Ngoài phải có ít nhất một Người đại diện theo pháp luật cư trú ở Việt Nam (có thể là người nước ngoài). Trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. 

5. Các giấy phép mà Công Ty Vốn Nước Ngoài cần phải có để hoạt động kinh doanh tại Việt Nam? 

Trừ trường hợp Nhà Đầu Tư Nước Ngoài góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp của một Công Ty Việt Nam đã tồn tại và hoạt động trước đó, Công Ty Vốn Nước Ngoài thông thường phải có đủ hai giấy phép cơ bản là Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư và Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp. Tuỳ theo ngành nghề đầu tư kinh doanh mà Công Ty Vốn Nước Ngoài phải xin cấp thêm một hoặc một vài giấy phép khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ví dụ như trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài hoạt động Sàn giao dịch thương mại điện tử, Công Ty Vốn Nước Ngoài phải xin cấp thêm Giấy Phép Kinh Doanh do Sở Công Thương cấp và đăng ký website/app di động hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử tại Bộ Công Thương. Xin lưu ý rằng, nhiều giấy phép/giấy chứng nhận chỉ áp dụng riêng cho Công Ty Vốn Nước Ngoài mà không áp dụng cho Công Ty Việt Nam (theo ví dụ trên thì Công Ty Việt Nam không cần phải xin cấp Giấy Phép Kinh Doanh do Sở Công Thương cấp mà mà chỉ phải đăng ký website/app di động hoạt động sàn giao dịch thương mại điện). 

6. Thời gian thành lập Công Ty Vốn Nước Ngoài là bao lâu? 

Trong trường hợp thành lập công ty hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực được Việt Nam mở cửa thị trường và Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định, thời gian thành lập một Công Ty Vốn Nước Ngoài thông thường là 18 ngày làm việc (không bao gồm ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ cho cơ quan cấp phép. Tuy nhiên, trường hợp thành lập Công Ty Vốn Nước Ngoài hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực được Việt Nam mở cửa thị trường nhưng Nhà Đầu Tư Nước Ngoài không đáp ứng được điều kiện hoặc ngành nghề đầu tư kinh doanh chưa được Việt Nam mở cửa thị trường, thời gian thành lập Công Ty Vốn Nước Ngoài có thể kéo dài khoảng 30 tới 45 ngày làm việc. 

7. Địa chỉ hoạt động của Công Ty Vốn Nước Ngoài cần lưu ý điều gì? 

Các Công Ty Việt Nam được đăng ký thành lập công ty theo thông tin tự kê khai và chịu trách nhiệm, cơ quan cấp giấy phép không yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh được quyền sử dụng/sở hữu đối với địa chỉ trụ sở của Công Ty Việt Nam (trừ trường hợp cơ quan cấp phép cho rằng địa chỉ này là chung cư hoặc địa điểm không được phép hoạt động kinh doanh). Điều này có sự khác biệt so với các Công Ty Vốn Nước Ngoài, họ phải chứng minh địa chỉ hoạt động của Công Ty Vốn Nước Ngoài được thuê lại/sở hữu một cách hợp pháp và phù hợp với ngành nghề đầu tư kinh doanh, cơ quan cấp phép có thể hỏi ý kiến của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng địa điểm này để thành lập công ty. Ví dụ như Công Ty Vốn Nước Ngoài đầu tư kinh doanh nhà hàng ăn uống, cơ quan cấp giấy phép sẽ hỏi ý kiến của UBND quận/huyện nơi Công Ty Vốn Nước Ngoài đặt trụ sở để xin ý kiến chấp thuận trước khi cấp giấy phép/giấy chứng nhận.

8. Các loại báo cáo dự án đầu tư cần phải thực hiện và thời hạn báo cáo?

Công Ty Vốn Nước Ngoài thực hiện dự án đầu tư có nghĩa vụ báo cáo về tình hình thực hiện dự án đầu tư phải nộp các loại báo cáo theo bảng dưới đây cho Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan quản lý nhà nước về thống kê tại địa phương, việc báo cáo được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

STT Loại báo cáo Nội dung báo cáo Thời hạn
1 Báo cáo tháng Tình hình thực hiện vốn đầu tư trong trường

hợp dự án đầu tư có phát sinh vốn đầu tư thực hiện trong tháng

12 ngày kể từ ngày

kết thúc tháng báo

cáo

2 Báo cáo quý Vốn đầu tư thực hiện, doanh thu thuần, xuất

khẩu, nhập khẩu, lao động, thuế và các khoản nộp ngân sách, tình hình sử dụng đất, mặt

nước

trước ngày 12 của tháng đầu quý sau quý báo cáo
3 Báo cáo năm Các chỉ tiêu của báo cáo quý và chỉ tiêu về lợi nhuận, thu nhập của người lao động, các

khoản chi và đầu tư cho nghiên cứu khoa học và

phát triển công nghệ, xử lý và bảo vệ môi

trường, nguồn gốc công nghệ sử dụng.

Trước ngày 31

tháng 3 năm sau của năm báo cáo

                        

 

II. VỐN ĐẦU TƯ

1. Sự khác biệt giữa vốn điều lệ và vốn đầu tư dự án?

Vốn điều lệ công ty (được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) được hiểu là tổng giá trị tài sản do các thành viên hoặc cổ đông đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định khi thành lập công ty và được ghi vào điều lệ công ty. Theo quy định của Luật doanh nghiệp, thời hạn góp vốn điều lệ tối đa là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Vốn đầu tư dự án (được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) được hiểu là tổng các nguồn vốn góp vào một dự án đầu tư để thực hiện dự án đó, có thể bao gồm vốn góp, vốn vay và vốn huy động…

Một trong những thắc mắc là vốn góp thực hiện dự án có phải là vốn điều lệ của công ty hay không?

Khi Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thành lập Công Ty Vốn Nước Ngoài thông qua dự án đầu tư đầu tiên thì vốn góp thực hiện dự án của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài sẽ bằng với vốn điều lệ của công ty. Như vậy, có thể hiểu thông thường vốn điều lệ của công ty cũng đồng thời là vốn góp để thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, trong trường hợp thiết lập thêm một dự án đầu tư mới tách biệt với dự án đầu tư ban đầu, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài cũng có thể tăng vốn điều lệ của công ty lên để thực hiện dự án đầu tư mới mà không tăng số vốn góp thực hiện dự án trong dự án đầu tư đã triển khai trước đó.

2. Mức vốn điều lệ tối thiểu để thành lập Công Ty Vốn Nước Ngoài là bao nhiêu? 

Hiện tại, không có quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu bắt buộc Nhà Đầu Tư Nước Ngoài phải góp vào khi thành lập Công Ty Vốn Nước Ngoài cũng như không quy định mức vốn điều lệ tối đa, trừ các ngành nghề kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định như kinh doanh bất động sản là 2 tỷ VNĐ, bán hàng đa cấp là 10 tỷ VNĐ, lữ hành quốc tế là 500 triệu VNĐ, … thì vốn điều lệ tối thiểu phải bằng với mức vốn pháp định yêu cầu.

Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng pháp luật, tùy từng lĩnh vực và dự án mà Nhà Đầu Tư Nước Ngoài đầu tư tại Việt Nam, cơ quan cấp phép sẽ xem xét điều kiện về năng lực tài chính để chấp thuận cho phép Nhà Đầu Tư Nước Ngoài hoạt động kinh doanh hay không. Ngoài ra, phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, đối tượng khách hàng mục tiêu và đối tác mà Nhà Đầu Tư Nước Ngoài xác định mức vốn điều lệ góp phù hợp với hoạt động của công ty sau khi thành lập. 

3. Thời hạn góp vốn điều lệ là bao lâu? 

Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà Nhà Đầu Tư Nước Ngoài dự kiến thành lập tại Việt Nam mà thời hạn góp vốn điều lệ khác nhau như sau:

  • Đối với loại hình Công ty TNHH: Trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thành viên góp vốn trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc chủ sở hữu trong Công ty TNHH một thành viên có nghĩa vụ góp vốn đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết. Sau khi các thành viên trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên góp đủ vốn đã cam kết, Công Ty phải cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.
  • Đối với loại hình Công ty Cổ phần: Cổ đông trong Công ty Cổ phần có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc các cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.

Lưu ý: Thời hạn góp vốn của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thường được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đối với dự án thành lập mới, thời hạn này thông thường đúng bằng thời hạn góp vốn điều lệ là 90 ngày để từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công Ty Vốn Nước Ngoài như nêu trên.

4. Tài sản có thể dùng để góp vốn là gì? 

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì tài sản góp vốn bao gồm các tài sản như sau:

  • Đồng Việt Nam;
  • Ngoại tệ có thể chuyển đổi;
  • Vàng;
  • Giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ);
  • Công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác có thể đánh giá được giá trị bằng Đồng Việt Nam.

5. Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể góp vốn bằng tiền như thế nào?

Khi góp vốn bằng tiền Đồng Việt Nam hoặc ngoại tự do chuyển đổi vào Công Ty Vốn Nước Ngoài, Nhà Đầu Tư Nước Ngoài bắt buộc phải chuyển khoản thông qua tài khoản vốn đầu tư được mở tại ngân hàng thương mại. Tài khoản vốn đầu tư có thể là Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp hoặc Tài Khoản Vốn Đầu Tư Gián Tiếp tùy thuộc vào tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài trong Công Ty Vốn Nước Ngoài. Cụ thể như sau:

  • Trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp: Việc góp vốn thông qua tài khoản vốn trực tiếp có thể được thực hiện bằng ngoại tệ, Đồng Việt Nam và mức vốn góp của Nhà Đầu Tư căn cứ theo các tài liệu chứng minh quyền góp vốn của nhà đầu tư như: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp… Đối với mỗi loại tiền góp vốn (Đồng Việt Nam, ngoại tệ), Công Ty Vốn Nước Ngoài sẽ phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp cho loại tiền tệ tương ứng và chỉ được mở một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp cho một loại tiền tệ tại ngân hàng được phép, trừ trường hợp Nhà Đầu Tư Nước Ngoài tham gia nhiều hợp đồng BCC hoặc trực tiếp thực hiện nhiều dự án PPP thì phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp riêng biệt tương ứng với mỗi hợp đồng BCC, dự án PPP.
  • Trường hợp Nhà Đầu Tư Nước Ngoài mở Tài Khoản Vốn Đầu Tư Gián Tiếp: Mọi hoạt động đầu tư của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài tại Việt Nam phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam và thông qua tài khoản vốn đầu tư gián tiếp. Các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài phải được thực hiện thông qua 01 (một) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp duy nhất mở tại ngân hàng được phép.

6. Trường hợp nào Công Ty Vốn Nước Ngoài phải mở Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp?

Công Ty Vốn Nước Ngoài phải thực hiện mở Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp trong các trường hợp sau đây:

  • Được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có Nhà Đầu Tư Nước Ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Có Nhà Đầu Tư Nước Ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công Ty (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với Nhà Đầu Tư Nước Ngoài) dẫn đến Nhà Đầu Tư Nước Ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của Công Ty nhưng không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến Nhà Đầu Tư Nước Ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của Công Ty và không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành có Nhà Đầu Tư Nước Ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của Công Ty không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Trong trường hợp Công Ty Vốn Nước Ngoài và các Nhà Đầu Tư Nước Ngoài không thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch vốn được thực hiện qua Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp, các Nhà Đầu Tư Nước Ngoài có thể sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển lợi nhuận về nước và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với các Công Ty Vốn Nước Ngoài không thuộc trường hợp phải mở Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ mở Tài Khoản Vốn Đầu Tư Gián Tiếp để thực hiện các giao dịch vốn.

Tải file PDF tại đây.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.