Những vấn đề cần lưu ý khi tuyển dụng người lao động cao tuổi nước ngoài - Apolat Legal

Những vấn đề cần lưu ý khi tuyển dụng người lao động cao tuổi nước ngoài

Đi cùng với việc hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, thị trường lao động Việt Nam cũng ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa, việc người lao động (NLĐ) nước ngoài đến Việt Nam làm việc cũng ngày càng trở nên phổ biến. Pháp luật Việt Nam cũng đã và đang có nhiều quy định để điều chỉnh việc tuyển dụng, quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi của những người lao động nước ngoài (NLDNN) làm việc tại Việt Nam, vừa bảo vệ nguồn lực sản xuất trong nước. 

Trong bối cảnh Việt Nam đang dịch chuyển dần từ thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” sang cơ cấu “dân số già”, việc tuyển dụng và sử dụng NLĐ cao tuổi, bao gồm cả NLĐ nước ngoài cũng dần trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ) vẫn khá túng túng trong việc áp dụng các quy định liên quan khi sử dụng NLDNN cao tuổi. Chuỗi bài viết này làm rõ một số vấn đề NSDLĐ cần tuân thủ cũng như một số điểm chưa rõ ràng trong quy định pháp luật liên quan để bạn đọc lưu ý khi tuyển dụng NLĐNN cao tuổi. 

1. Doanh nghiệp Việt Nam có được sử dụng người lao động nước ngoài (NLDNN) cao tuổi? 

Mỗi quốc gia có một quy định khác nhau về độ tuổi nghỉ hưu, như độ tuổi nghỉ hưu thông thường ở Mỹ là 66 tuổi với cả nam và nữ, ở Australia là 65 tuổi với nam, là 60 tuổi với nữ, v.v.1 Tại Việt Nam, tuổi nghỉ hưu tại thời điểm 2024 là 56 tuổi 4 tháng với NLĐ nữ, còn với NLĐ nam là 61 tuổi.2 NLĐNN làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật Lao Động 2019 (BLLĐ 2019, Điều 2.3). Vì vậy, NLĐNN làm việc tại Việt Nam cũng thuộc đối tượng áp dụng quy định về tuổi nghỉ hưu được quy định tại Điều 169 BLLĐ 2019. 

Theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, việc giao kết HĐLĐ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Các bên được tự do giao kết HĐLĐ nhưng không được trái với pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội. Việc giao kết HĐLĐ. Việc sử dụng NLĐ cao tuổi (trên tuổi nghỉ hưu nêu trên) cho các công việc phù hợp với sức khỏe là việc được nhà nước Việt Nam khuyến khích, và pháp luật lao động hiện hành cũng không có quy định hạn chế đối với việc giao kết hợp đồng lao động với NLĐ Nước Ngoài trên tuổi nghỉ hưu làm việc tại Việt Nam.  Do đó, người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với NLĐNN trên tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên, cần lưu ý đáp ứng đầy đủ các điều kiện làm việc của NLDNN nói chung theo quy định của pháp luật. 

2. Giấy phép lao động 

NLĐ Nước Ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải có Giấy Phép Lao Động3 (GPLĐ), trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định. Trong các trường hợp không thuộc diện cấp GPLĐ tại Điều 154 BLLĐ và Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, không có quy định về trường hợp được miễn cấp GPLĐ do là người cao tuổi. Do đó, việc tuyển dụng NLĐNN cao tuổi, nếu không thuộc các trường hợp được miễn cấp GPLĐ, vẫn phải đáp ứng điều kiện về GPLĐ trước khi làm việc như nêu trên. 

Lưu ý, mặc dù không có quy định cấm hay hạn chế tuyển dụng NLĐNN cao tuổi, nhưng BLLĐ hiện hành quy định doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng NLĐ nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi tuyển dụng.4 Do đó, không loại trừ rủi ro NLĐ Nước Ngoài cao tuổi có thể bị từ chối cấp GPLĐ nếu không đáp ứng các điều kiện về sức khỏe, chuyên môn, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

3. Về vấn đề đóng bảo hiểm cho NLĐNN cao tuổi làm việc tại Việt Nam

Đối với BHXH bắt buộc: Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có GPLĐ hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có HĐLĐ không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. 

Ngoại lệ: NLĐ Nước Ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nếu thuộc các trường hợp sau5: 

  • Di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp; 
  • NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ Luật Lao Động 2012.  

Tuy nhiên, vấn đề xác định đủ tuổi nghỉ hưu theo BLLD lại không rõ ràng, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi áp dụng trên thực tế: 

  • Thứ nhất, Nghị định 143 về các trường hợp ngoại lệ khi tham gia BHXH đang dẫn chiếu đến BLLD 2012 (hiện đã hết hiệu lực).   
  • Thứ hai, đối chiếu quy định tương tự tại BLLD 2019, Điều 187 BLLD 2012 và Điều 169 BLLĐ 2019 có nội dung giống nhau và đều quy định về 2 điều kiện để được hưởng lương hưu gồm: (i) đủ tuổi nghỉ hưu, (ii) đủ thời gian đóng BHXH. Quy định của Nghị định 143/2018/NĐ-CP chưa rõ ràng về việc NLĐ Nước Ngoài chỉ phải thỏa điều kiện về tuổi nghỉ hưu hay cả hai điều kiện nêu trên. Vì nếu chỉ dẫn chiếu đến điều kiện về tuổi nghỉ hưu, Nghị định 143 có thể dẫn chiếu trực tiếp đến khoản 2 Điều 187 BLLD 2012 hoặc khoản 2 Điều 169 BLLĐ 2019 (quy định trực tiếp về tuổi nghỉ hưu), thay vì dẫn chiếu đến điều 1 về điều kiện hưởng lương hưu như nêu trên.  

Qua tham khảo một số cơ quan BHXH (trên cơ sở ẩn danh), cách hiểu và áp dụng của các cơ quan BHXH về quy định này cũng chưa thống nhất. Do đó, các doanh nghiệp khi tuyển dụng và sử dụng NLĐNN cao tuổi nên lưu ý vấn đề này và tốt nhất nên làm công văn hỏi cơ quan BHXH phụ trách để được hướng dẫn phù hợp. 

Đối với BHYT: NLĐ Nước Ngoài làm việc tại Việt Nam mà đã trên tuổi nghỉ hưu được tham gia BHYT bắt buộc6. Hiện nay không có quy định riêng biệt nào quy định trường hợp NLĐ nước ngoài trên tuổi nghỉ hưu không phải tham gia BHYT, vì vậy, NSDLĐ cần lưu ý tham gia BHYT cho nhóm NLĐ này tương tự như đối với NLĐ Việt Nam.  

Đối với BHTN: Theo Điều 43.1 và Điều 3.1 Luật Việc Làm 2013, đối tượng người lao động tham gia BHTN phải là công dân Việt Nam. Do đó, NLĐ Nước Ngoài nói chung và NLĐ Nước Ngoài cao tuổi nói riêng làm việc tại Việt Nam mà đã trên tuổi nghỉ hưu không thuộc đối tượng tham gia BHTN. 

4. Các lưu ý khác khi sử dụng NLDNN cao tuổi

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động với nhóm NLĐNN cao tuổi, bên cạnh việc phải đảm bảo đúng các yêu cầu của pháp luật lao động, NSDLĐ cần lưu ý các điểm sau7: 

  • Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. 
  • Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. 
  • Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. 
  • Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.  
  • Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn. 
  • Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.  
  • Lưu ý, về vấn đề trả lương cho NLĐ Nước Ngoài, vì nhóm NLĐ này không thuộc đối tượng tham gia BHTN, NSDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức NSĐLĐ đóng BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật8.

(1) Tham khảo tại Current retirement ages | Pensions at a Glance 2023 : OECD and G20 Indicators | OECD iLibrary (oecd-ilibrary.org) 

(2) Điều 4.2 Nghị định 135/2020/NĐ-CP 

(3) Điều 151.a.d BLLĐ 2019 

(4) Điều 152.1, 152.2 BLLD 2019 

(5) Điều 2.2.b Nghị định 143/2018/NĐ-CP 

(6) Điều 168.1 BLLĐ 2019, Điều 12.1.a Luật BHYT 2008 

(7) Điều 148, Điều 149 BLLĐ 2019

(8) Điều 168.3 BLLĐ 2019

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.