Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam về các trường hợp từ chối cấp VBBH nhãn hiệu

Theo quy định của Luật SHTT hiện hành, việc từ chối cấp văn bằng bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung và đối với nhãn hiệu nói riêng sẽ được thực hiện theo (i) quy định chung và (ii) quy định riêng. Đối với nhãn hiệu, cơ sở từ chối cấp văn bằng bảo hộ sẽ được áp dụng theo quy định chung.  

Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam về các trường hợp từ chối cấp VBBH nhãn hiệu
Phân tích quy định của pháp luật Việt Nam về các trường hợp từ chối cấp VBBH nhãn hiệu

1. Về quy định chung: căn cứ khoản 1 Điều 117 Luật SHTT quy định, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp như sau:   

a. Trường hợp 1: Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ 

Về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu, một nhãn hiệu sẽ được xem xét bảo hộ nếu:  

  • Đáp ứng điều kiện các điều kiện như (1) là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa; và (2) có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
  • Không thuộc một trong các trường hợp không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu theo quy định tại Điều 73 Luật SHTT.   
  • Dấu hiệu nhận diện tự thân của nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện theo quy định về khả năng phân biệt và không thuộc một trong các trường hợp bị coi là không có khả năng phân biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật SHTT.  

b. Trường hợp 2: Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu 

  • Về quyền đăng ký nhãn hiệu: chủ đơn hoặc người nộp đơn đăng ký phải là một trong các chủ thể được quy định tại Điều 87 Luật SHTT.
  • Về đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu: cho đến hiện nay, thuật ngữ “dụng ý xấu” lần đầu tiên được xuất hiện trong Luật SHTT và là một trong những cơ sở dùng để từ chối chấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn luật mới nhất, cụ thể là Nghị định 65/2023/NĐ-CP chưa có định nghĩa hoặc giải thích nội hàm của “dụng ý xấu”. 

Cho đến khi có văn bản hoặc hướng dẫn chuyên môn về cụm từ “dụng ý xấu”, việc xác định và áp dụng có thể sẽ bị bỏ ngõ và việc áp dụng có thể dựa trên suy đoán logic của các bên có liên quan và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Thực tế là tình trạng “đầu cơ nhãn hiệu” của một số tổ chức, cá nhân cố tình đăng ký nhãn hiệu nhưng thực tế không sử dụng hoặc có hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sao chép, có hành vi sử dụng nhãn hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ,… Do đó, Luật SHTT quy định một trong những cơ sở từ chối cấp văn bằng bảo hộ với “dụng ý xấu” là để ngăn cản các hành vi nêu trên.  

c. Trường hợp 3: Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 90 của Luật này  

  • Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (Điều 90 Luật SHTT) và nguyên tắc ưu tiên (Điều 91 Luật SHTT) là một trong các nguyên tắc quan trọng, có giá trị quyết định ai sẽ là người được cấp văn bằng bảo hộ khi xảy ra trường hợp có từ hai đơn đăng ký nhãn hiệu trở lên cùng đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau. 
  • Luật SHTT cũng đã lường trước trường hợp khi có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.  
  • Do đó, chủ đơn cần nhanh chóng thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu để có ngày nộp đơn sớm nhất, hạn chế nguy cơ bị từ chối cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu. Để hạn chế mất thời gian và chi phí, chủ đơn nên thực hiện thủ tục đánh giá và tra cứu khả năng bảo hộ nhãn hiệu sơ bộ để đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu (đánh giá về khả năng phân biệt của nhãn hiệu, kiểm tra ngày ưu tiên,…) trước khi chính thức nộp đơn đăng ký.  

d. Trường hợp 4: Đơn thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật này mà không được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn.  

e. Trường hợp 5: Việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn. 

2. Thủ tục xử lý của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp

a. Trường hợp 1: Thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối  

=> Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối.  

b. Trường hợp 2: Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp người nộp đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo trường hợp loại trừ được quy định tại điểm e và điểm h khoản 2 Điều 74 của Luật này. Căn cứ kết quả giải quyết yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn.   

c. Trường hợp 3: Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án có thẩm quyền về việc người thứ ba khởi kiện liên quan đến quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu. Căn cứ kết quả giải quyết của Tòa án, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn. 

 


Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.